Soạn thảo: Mục sư tiến sĩ Lê Trung Thành
Tên Sách và Tác Giả:
Gần như mọi nguồn tài liệu đều chấp nhận E-xơ-ra là người viết cả hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi, nhưng hầu hết các học giả cũng đều cho rằng E-xơ-ra cũng là tác giả sách Sử Ký vì phần kết luận của 2 Sử Ký hầu như đồng dạng với những câu đầu của E-xơ-ra (xem 2 Sử Ký 36:22-23; E-xơ-ra 1:1-3a). Thêm vào đó, trước đây E-xơ-ra và Nê-hê-mi được gom lại thành một sách mà thôi. E-xơ-ra cũng đã không đề cập đến chính mình là tác giả, nhưng nội chứng cho thấy có nhiều bằng cớ minh chứng về tác quyền là ông. Phần lớn văn phẩm thuộc truyền thống Do Thái và Cơ Đốc đều nhìn nhận rằng sách mang tên của thầy tế lễ và văn sĩ này. Mặc dầu tên E-xơ-ra không xuất hiện trong danh sách các thầy tế lễ hồi hương đến Giê-ru-sa-lem sau thời gian 70 năm lưu đày, mãi cho đến đoạn 7:1, tên của E-xơ-ra mới được nhắc đến, nhưng sách đã mang tên của ông với ý nghĩa “Đức Giê-hô-va cứu giúp”. E-xơ-ra không những là văn sĩ nhưng ông cũng là thầy tế lễ thuộc dòng dõi A-rôn (7:1-5). Ông đã có điều kiện để tham khảo những tài liệu quản trị điều hành trong văn khố triều đình Phe-rơ-sơ. E-xơ-ra cũng là thầy dạy luật mà 7:10 đã mô tả rõ vai trò và công việc này của ông.
Mục Đích:
Bày tỏ sự thành tín của Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa cùng dân sự Ngài trong việc cho phép họ hồi hương sau thời gian 70 năm lưu đày tại Ba-by-lôn. Hơn hết mọi sự, sách E-xơ-ra xác chứng sự tể trị của Đức Chúa Trời trên lịch sử nhân loại, không những của dân Do Thái nhưng cả thế gian bao gồm mọi dân tộc ngoại giáo; thể nào Đức Chúa Trời đã hành động trong lòng vua ngoại bang và những người kế vị để đem lại hy vọng hồi hương cho dân sự Ngài trong hoàn cảnh lưu đày khốn cùng của họ. Do đó, qua sách E-xơ-ra, cho thấy Đức Chúa Trời tiếp tục nắm giữ và bày tỏ ân sủng trong giao ước của Ngài cùng dân sự Chúa.
Thời Gian:
Sách E-xơ-ra được viết vào khoảng 450 T.C. ghi lại lịch sử của người Do Thái hồi hương. Trong Kinh Thánh của người Do Thái thì hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi là một sách, và cùng với sách Ê-xơ-tê hợp thành các sách lịch sử sau thời kỳ lưu đày. Các sách tiên tri sau thời kỳ lưu đày là A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi. Hai sách A-ghê và Xa-cha-ri nên đọc chung với sách E-xơ-ra vì hai sách đó đề cập đến việc xây lại đền thờ.
Bối Cảnh:
Đức Chúa Trời đã lập giao ước cùng dân Do Thái sau khi giải phóng họ thoát khỏi cảnh nô lệ của người Ai Cập, rằng nếu không vâng giữ điều răn luật lệ của Ngài cùng trở lòng thờ phượng tà thần, thì Ngài sẽ cho phép các dân ngoại bang xâm lăng đất nước và dân sự bị lưu đày như lời tiên tri Giê-rê-mi 2:14-25. Quả thật như vậy, cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đã không chú tâm tìm cầu Đức Giê-hô-va, nhưng ngược lại đã trở lòng thờ phượng Ba-anh và Át-tạt-tê cùng phạm những tội trọng cùng Ngài, nên Đức Chúa Trời đã dùng A-sy-ri và Ba-by-lôn thực hiện hình phạt của Ngài trên dân bạn nghịch.
Vào năm 722 T.C., 10 chi phái Miền Bắc đã bị A-sy-ri tấn công, dân sự bị bắt và tản lạc khắp đế quốc A-sy-ri ( 2 Các Vua 17:24-41). Trong những năm sau đó, (605 T.C. – 538 T.C.), hai chi phái Miền Nam còn lại đã không học được bài học lịch sử của anh em mình, đắm chìm trong sự bất trung vì không nắm giữ giao ước với Đức Chúa Trời, nên vào năm 586 T.C. Ngài đã phó họ bị xâm chiếm, chinh phục và lưu đày bởi đế quốc Ba-by-lôn.
Có tất cả 3 thời điểm người Do Thái bị đưa sang Ba-by-lôn vào các năm 605 T.C., 597 T.C. và 586 T.C. và sau thời gian 70 năm lưu đày. Si-ru, vua Phe-rơ-sơ đã hạ đế quốc Ba-by-lôn vào năm 539 T.C., và như Lời Đức Chúa Trời báo trước qua tiên tri Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 27:22), vua cho dân Do Thái lưu đày được hồi hương trong khoảng thời gian 90 năm kế tiếp; họ đã lần lượt hồi hương vào 3 giai đoạn khác nhau: Lần hồi hương thứ nhất dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên vào năm 538 T.C. với sứ mệnh tái xây dựng đền thờ; lần hồi hương thứ hai dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra vào năm 458 T.C. và đã thực hiện một số cải cách trong việc tái tổ chức đời sống tôn giáo và xã hội để gìn giữ những truyền thống tâm linh của dân sự Đức Chúa Trời (E-xơ-ra 7-10); và 13 năm sau, Nê-hê-mi đã hướng dẫn lần hồi hương thứ ba vào năm 445 T.C. để tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem.
Nội Dung:
Sách E-xơ-ra tiếp nối sách Sử Ký mô tả cuộc hồi hương của một nhóm người Do Thái từ Ba-by-lôn về Giê-ru-sa-lem; thể nào họ đã được Đức Chúa Trời vùa giúp trong:
- a) việc tái xây dựng đền thờ và tường thành. Công tác tái xây dựng đền thờ khởi sự vào thời cai trị của Si-ru, vua Phe-rơ-sơ (536 T.C.) và hoàn tất vào năm thứ sáu dưới sự cai trị của vua Đa-ri-út Đệ nhất (515 T.C.);
- b) tái thiết lập đời sống tâm linh và sự thờ phượng Đức Chúa Trời qua việc tái công bố luật pháp Môi-se;
- c) vượt thắng những tấn công hãm áp của các kẻ thù nghịch là những người Sa-ma-ri đòi tham dự vào công tác tái xây dựng đền thờ. Sau khi bị khước từ, họ đã tìm đủ mọi cách gây khó khăn và làm cho công tác bị đình trệ trong một thời gian dài, nhưng Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri phục hồi tinh thần cho dân Chúa trở lại tiếp tục công tác tái xây dựng đền thờ (520 T.C.) và hoàn tất, cùng làm lễ cung hiến đền thờ cách trang trọng và đầy sự vui mừng (516 T.C.);
- d) làm ngay thẳng trong việc cưới hỏi phụ nữ ngoại giáo.
Bố Cục:
- Lần hồi hương thứ nhất dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên và tái xây dựng đền thờ, 1:1 – 6:22
- Lần hồi hương thứ nhất 1:1 – 2:70
- Sắc lệnh của Si-ru, vua Phe rơ sơ,1:1-11
- Kiểm kê dân số những người Do Thái hồi hương, 2:1-70
- Công tác tái xây dựng đền thờ 3:1 – 6:22
- Tái thiết lập sự tế lễ và nền của đền thờ, 3:1-13
- Quân thù nghịch làm đình trệ công tác tái xây dựng đền thờ, 4:1-24
- Công tác tái xây dựng đền thờ được tiếp tục, 5:1-17
- Hoàn thành công tác tái xây dựng đền thờ và lễ khánh thành, 6:1-22
- Lần hồi hương thứ hai dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra và những cải cách, 7:1 – 10:44
- Lần hồi hương thứ hai, 7:1 – 8:36
- Chiếu chỉ của Ạt-ta-xét-xe, 7:1-28
- Sự hồi hương của E-xơ-ra và dân sự, 8:1-36
- Giải quyết vấn nạn lập gia đình với phụ nữ ngoại giáo, 9:1 – 10:44
- Bài cầu nguyện xưng tội của E-xơ-ra, 9:1-15
- E-xơ-ra đối đầu và giải quyết các người vợ ngoại bang phải phân rẽ khỏi dân sự, 10:1- 44