Kinh Thánh: E-xơ-ra 7:11-28
Bài học thuộc linh từ phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời tiếp tục trên dân sự của Ngài trong công tác tái xây dựng con người sau khi hoàn tất công tác tái xây dựng đền thờ. Hơn thế nữa, chúng ta học được việc xây dựng con người là công tác quan trọng hơn việc xây dựng cơ sở vật chất và đây là một tiến trình dài hạn. Để đạt được kết quả tốt đẹp như ý, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo và thực hiện cách kiên trì và nghiêm túc.
Giải Thích
- 11-26 Hành trình hồi hương dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra hợp pháp dựa trên nền tảng chiếu chỉ của vua Ạt-ta-xét-xe. Qua chiếu chỉ nầy, không những vua Ạt-ta-xét-xe đáp lời thỉnh cầu của E-xơ-ra và cho phép ông dẫn những người Do Thái lưu đày hồi hương mà thôi, nhưng bên cạnh đó, nhà vua còn truyền dạy chi tiết những điều cần phải thực hiện cho đền thờ của Đức Chúa Trời nữa.
- 11-20 Lệnh truyền về cách quản trị và sử dụng tài chánh:
- a) Trước hết, nhà vua tín cẩn và tin dùng E-xơ-ra lãnh đạo phong trào những người Do Thái hồi hương không chỉ vì vua nhận biết vai trò và địa vị của ông mà thôi, nhưng vì phẩm cách và hiệu quả của chức vụ của E-xơ-ra ra nữa. Ông không phải là một người bình thường nhưng là một “thầy tế lễ và văn sĩ thông thạo luật pháp của Đức Chúa trên trời” nữa. (C.12)
- b) Nhà vua không những ủy thác cho E-xơ-ra sứ mạng ‘tra xét về Giu đa và về Giê-ru-sa-lem’ mà thôi nhưng giao phó những người Do Thái lưu đày là những ‘người sẵn lòng trở về Giê-ru-sa-lem’ cùng những tặng vật quý giá và hiện kim mà vua và các mưu thần của Ba by lôn vui lòng dâng hiến cho đền thờ của Đức Chúa Trời nữa. Về phương diện nhân sự là các người Do Thái hồi hương gồm tất cả dân sự cùng các thầy cả và người Lê vi để phụng sự đền thờ. Về phương diện vật chất của cải gồm vàng bạc từ: (i) sự đóng góp của nhà vua cùng các mưu thần (c. 15); (ii) bạc vàng hay của cải mà dân sự có được trong thời gian sống lưu đày trong tỉnh Ba by lôn và (iii) vàng bạc từ sự vui lòng dâng hiến của dân sự Đức Chúa Trời (c. 16) và các khí dụng dùng cho sự thờ phượng được nhà vua trả lại cho đền thờ của Đức Chúa Trời (c. 19).
- c) Bên cạnh đó, vua Ạt-ta-xét-xe cũng phán truyền về cách sử dụng các tài vật mà E-xơ-ra và đoàn người Do Thái hồi hương mang về Giê-ru-sa-lem nữa. Trước hết, nhà vua quan tâm đến việc dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời cần được thực hiện cách cẩn trọng cho nên vua truyền cho việc sắm sửa đầy đủ các của lễ để thực hiện tất cả các ‘của lễ chay, và lễ quán’ và các của lễ nầy cần phải được dâng tại bàn thờ nơi đền thờ. Cụm từ ‘cần mẫn’ nói lên sự quan tâm mọi chi tiết không được bỏ sót một điều nào. Thứ đến, những nhu cần khác thì có thể sử dụng ngân quỹ có sẵn để mua sắm. Tuy nhiên, chúng ta cần để ý đến điều quan trọng khi sử dụng ‘công quỹ’ là “hễ muốn dùng làm việc gì phải, khá theo ý ngươi và anh em ngươi cho là tốt mà làm thuận ý chỉ của Đức Chúa Trời các ngươi” (c. 18) Chúng ta thấy nguyên tắc sử dụng công quỹ không do ý riêng của một người quyết định, dầu đó là người lãnh đạo đi chăng nữa, nhưng là quyết định của ‘tập thể’ và ‘việc phải’ cùng ‘thuận ý Đức Chúa Trời’.
- d) Còn các khí dụng mang về thì cần phải đem trả lại trong đền thờ để dùng trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời.
- e) Những chi phí khác liên quan đến việc xây cất đền thờ thì được phép lấy nơi kho tàng vua (c. 20)
- 21-24 Lệnh truyền về sự chu cấp cần thiết cho E-xơ-ra và đoàn người Do Thái hồi hương. Vua Ạt-ta-xét-xe đã ra lệnh cho ‘các quan cai kho ở bên phía kia sông’ chu cấp những nhu cần cách ‘cần mẫn’ cho E-xơ-ra và phái đoàn của ông hầu hoàn tất công tác mà nhà vua ủy thác. Số lượng giới hạn tối đa mà nhà vua ấn định cho là: một trăm ta lâng bạc hay 3.50 tấn bạc (Một ta-lâng tương đương với 34.30kg), một trăm bao (cô rơ) lúa miến hay 22.000 lít (Một cô-rơ tương đương với 181 lít), một trăm thùng (bát) rượu hay 2.100 lít (Một bát tương đương với 21 lít), một trăm thùng dầu hay 2.100 lít dầu, và muối thì không hạn chế. Lý do cần phải thực hiện cách nghiêm túc để tránh đi cơn phẫn nộ hay tai vạ của Đức Chúa Trời có thể xảy ra trên nhà vua và cả triều đình.
Bên cạnh đó, nhà vua cũng đã cho phép tất cả những người phụng vụ trong đền thờ được hưởng phúc lợi của triều đình bằng cách ra lệnh cho họ được miễn xâu thuế. Từ các ‘thầy tế lễ, người Lê-vi, kẻ ca hát,’ đến các ‘người giữ cửa, người Nê-thi-nim và những tôi tớ đền thờ của Đức Chúa Trời’ đều được hưởng ân huệ nầy.
- 25-26 Lệnh truyền về việc cai trị dân sự. Vua Ạt-ta-xét-xe quan tâm đến đời sống xã hội của những người Do Thái hồi hương khi về đến quê nhà, bằng cách truyền lệnh cho E-xơ-ra đặt để các quan viên vào hàng ngũ lãnh đạo để cai trị dân sự là những người thông thạo về luật pháp của Đức Chúa Trời. Còn những ai trong dân sự chưa hiểu biết luật lệ của Đức Chúa Trời và nhà vua thì E-xơ-ra cần phải dạy dỗ ngỏ hầu có thể áp dụng và thực thi luật pháp của Đức Chúa Trời cách nghiêm túc. Để từ đó, bất cứ ai phạm luật pháp đều bị hành xử theo luật định. Hay nói một cách khác, khi một người bất tuân luật lệ của Đức Chúa Trời hay chính quyền đương thời mà bị xử đoán, thì sẽ không có thể viện bất cứ lý do nào để chạy tội vì không hiểu biết luật lệ được.
- 27-28 Lời cầu nguyện tạ ơn. E-xơ-ra nhìn biết bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời trong sự kiện hồi hương với mục đích sử sang lại đền thờ của Ngài tại Giê-ru-sa-lem – không những chỉ tái xây dựng đền thờ mà thôi, nhưng cũng còn phục hồi nếp sống đạo đức, sinh hoạt tôn giáo và đời sống tâm linh của dân sự. Việc ‘trang điểm hay sửa sang lại cho đẹp đền thờ của Đức Chúa Trời’ không chỉ là ý tưởng riêng của vua Ạt-ta-xét-xe, nhưng chính Đức Chúa Trời đã làm việc trong lòng vua. Thể nào Ngài đã cảm động lòng vua để E-xơ-ra được ơn trước mặt vua, được vua chấp thuận lời thỉnh cầu và cho phép E-xơ-ra hướng dẫn những kẻ có lòng hồi hương. Cụm từ ‘hứng chí’ nói lên tấm lòng buồn bã thất vọng ngã lòng, không muốn làm hay bỏ cuộc nay được phục hồi và hưng phấn để tiếp tục phấn đấu, cam đảm theo đuổi mục tiêu bày ra trước mặt. Chính vì nhận thức được như thế, nên E-xơ-ra đã mạnh dạn chiêu tập dân sự cùng trở về với mình.
Ứng dụng:
- Để được Đức Chúa Trời sử dụng, đòi hỏi một người cần phải có tấm lòng đầu phục, khép mình vào kỷ luật thuộc linh, trang bị những khả năng cần thiết và tinh thần sẵn sàng cho công tác mà Ngài ủy thác.
Như bài học trước, không phải một sớm một chiều mà E-xơ-ra trở nên người được Đức Chúa Trời đại dụng trong công tác lớn lao nầy. Nhưng E-xơ-ra đã bỏ cuộc đời của mình trong việc chuyên tâm học hỏi luật pháp của Đức Chúa Trời, bao gồm cả hai phương diện tri thức và kinh nghiệm về Ngài. E-xơ-ra vừa là ‘thầy tế lễ’ vừa là ‘văn sĩ’ và được mô tả là ‘người thạo biết luật pháp của Đức Chúa Trời’ vì ông đã ‘chuyên tâm nghiên cứu và thực hành luật pháp Đức Chúa Trời, cũng như dạy dỗ đạo luật và quy chế Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên.” Thế nên Đức Chúa Trời đã chọn lựa và đại dụng E-xơ-ra cho công tác Nhà Ngài. Sự trưởng thành tâm linh của E-xơ-ra đã thực sự thể hiện trong chức vụ và đời sống hằng ngày đến nỗi chính vua Ạt-ta-xét-xe biết và đã tin dùng. Bài học thuộc linh nầy cũng cần được áp dụng cho tôi con Chúa trong mọi thời đại. Một người có được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, không chỉ là đạt được sự hiểu biết hay kiến thức về Đức Chúa Trời và Lời Ngài mà thôi. Mặc dầu sự nghiên cứu học hỏi để hiểu biết về Đức Chúa Trời và Lời Ngài là điều tốt, nhưng chưa đủ, nhưng hơn thế nữa, người ấy cần phải cần phải áp dụng những nguyên tắc đã học được từ nơi Lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày, sống với những sự dạy dỗ mà mình đã học được và có kinh nghiệm về sự thực hữu của Đức Chúa Trời cách cá nhân, lúc ấy mới trở nên dụng cụ sắc bén, hữu hiệu cho Đức Chúa Trời dùng. Lời khuyên của Đức Chúa Trời cho chúng ta hôm nay cũng giống như điều Ngài đã phán dạy Giô suê, “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô suê 1:8) Bên cạnh thì giờ tĩnh nguyện, học hỏi Lời Chúa cách cá nhân, mời Bạn tham gia vào các chương trình học hỏi Lời Chúa mà Hội Thánh của Bạn tổ chức như các lớp Trường Chúa Nhật, Nhóm Nhỏ, Chương trình Thần Học Mở Rộng, Chứng Đạo Sâu Rộng (EE) v.v…. tất cả phương cách học hỏi Lời Chúa nầy sẽ giúp cho tín hữu không những được trưởng thành thuộc linh, nhưng còn được trang bị cho công tác phụng vụ Nhà Đức Chúa Trời nữa. bên cạnh đó, hãy chuẩn bị chính mình tinh thần đầu phục, sẵn sàng tham gia công tác mà Đức Chúa Trời giao phó.
- Khi chúng ta đi trong đường lối và làm theo ý chỉ tốt lành của Đức Chúa Trời thì Ngài dùng mọi phương cách và sắm sẵn mọi phương tiện cần thiết để chúng ta hoàn tất sứ mạng mà Ngài giao phó.
E-xơ-ra thuận theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, nên Ngài khiến ông được ơn trước mặt vua Ạt-ta-xét-xe và các chư thần – không những ông được nhà vua chấp thuận thỉnh cầu trở về nguyên quán, nhưng còn được chu cấp mọi phương tiện cần thiết như chu cấp tiền bạc, vật chất, thực phẩm để hoàn thành sứ mạng giao phó là ‘sửa sang hay làm đẹp đền thờ của Đức Chúa Trời, cắt đặt các quan cai trị dân sự và thực thi luật pháp của Đức Chúa Trời và luật vua.’ Đức Chúa Trời là Đấng Tể Trị và Ngài có quyền năng bắt phục muôn vật thực thi chương trình và ý định của Ngài. Trong hoàn cảnh lịch sử của E-xơ-ra đang sống, vua Ạt-ta-xét-xe cũng như các vua trước đây (vua Si ru (1:2–4) và vua Đa-ri-út (6:1–10), dầu có cùng một động lực là muốn làm vui lòng các thần được tôn thờ trong vương quốc của mình và muốn tránh sự phẩn nộ, báo thù của các thần trên vua và triều đình, nên cho phép và tạo điều kiện cho các dân tộc trở về trong sự thờ phượng trước đây mà dân Do Thái lưu đày cũng ở vào trường hợp nầy. Thì dầu thế nào đi chăng nữa, phía sau của mọi vấn đề có bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời ở cùng và điều khiển. Ngài có quyền năng sử dụng ngay cả chính quyền ngoại giáo để hoàn thành ý định tốt lành của Ngài. Đây là một sự nhận thức quan trọng và cần thiết cho mỗi con dân Đức Chúa Trời trong nếp sống thuộc linh và phụng vụ Ngài. Chúng ta không xem mọi việc xảy ra trong cuộc sống dựa trên quan điểm ngẫu nhiên tình cờ hay may rũi. Nhưng chúng ta cần phải khẳng định rằng Đức Chúa Trời tể trị trên cuộc đời của chúng ta và Ngài cho phép mọi việc xảy ra trong cuộc sống, ngay cả những sự việc xem dường như tiêu cực. Lời Chúa khẳng định cho chúng ta qua Sứ đồ Phao lô, “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô ma 8:28) và “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi líp 4:19) Hãy tin cậy và đầu phục Đức Chúa Trời ngay hôm nay hầu chúng ta có thể sống phục vụ Chúa cách kết quả, đẹp lòng Ngài.
- Khi nhận lãnh bất cứ công tác nào mà Đức Chúa Trời ban ơn giao phó và Hội Thánh Ngài ủy thác, hãy nương nhờ sức Chúa mạnh dạn thi hành.
E-xơ-ra có thể nhìn thấy sứ mạng và công tác mà Đức Chúa Trời giao phó quá vĩ đại, vượt cả sức mình nên có thể ngần ngại hoặc thối chí, ngã lòng. Nhưng khi nhìn thấy bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời thực hiện những điều vượt quá những điều cầu xin hay mong đợi, thì ông đã ‘ngợi khen Đức Chúa Trời của tổ phụ’ và ‘hứng chí’ đứng lên kêu gọi những trưởng tộc khác cùng hợp tác trở về cố quốc. E-xơ-ra không chỉ nhìn thấy những khó khăn,thách thức của sứ mạng đang hiện ra trước mắt, nhưng ông ngước nhìn lên thấy Đức Chúa Trời Tể Trị đang nắm giữ và điều khiển mọi sự việc, nên ông đã hưng phấn để tiếp tục phấn đấu, cam đảm theo đuổi mục tiêu bày ra trước mặt. Hôm nay cũng vậy, ‘cái nhìn’ của chúng ta rất quan trọng và tùy theo cái nhìn sẽ giúp chúng ta đứng lên, dấn thân phục vụ Chúa hay ngã lòng, thối lui và bỏ cuộc. Đức Chúa Trời biết rõ khả năng, sức lực của chúng ta khi giao phó cho chúng ta bất cứ công tác nào, dầu nhỏ hay lớn. Bên cạnh đó, Ngài luôn luôn sắm sẵn cùng chu cấp nhân sự và tài nguyên cần thiết để chúng ta thực hiện công tác. Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời luôn ở cạnh bên để ban năng quyền và hổ trợ sức lực để chúng ta có thể hoàn tất sứ mạng mà Ngài giao phó nữa. Bài Thánh ca, ‘Ngài ban ơn khi giao phó ta thêm trọng trách’ sẽ là sự nhắc nhở, khích lệ cho mỗi chúng ta trên bước đường theo Chúa và phụng sự Ngài, vì chính Ngài biết rõ chúng ta hơn cả chúng ta biết chính mình, như Lời Ngài phán với tiên tri Giê rê mi, “Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, ta đã biết ngươi rồi; trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước.” (Giê rê mi 1:4-5). Chính vì thế, khi Chúa Cứu Thế Giê xu ban truyền Đại Mạng Lệnh trong Ma thi ơ 28:18-20, cho các sứ đồ và con dân Chúa trong mọi thời đại trước khi về trời, “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” Thì Ngài đã làm cho chúng ta an lòng thực thi sứ mạng Chúa giao với Lời Hứa, “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Hãy mạnh dạn, dấn thân, trung tín phục vụ Chúa và hãy an nghỉ trong Lời Hứa quý báu mà Đức Chúa Trời đã ban cho Bạn hôm nay.
Câu hỏi áp dụng:
- Dựa vào bài học hôm nay, nhưng người chưa tin Chúa nhìn vào đời sống của Bạn thì họ có biết Bạn là ‘người thạo biết luật pháp của Đức Chúa Trời’ như E-xơ-ra hay không? Trước mặt Đức Chúa Trời, thì Ngài có nhìn thấy Bạn là ‘người thạo biết luật pháp của Đức Chúa Trời’ và sẵn sàng cho Ngài sử dụng hay không? Làm thế nào để trở nên một người tín hữu ‘thạo biết luật pháp của Đức Chúa Trời? Bạn cần phải làm gì trong tiến trình nầy?
- Nt: 100 ta-lâng. Một ta-lâng tương đương với 34.30kg
Bạn có kinh nghiệm tươi mới như thế nào về sự đụng chạm của Đức Chúa Trời đến trên đời sống của mình? Bạn đã được Chúa cứu chuộc, tái tạo và chu cấp trong lãnh vực thuộc thể cũng như thuộc linh như thế nào trong những ngày qua hay không?
3. Khi nhận lãnh những công tác mà Đức Chúa Trời giao phó, cái nhìn của Bạn thường hướng vào điều gì? Có phải Bạn nhìn thấy chính mình với khả năng hạn hẹp và công tác vượt quá sức mình nên ngần ngại dấn thân phục vụ Chúa? Mỗi ngày Bạn có nhận được sức mạnh và sự hưng phấn từ Chúa để có thể tiếp tục can đảm, dấn thân nhận lãnh những công việc mà lắm lúc bị sợ hãi, nản lòng, thối chí hay không?