E-xơ-ra 6:13-22
Giải Thích
- 13 ‘Họ bèn cần mẫn tuân theo chiếu chỉ’ – Những mưu định của Tát-tê-nai và các đồng liêu tìm cách ngăn chặn công việc tái xây cất đền thờ đã bị thất bại, thay vào đó họ buộc phải tuân hành chiếu chỉ của vua Đa-ri-út truyền cách triệt để. Nghĩa là họ phải hỗ trợ công tác tái xây dựng đền thờ cách tích cực qua sự cung cấp mọi nhu cần không những cho công tác xây dựng mà luôn cả công việc thờ phượng Đức Chúa Trời (xem E-xơ-ra 6:8-10).
- 14 ‘công việc được may mắn’ hay ‘thịnh vượng’ – Sứ điệp này rất quan trọng vì đây là chiếu chỉ hay công việc của tay Đức Chúa Trời – Đấng Tể Trị hoàn vũ hành động. Qua Tiên tri A-ghê, chúng ta thấy Đức Chúa Trời kêu gọi và thách chức con dân Ngài trong việc tái xây dựng đền thờ, “Hãy lên núi, đem gỗ về, và xây nhà này, thì ta sẽ lấy nó làm vui lòng, và ta sẽ được sáng danh, Đức Giê-hô-va phán vậy” (A-ghê 1:8). Làm sao dân sự có thể thực hiện được điều này? Trong suốt thời gian qua, họ không những chỉ gặp sự chống đối mà thôi, nhưng họ cũng mãi mê lo việc xây dựng nhà riêng mình và bỏ bê nhà của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời với quyền năng tể trị của Ngài, không những ban thẩm quyền cho những người có chức quyền đương thời thực thi chương trình và ý định tốt lành của Ngài trong công tác tái thiết đền thờ, nhưng Ngài cũng giáng tai họa trên họ. Dân sự Chúa đã phải gánh chịu sự hành phạt của Đức Chúa Trời qua cơn đói kém mà Ngài đã dùng tiên tri A-ghê cảnh cáo (A-ghê 1:9b-11). Do đó, trong suốt 3 thời đại của các vua danh tiếng trong lịch sử Cận Đông: Si-ru, Đa-ri-út và Ạt-ta-xét-xe, Đức Chúa Trời đã khiến họ ban hành những chỉ dụ cho phép tái xây cất đền thờ. Vua Ạt-ta-xét-xe được nhắc đến trong thời điểm này dường như không thích hợp theo thời gian vì vua Ạt-ta-xét-xe không đóng góp trong thời của Xô-rô-ba-bên, nhưng có lẽ chính vua Ạt-ta-xét-xe đã góp phần trong sự thờ phượng của dân Do Thái hồi hương dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra (E-xơ-ra 7:21-24) và cũng chính bàn tay của Đức Chúa Trời đã hướng dẫn dân sự Ngài từng bước để giờ này, đền thờ được hoàn tất.
- 15 ‘Đền được xây cất xong’ – ngày thứ ba tháng A-đa năm thứ sáu đời vua Đa-ri-út hay nhằm vào khoảng tháng Hai/Ba, năm 516 TC, gần 70 năm sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị hủy phá bởi vua Nê-bu-cát-nết-xa, nay được hoàn thành. Theo A-ghê 1:15 thì công trình tái xây dựng đền thờ được bắt đầu vào ngày 21 tháng 9 năm 520 TC, như vậy, sau hơn 3 năm rưỡi thì công tác hoàn tất. So với đền thờ do vua Sa-lô-môn xây dựng thì đền thờ lần này nhỏ hơn, nhưng hoạ đồ của đền thờ thứ nhì này cũng giống như đền thờ trước. Chỉ riêng Nơi Chí Thánh thì để trống vì Hòm Giao Ước đã bị mất khi Ba-by-lôn xâm lăng. Theo sử gia Josephus thì trong ngày đại Lễ Chuộc Tội, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đặt bàn thờ xông hương trên phiến đá ghi dấu có Hòm Giao Ước đặt trước kia. Nơi Thánh thì có đặt bàn để Bánh Trần Thiết, Bàn Thờ Xông Hương và một chân đèn, thay vì trong đền thờ Sa-lô-môn có 10 ngọn, ‘năm cái bên hữu và năm cái bên tả’ theo như I Các Vua 7:49.
- 16-18 Lễ Khánh thành đền thờ thật trọng thể với các sinh tế dâng lên cho Đức Chúa Trời và cắt cử các thầy tế lễ và người Lê-vi phụng sự đền thờ với lòng hân hoan. Tất cả những người Do Thái hồi hương trong mọi tầng lớp, các thầy tế lễ, người Lê-vi và dân chúng kể cả các con cái của họ, đều dự Lễ Khánh thành đền thờ cách vui mừng.
- 17 Mặc dầu số thú vật dùng làm sinh tế để dâng lên cho Đức Chúa Trời vào dịp Lễ Khánh thành đền thờ lần này thì ít hơn so với số sinh tế dâng vào dịp Lễ Khánh thành đền thờ Sa-lô-môn (I Các Vua 8:5,63 – II Sử Ký 30:24; 35:7), nhưng họ đã vâng giữ đúng theo luật pháp Môi-se trong việc sắp đặt ban thứ cho các thầy tế lễ và các người Lê-vi. (Các sách Ngũ Kinh, hay cụ thể hơn trong Xuất 29; Lê-vi Ký 8; Dân Số Ký 3, 8:5-26, 18).
Theo I Sử Ký 24:1-19, các thầy tế lễ được vua Đa-vít chia thành 24 ban thứ, theo từng gia đình mang chức tế lễ hay người Lê-vi, nhưng Môi-se đã truyền cho họ trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi như được thấy trong Dân Số Ký 3 và 4. Chỉ riêng A-rôn và những con trai mới được phép làm thầy tế lễ mà thôi, còn tất cả những người Lê-vi khác giúp đỡ A-rôn và các con trai người qua các chức dịch trong đền tạm.
Trong dịp này, những người Do Thái hồi hương cũng giữ Đại Lễ Chuộc Tội cho dân chúng vì trong suốt những thời gian lưu đày, họ không thể thực hiện được vì không có đền thờ.
C.19-22 “Ngày 14 tháng Giêng… giữ Lễ Vượt Qua” – Lễ Vượt Qua là kỳ lễ được tổ chức hằng năm như lời tuyên phán trong Phục 16:1-8, để kỷ niệm sự giải cứu cách kỳ diệu của Đức Chúa Trời đối cùng dân sự Ngài khỏi Ai Cập (Xuất 12:1-30).
Đến nay, dân Do Thái hồi hương lại một lần nữa được có cơ hội giữ Lễ Vượt Qua mà có lẽ trong những năm tháng lưu đày họ không một lần hoặc nếu có chăng thì cũng không cử hành cách trọng thể như thế được. Người ta gợi ý là các Thi Thiên 145-148 được dùng để ca ngợi trong kỳ Lễ Khánh thành đền thờ.
Thành phần giữ lễ không chỉ riêng những người Do Thái hồi hương và con cháu họ mà thôi, nhưng bên cạnh đó cũng có thêm những người bản xứ là những người “đã tự chia rẽ ra sự ô uế của các dân tộc trong xứ, đến theo dân Y-sơ-ra-ên, đặng tìm kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”. Đây là những người trở lại Do Thái giáo. Họ phải xưng sự không tinh sạch thuộc linh của chính mình trước mặt Đức Chúa Trời, từ bỏ thần tượng, chịu cắt bì rồi mới được phép giữ Lễ Vượt Qua. Tóm lại, dầu là ai đi chăng nữa thì tất cả đều bị đòi buộc một điều là phải làm chính mình tinh sạch trước khi giữ lễ.
C.22 “Vì Đức Giê-hô-va… có cảm động lòng vua A-si-ri” – Đức Chúa Trời đã thay đổi lòng của các vua để cho phép họ hoàn tất công tác tái xây dựng đền thờ. Tước hiệu ‘vua A-si-ri’ dành cho vua Đa-ri-út, mặc dầu lúc bấy giờ Đa-ri-út làm vua nước Ba Tư. Tước hiệu ‘vua A-si-ri’ được dùng cho tất cả các vua thuộc các xứ trước kia người A-si-ri chiếm đóng, mặc dầu họ thuộc về nước nào đi chăng nữa.
Áp Dụng
- Đức Chúa Trời luôn ban ơn, vùa giúp chúng ta hoàn tất những công tác mà Ngài ủy thác.
Đây là nguyên tắc bất di bất dịch mà Đức Chúa Trời dành cho con dân của Ngài trong mọi thời đại. Giống như trường hợp của những người Do Thái hồi hương trong công tác tái xây dựng đền thờ của Đức Chúa Trời, chúng ta học được những điều sau: (a) Mặc dầu họ đối diện với những chống đối, nhưng Đức Chúa Trời đã can thiệp cách nhiệm mầu và biện minh cho họ vượt hơn những ý tưởng và mong đợi của con người chúng ta; (b) Đức Chúa Trời cũng biết tình trạng thuộc linh của con dân Ngài, nên Ngài đã dùng các tiên tri ngày xưa hay các tôi tớ Chúa ngày hôm nay, đem Lời của Đức Chúa Trời đến cùng con dân Ngài cách cụ thể để cảnh tỉnh, thách thức và dạy dỗ. Ngỏ hầu mọi người cùng đứng lên, hiệp một với nhau trong sự phục vụ nhà Ngài và mở mang Nước Trời.
- Con dân Chúa cần liên hoan để nhắc nhở nhau về quyền năng Đức Chúa Trời đã thực hiện và mọi ơn lành mà Ngài đã ban cho.
Dân sự của Đức Chúa Trời bày tỏ lòng vui mừng liên hoan trong ngày khánh thành đền thờ. Việc liên hoan khi đền thờ được hoàn tất là dịp để mọi người (a) cùng chú tâm về một hướng và dâng lên lời tạ ơn chúc tạ Đức Chúa Trời cùng ca ngợi công việc quyền năng mà Ngài đã thực hiện. Một khi con dân Chúa cùng hướng tâm hồn và tấm lòng lên ca ngợi Thiên Chúa thì những sự kiêu hãnh về mọi nỗ lực và thành đạt cá nhân sẽ giảm đi. Tất cả mọi sự thuộc về con người đều bị tan biến trước vinh quang của Ngài, mọi hàng rào của tổ chức, xã hội hay những bức tường ngăn cách giữa con người với con người sẽ được phá tan. ‘Vinh quang Thiên Thượng’ là Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng từ trời đã đến trần gian làm người mà Sứ đồ Giăng mô tả về Ngài là “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một Theo tiếng bổn thì chữ “Con một”có ý là Con sanh ra chỉ có một mà thôi đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14), kết quả của sự chết đền tội của Ngài trên thập tự giá và sống lại cách khải hoàn đã đem con người không những trở về cùng Thượng Đế, nhưng cũng trở lại với nhau mà chính Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định trong Ê-phê-sô 2:14-18; (b) liên hoan là dịp để con người đếm những ơn phước mà Đức Chúa Trời đã ban với sự thành tín của Ngài đã thể hiện để từ đó, con người phục vụ Đức Chúa Trời với lòng biết ơn. Lắm khi con dân Chúa làm những công tác hầu việc Đức Chúa Trời qua sự dâng hiến tài chánh, thì giờ, khả năng… nhưng không với lòng biết ơn mà ngược lại, đôi khi còn nghĩ rằng mình ‘làm ơn’ cho Đức Chúa Trời qua những công tác ấy. Hãy nhận thức rằng sự hầu việc Chúa mà chúng ta thực hiện được cho nhà Chúa là những đặc ân mà Ngài dành ban.
Do đó, con dân Chúa hãy mạnh dạn làm chứng lại những gì mà Đức Chúa Trời đã ban cho, dầu việc nhỏ hay lớn, dễ dàng hay khó khăn… Khi làm chứng lại là lúc chúng ta xác nhận bàn tay của Đức Chúa Trời đang chăm sóc và chăn giữ cuộc đời mình cùng xác chứng tấm lòng nhờ cậy tuyệt đối của chúng ta nơi Ngài.
- Thờ phượng Đức Chúa Trời với tấm lòng trắng trong.
Dân sự Chúa ‘cả thảy đã dọn mình cho thanh sạch, không trừ ai’ để chuẩn bị để giữ Lễ Vượt Qua, đã cho chúng ta bài học về sự dọn lòng trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì sao phải ‘dọn lòng trong sạch’ trước khi ra mắt Ngài? Chúa Giê-xu trong bài giảng trên núi về các phước lành đã cho chúng ta câu trả lời: “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Mat 5:8). Vì Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết nên không một ai trong con loài người chúng ta có thể đến gần Ngài mà sống sót. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi ân điển sâu rộng và tình yêu vô biên của Ngài đã ban Chúa Cứu Thế Giê-xu cho chúng ta và qua sự đổ huyết vô tội để chết đền tội của Ngài trên thập tự giá, có thể tẩy sạch mọi tội lỗi chúng ta và khiến chúng ta có đủ tư cách để ra mắt Đức Chúa Trời như tác giả thư Hê-bơ-rơ đã khích lệ chúng ta trong Hêb 10:19-22. Chính vì vậy, chúng ta cần xưng nhận tội lỗi và làm ngay thẳng lại mọi vi phạm, nhờ quyền năng của huyết Chiên Con tẩy rửa và tái tạo chúng ta nên con người mới để từ đó có thể thờ phượng Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài như Lời Ngài hứa trong 1 Giăng 1:8-9.
- Đón nhận những người có lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và giúp họ có mối liên hệ với Ngài cách cá nhân để cùng chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời.
Trong số những người giữ lễ Vượt Qua với dân Do Thái hồi hương, có “những người đã tự chia rẽ ra sự ô uế của các dân tộc trong xứ, đến theo dân Y-sơ-ra-ên, đặng tìm kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”. Đây là điểm then chốt của tấm lòng Đức Chúa Trời vì Ngài yêu thương cả thế gian và không muốn cho một ai bị hư mất. Nên Đức Chúa Trời kiên nhẫn chờ đợi con người lầm lạc quay về cùng Ngài trước ngày Chúa Giê-xu trở lại trần gian lần thứ hai, như điều Sứ đồ Phi-e-rơ đã khẳng định: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). Do đó, chúng ta cần nhờ cậy năng quyền Đức Thánh Linh để sống cuộc sống phản ảnh sự sống của Chúa Cứu Thế và sẵn sàng trình bày Phúc Âm cứu rỗi của Ngài cho người chưa được cứu và dắt đưa họ đến cùng Chúa.
Câu Hỏi Áp Dụng
- Bạn phản ứng như thế nào khi gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống? Bạn đã có kinh nghiệm nào về sự can thiệp của Đức Chúa Trời khi dường như không có lối ra?
- Đức Chúa Trời thường dùng cách nào để cảnh tỉnh đời sống thuộc linh của bạn khi đức tin yếu mỏn hay lui đi? Qua những kinh nghiệm mà bạn đã trải qua, bạn có thể làm gì để giúp đỡ người khác trong những hoàn cảnh khốn khó của họ?
- Theo bạn, những dịp Hội Thánh tổ chức liên hoan hay thông công với nhau có đem lại ích lợi hay không? Có phải đợi đến khi nhận lãnh những “ơn phước đặc biệt” thì chúng ta mới làm chứng hay không? Nếu không, bao lâu chúng ta mới làm chứng về những ơn phước Chúa một lần?
- Nhận định về câu nói: “Đức Chúa Trời là Đấng biết hết mọi việc, cho nên chúng ta không cần phải xưng tội nữa vì Ngài đã biết hết cả rồi.”. Việc xưng tội liên quan thế nào đến sự thờ phượng? Thờ phượng như thế nào mới đẹp lòng Đức Chúa Trời?
- Hội Thánh Chúa bao gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng theo bạn thì ai là người chịu trách nhiệm dắt đưa thân hữu đến cùng Ngài? Bạn góp phần như thế nào trong tiến trình dắt đưa thân hữu đến cùng Chúa?
- Theo nhận xét của bạn thì có tình trạng phân hoá hay cách biệt xảy ra giữa vòng con dân Chúa trong Hội Thánh của chúng ta không? Làm thế nào để san bằng mọi dị biệt đó?