E-xơ-ra 9:1-4
Giải thích:
C. 1a: “Sau các việc đó” – dầu không nói rõ khoảng cách thời gian nhưng giữa hai đoạn 8 và 9 là một khoảng thời gian hơn 4 tháng vì tính từ thời điểm mà E-xơ-ra và phái đoàn về đến Giê-ru-sa-lem vào ngày mồng một tháng Năm (E-xơ-ra 7:9) cùng đem các khí dụng của đền thờ và của báu vào kho đền thờ vào ngày 4 tháng Năm (E-xơ-ra 8:3), cho đến khi các người lãnh đạo đến tường trình cho E-xơ-ra biết tình trạng tội lỗi của tôi con Chúa và cả dân sự nhóm lại vào ngày hai mươi tháng Chín (E-xơ-ra 10:9).
C. 1b: Lời tường trình của các quan trưởng cùng E-xơ-ra cho biết thực trạng tội lỗi, không những chỉ dân sự mà thôi, nhưng các thầy tế lễ và các người Lê-vi cũng vi phạm nữa. Tội lỗi mà tất cả mọi người vi phạm là “chẳng phân rẽ với các dân tộc xứ nầy, bắt chước theo sự gớm ghiếc” của các “dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân Phê-rê-sít, dân Giê-bu-sít, dân Am-môn, dân Mô-áp, dân Ê-díp-tô, và dân A-mô-rít”. Đây là các dân ngoại trong vùng mà trước khi dân Y-sơ-ra-ên nhận lãnh đất hứa Đức Chúa Trời đã cảnh giác dân sự Ngài không được thiết lập mối quan hệ (Phục truyền 18:9-12).
Sự phân rẽ Đức Chúa Trời đòi buộc con dân Ngài ở đây không có nghĩa là tách rời, sống biệt lập nhưng Đức Chúa Trời không muốn con dân của Ngài liên kết với dân ngoại giáo qua hôn nhân, e rằng họ bị ảnh hưởng và bắt chước làm theo những thói tục không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Lý do Đức Chúa Trời truyền cấm mạng không cho dân sự Ngài giao tiếp với các dân tộc nầy vì Đức Chúa Trời không chấp nhận những “điều gớm ghiếc” như: “dâng bò đực, hoặc con chiên có tì vít,” (Phục 17:1); “dâng con trai hay con gái ngang qua lửa, bói khoa, phù thủy, pháp thuật, ếm chú, đồng cốt, thuật số, cầu vong” (Phục 18:11); “người nữ không phép mặc quần áo của người nam, và người nam cũng chẳng được mặc quần áo của người nữ” (Phục 22:5); “đem vào nhà của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, hoặc tiền công của một con đĩ, hay là giá trả cho một con chó” (Phục 23:18). Thế nên, không riêng gì đối với các dân tộc nầy, nhưng bất cứ ai vi phạm cũng đều bị Đức Chúa Trời cho là “gớm ghiếc” nữa.
C. 2a: “Vì chúng có lấy những con gái họ làm vợ của mình, và làm vợ con trai mình. Dòng dõi thánh đã pha lộn như vậy với dân tộc của các xứ này”. Các thầy tế lễ, người Lê-vi và dân sự đã có một nếp sống pha trộn. Việc lập gia đình với những dân tộc ngoài Do Thái là những người không có đồng đức tin trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời, sẽ dần dần dẫn người Do Thái đi theo sự thờ hình tượng của người phối ngẫu ngoại giáo ấy. Việc nầy đã xảy ra trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên từ thời Các Quan xét. Mặc dầu đây là cấm mạng của Đức Chúa Trời đã truyền cho dân sự của Ngài nhưng họ vẫn tiếp tục đi theo điều lòng mình ưa thích thay vì vâng theo luật pháp của Ngài (Xuất 34:11-16). Vua Sa lô môn là một trong những trường hợp cụ thể nhất đã phạm tội trọng nầy, “Ngoài con gái của Pha-ra-ôn, vua Sa-lô-môn lại còn thương-mến nhiều người nữ của dân ngoại: tức là người nữ Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, Si-đôn, và Hê-tít. Chúng nó thuộc về các dân-tộc mà Đức Giê-hô-va có phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi và chúng nó chớ đi lại giao-thông với nhau; vì chúng nó hẳn sẽ quyến-dụ lòng các ngươi hướng theo các thần chúng nó. Sa-lô-môn tríu-mến những người nữ ấy. Người có bảy trăm hoàng-hậu, và ba trăm cung-nữ; chúng nó bèn làm cho người trở lòng. Trong buổi già-yếu, các hoàng-hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn-lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người. – 1 Các 11:1-6”.
C. 2b: “Thật các trưởng và quan cai vốn là kẻ đầu phạm tội dường ấy”. Đây không những xác chứng lời tường trình cho E-xơ-ra biết thành phần của những người phạm tội, chống nghịch lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời, nhưng cũng nói lên tính chất nghiêm trọng và trách nhiệm của người lãnh đạo trong những sai phạm đó nữa. Đáng lý ra “các trưởng và quan cai” phải là những người sáng suốt lãnh đạo dân sự đi theo đường lối của Đức Giê-hô-va và ngăn chận dân sự, những người thuộc cấp không phạm tội cùng Ngài qua việc kết hôn với người ngoại giáo; ngược lại, tại đây họ lại là những người đầu tiên phạm bất trung cùng Đức Chúa Trời.
C. 3-4: Nói đến tâm trạng đau buồn của E-xơ-ra, thể hiện qua hành động, khi nghe trình bày sự thật về đời sống đạo đức của dân sự, thể nào họ đã phạm tội bất trung, chống nghịch mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Hành động “xé cả áo trong lẫn áo ngoài, nhổ tóc bứt râu” bày tỏ tinh thần và tấm lòng ăn năn, đau đớn về tội lỗi. Mặc dầu E-xơ-ra không phạm tội “cưới vợ ngoại giáo” nhưng ông đã đồng hóa với chính dân sự của mình để hạ mình cảm biết cùng nhận thức tội lỗi và bày tỏ tấm lòng buồn bả, đau đớn, ăn năn trước mặt Đức Chúa Trời. Hành động nầy cũng đã gây ảnh hưởng đến “những người vâng theo các lời phán Đức Chúa Trời” và họ đều hiệp lại với E-xơ-ra trong tinh thần quan tâm, đau đớn về tội lỗi của dân sự, đồng thời cũng lo lắng cho số phận của họ trước sự phán xét của Đức Chúa Trời nữa.
I. ỨNG DỤNG:
1. Việc Đức Chúa Trời cấm không cho lập gia đình với người ngoại tộc không vì lý do kỳ thị chủng tộc, nhưng lý do chính yếu là Ngài quan tâm đến vấn đề thuộc linh của con dân Ngài. Một tín hữu của Đấng Christ không bén nhạy đủ và không nương cậy sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh Chúa thì sẽ không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời cho bất cứ một quyết định quan trọng trong cuộc đời. Ngay cả như việc quyết định kết hôn với người không cùng niềm tin, không chóng thì chầy sẽ không mạnh mẽ đủ để chống cự lại xu hướng thờ phượng thần tượng và xây bỏ việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Hôn nhân là do Đức Chúa Trời thiết lập và Hội Thánh thi hành. Do đó, hôn nhân cần được xây dựng trên nền tảng của tình yêu trong cùng một đức tin nơi Chúa Giê xu Christ. Trong hôn nhân, cả hai trở nên một thịt. Do đó, yếu tố cùng một đức tin không những quan trọng mà còn cần thiết nữa. Sứ đồ Phao lô đã khuyến cáo, “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (2 Côr 6:14). Ngày nay, mặc dầu yếu tố “không đồng đức tin trong hôn nhân” dường như không thành vấn đề như một số người thường lập luận, nhưng sẽ trở thành nan đề trong đời sống gia đình sau nầy và một số người đã hối hận vì quyết định sai lầm – không vâng theo Lời của Đức Chúa Trời. Do đó, cha mẹ cũng như các bậc trưởng thượng, không những cầu nguyện cho việc lập gia đình của con cái mà thôi, nhưng cũng cần phải dạy bảo, khuyên lơn và hướng dẫn con cái trong việc chọn lựa bạn đời nữa. Đừng để những cảm xúc tình cảm lấn lướt và làm mù quáng trước quyết định chọn vợ gả chồng theo tiêu chuẩn mà Lời Chúa phán dạy, đời sống thuộc linh cần phải hòa hiệp với nhau trong, trước và trên hết. Nếu không, e sẽ vấp phải lời cảnh báo mà Đức Chúa Trời đã khuyến cáo dân sự Ngài trước đây cũng như chúng ta hôm nay – “Hãy cẩn thận đừng lập giao ước cùng dân của xứ đó, e khi chúng nó hành dâm cùng các tà thần chúng nó và tế các tà thần của chúng nó, có kẻ mời, rồi ngươi ăn của cúng họ chăng. 16 Lại đừng cưới con gái chúng nó cho con trai ngươi, e khi con gái chúng nó hành dâm với các tà thần chúng nó, quyến dụ con trai ngươi cũng hành dâm cùng các tà thần của chúng nó nữa chăng – Xuất 34:15-16”.
2. Chúng ta thường nghe câu: “thượng bất chánh hạ tất loạn”, ý nói nếu người lãnh đạo không nghiêm minh và sống cuộc đời nghiêm túc thì chắc chắn thuộc cấp sẽ làm điều xằng bậy. Giống như trường hợp của những người Do Thái hồi hương, việc các lãnh đạo và quan chức khởi đầu việc lấy con gái ngoại giáo cho chính mình hoặc cho con mình làm vợ đã dẫn đến hậu quả tai hại – dân sự làm y theo như vậy. Chúng ta không thể tách rời công tác lãnh đạo với đời sống cá nhân như quan điểm ngày nay của thế gian; “hãy nghe theo những gì tôi nói, đừng nhìn những gì tôi làm”. Chúng ta phải hướng dẫn những người chung quanh, không chỉ bằng lời nói mà thôi, nhưng còn cả đời sống và hành động nữa. Thật vậy, Chúa Giê-xu đã để lại tấm gương lãnh đạo cho chúng ta qua chính đời sống của Ngài. Do đó, một người lãnh đạo thành công là đời sống cá nhân phản ảnh trung thực lời nói của chính người ấy.
3. Quan tâm đến đời sống thuộc linh của người khác đòi hỏi tinh thần đồng nhất hóa chính mình với người ấy bằng tấm lòng khiêm nhường cảm thông với sự đau đớn do tội lỗi gây nên, để từ đó mới có thể cầu xin sự tha thứ tội lỗi cho chính mình và cầu thay cho người khác được. Nếu không chúng ta sẽ bị rơi vào tinh thần lên mình kiêu ngạo, chỉ trích và lên án người khác. Chúa Giê-xu đã dùng ví dụ hai người lên đền thờ cầu nguyện trong Lu-ca 18:9-14. Chỉ lời cầu nguyện của người thâu thuế mới được Đức Chúa Trời nhậm vì người nầy khiêm nhường, chân thật khi đến với Chúa.
Hãy đáp ứng trước Lời Đức Chúa Trời qua tiên tri Giô ên kêu gọi dân sự Ngài cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay như sau: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu. 13 Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ. 14 Ai biết được Ngài sẽ chẳng xây lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình, tức là của lễ chay, lễ quán cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, hay sao?” (Giô-ên 2: 12-14). Một khi chúng ta khiêm cung hạ mình, ăn năn trở về cùng Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được lời hứa của Ngài ngay hôm nay.
Câu hỏi áp dụng:
1. Tại sao những người Do thái hồi hương kết hôn với các người nữ ngoại giáo là phạm tội cùng Đức Chúa Trời? Tại sao các thầy tế lễ và người Lê-vi cũng lấy vợ ngoại giáo như bao nhiêu người nam khác, nhưng vấn đề dường như nghiêm trọng hơn? Bạn có phản ứng hay thái độ như thế nào khi con cái chúng ta lập gia đình với người không cùng một niềm tin?
2. Theo Bạn, một gia đình hạnh phúc dựa trên những yếu tố nào? Tại sao yếu tố “đồng một niềm tin” trong hôn nhân lại là yếu tố quan trọng nhất cho hạnh phúc gia đình?
3. Làm sao chúng ta có thể giữ mình “thánh khiết” và không bị đồng hóa với thế gian trong khi đang sống chung với mọi người trong một xã hội đầy tội lỗi nầy? Theo bạn, Rô-ma 12:1-2 có còn thực tế với đời sống tín hữu của Đấng Christ trong thế kỷ thứ 21 nầy hay không?
4. Bạn có thái độ và cảm xúc như thế nào khi nhìn thấy những người chung quanh đang đi dần vào cõi chết đời đời nếu họ không kịp tin nhận Chúa khi còn sống. Theo bạn, hiện nay bạn cần phải làm gì đối với vấn đề tâm linh của người lân cận chưa biết Chúa?