Kinh Thánh E-Xơ-Ra 5:1-2
Giải thích:
5:1a, “Vả, Tiên tri A-ghê và tiên tri Xa-cha-ri” là hai tiên tri được Đức Chúa Trời dùng để đem lại sự khích lệ cho con dân Chúa vào thời điểm nầy trong việc tái xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem. Tiên tri A-ghê bắt đầu chức vụ vào tháng 8 năm 520 S.C (sau Chúa), và tiên tri Xa-cha-ri bắt đầu chức vụ tiên tri hai tháng sau tiên tri A-ghê vào khoảng tháng 10 hay tháng 11 cùng năm (xem A-ghê 1:1 và Xa-cha-ri 1:1).
Trong bài học trước, chúng ta biết rằng công tác tái xây dựng đền thờ đã bị những kẻ chống đối làm bản cáo trạng lên vua về việc những người lưu đày hồi hương xây sửa lại đền thờ. Họ vu cáo rằng đây cũng là một trong những nỗ lực chống lại triều đình. Trong khi chờ đợi tra xét, xem rõ thực hư như thế nào thì vua Ạt-ta-xét-xe đã ra lệnh đình chỉ việc tái xây cất đền thờ trong thời gian 16 năm (536 S.C – 520 S.C), cho đến năm thứ hai đời vua Đa-ri-út đệ I cai trị Ba-tư (522 T.C – 486 T.C). Thế nên trong suốt thời gian nầy, tinh thần con dân Chúa sa sút vì sợ hãi và ngã lòng. Họ cho rằng có thể đây không phải là thời điểm thuận tiện để xây dựng lại đền thờ (A-ghê 1:2), Đức Chúa Trời dùng hai tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri nhân danh Đức Chúa Trời để nói tiên tri, và Ngài cũng chờ đợi dân sự Chúa đáp ứng bằng đức tin và hành động.
5:1b, Trong bản dịch truyền thống không có cụm từ “là Đấng cầm quyền trên họ” trong khi Bản Dịch Mới viết chính xác hơn như sau, “trong Danh Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Đấng cầm quyền trên họ” nhắc nhở cho con dân Chúa nhớ rằng Đức Chúa Trời vẫn là Đấng Tể Trị và đang cầm quyền trên dân sự Ngài. Mạng lệnh của Đức Chúa Trời vượt hơn mọi quyền hành, thể chế trần gian và Ngài không khuất phục trước bất cứ một vua nào. Do đó, con dân Chúa cần phải tuân hành mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
5:2, “Xô-rô-ba-bên và Giê-sua” – Vì thế, tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri đã dùng Lời Chúa phán với Xô-rô-ba-bên, trưởng tộc, lãnh đạo dân chúng về phương diện chính trị và Giê-sua (Giê-hô-sua), thầy tế lễ, lãnh đạo tôn giáo rằng họ phải can đảm và mạnh mẽ làm việc vì có Đức Chúa Trời ở cùng, “Vậy bây giờ, Đức Giê-hô-va phán: Hỡi Xô-rô-ba-bên, ngươi khá can đảm; còn ngươi, Giê-hô-sua, con trai Giô-xa-đác, thầy tế lễ cả, cũng khá can đảm; Đức Giê-hô-va lại phán: Cả dân sự trong đất, các ngươi cũng khá can đảm, và hãy làm việc; vì ta ở cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (A ghê 2:4).
Bên cạnh đó, Đức Chúa Trời nhắc đến điều nghịch lý là dân sự “ở trong nhà có trần ván, khi nhà nầy hoang vu sao?” (A-ghê 1:4b) Hơn thế nữa, cả hai tiên tri nầy đều khuyên dân sự Chúa định lại thứ tự ưu tiên cho đời sống tâm linh để tránh khỏi những hậu quả không tích cực một khi không sống trọn thành với Ngài – mặc dầu họ có nỗ lực cố sức gằng công cho đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không gặt hái được những kết quả mong đợi, ngược lại chỉ thất bại, bị phí sức uổng công mà thôi. Lý do là vì Đức Chúa Trời đã không đổ phước xuống cho con dân Ngài nữa, “Cho nên, vì cớ các ngươi, trời giữ móc lại, và đất giữ bông trái lại. Ta đã gọi cơn hạn hán đến trên đất, trên các núi, trên lúa mì, trên rượu mới, trên dầu, và trên sản vật đất sanh ra, trên loài người, trên loài vật, và trên mọi việc tay làm” (A-ghê 1:10-11).
5:2a, Sau khi nghe Lời Chúa, cậy miệng tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri phán truyền, Xô-rô-ba-bên và Giê-sua “bèn chổi dậy, khởi cất đền Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem” (c.2b). Cụm từ “bèn chỗi dậy, khởi cất đền” không những nói lên một công việc được khởi động sau thời gian ngưng nghỉ mà thôi, nhưng còn cho thấy khởi nguồn một tinh thần phấn chấn trở lại sau khi bị mỏi mệt, sờn lòng. Có thể họ đã buông xuông, muốn bỏ công cuộc tái xây dựng đền thờ hay bó tay trước hoàn cảnh không thể làm gì khác hơn trước chỉ dụ của nhà vua, nay được khích lệ tinh thần, sự can đảm đã đánh tan sự sợ hãi và lòng cương quyết hoàn tất sứ mạng và công tác mà họ biết chắc rằng Đức Chúa Trời muốn họ thực hiện.
5:2b, “Có các tiên tri của Đức Chúa Trời giúp đỡ” có thể còn có thêm những tiên tri khác bên cạnh tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri hiện diện trong lúc nầy để ủng hộ tinh thần và hợp tác hướng dẫn công việc – không chỉ bằng lời nói suông, nhưng bằng cả công sức nữa. Đức Chúa Trời biết nhu cầu của dân sự Ngài nên Ngài đã gởi các tiên tri đến đem sự khích lệ, cổ động tinh thần và làm mạnh sức cho con dân Ngài trong công tác tái xây dựng đền thờ. Thật vậy, con dân Chúa sau khi nghe Lời của Đức Giê-hô-va cậy các tiên tri Ngài phán ra thì được giục lòng mạnh mẽ, nhất là khi thấy các tôi tớ Chúa hỗ trợ, đứng lên, bắt tay nhau trong tinh thần hiệp một, trong công tác tái thiết đền thờ của Đức Chúa Trời.
Ứng dụng:
- Có thể sau một thời gian theo Chúa và phục vụ Ngài với tất cả tấm lòng và bầu nhiệt huyết, nhưng dần hồi, chúng ta lắm lúc cũng bị mệt mỏi, nao sờn, nhất là khi đối diện với những chống đối, rèn thử, chúng ta muốn buông xuôi bỏ cuộc giống như các người hồi hương khi xưa vậy – nóng cháy trong công tác tái thiết đền thờ của Đức Chúa Trời, nhưng bị cấm đoán, ngăn trở và công việc bị đình chỉ thì quay về cuộc sống bình thường, bận rộn chăm sóc đời sống cá nhân và quên đi sứ mạng mà Đức Chúa Trời giao phó và ủy thác trên cuộc đời mình. Có phải hoàn cảnh sống của chúng ta hôm nay cũng tương tự như thế, không mảy may quan tâm đến công việc nhà Chúa, biện bạch cho thái độ lãnh đạm thờ ơ của chính mình bằng cách nói: “Thì giờ chưa đến, tức là thì giờ xây lại nhà Đức Giê-hô-va” (A-ghê 1:2b); để rồi chính Đức Chúa Trời phải than trách rằng, “Nay có phải là thì giờ các ngươi ở trong nhà có trần ván, khi nhà nầy hoang vu sao?” (A-ghê 1:4).
- Ngày hôm nay cũng vậy, Đức Chúa Trời biết rõ tâm trạng của mỗi chúng ta và Ngài đã dùng nhiều người nhiều cách khác nhau để đem đến sự khích lệ, đỡ nâng cần thiết ngỏ hầu chúng ta có thể đứng lên quay trở lại trong công tác phục vụ nhà Ngài. Đặc biệt, Đức Chúa Trời cũng dùng các tôi tớ Ngài là những người được ơn nói ra Lời Đức Chúa Trời để khích lệ chúng ta trong công tác phục vụ nhà Chúa. Sứ đồ Phao-lô đã nói đến ảnh hưởng của chức vụ nầy trên con dân Chúa bằng cách trang bị cho tín hữu được trưởng thành và mạnh mẽ trong sự phục vụ Đấng Christ như sau: “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:11-13).
- Công tác khích lệ, động viên tinh thần người khác liên quan đến công tác hầu việc Chúa thật quan trọng và cần thiết trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời ngày hôm nay. Có biết bao nhiều điều tốt đẹp, từ vật chất, tài chính, thời gian… mà anh chị em chúng ta đang đóng góp cho nhà Chúa, nhưng có bao nhiêu lời khích lệ, khen thưởng, trân quý biết ơn mà con dân Chúa trong Hội Thánh dành cho họ? Hay điều họ thường nghe chỉ là những lời phê bình, chê trách hay ca thán? Thường những mệt mỏi đưa đến sự chán nản bỏ cuộc của những con người phục vụ Chúa không phải vì những mệt mỏi thể xác hay thất bại có thể gặp phải… nhưng sự mệt mỏi tinh thần vì thiếu đi những khích lệ, động viên khiến người ta chán chường và không còn đủ nghị lực để tiến bước trên con đường theo Chúa và phục vụ Ngài. Chúng ta cần nhận thấy nhu cầu cấp thiết nầy và tận dụng ân tứ thuộc linh mà Thánh Linh Ngài ban cho để xây dựng thân thể Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô cũng đã nhắc đến trong II Cô-rinh-tô 14:3 rằng: “còn như kẻ nói tiên tri, thì nói với người ta để gây dựng, khuyên bảo và yên ủi”.
- Để cho công tác phục vụ nhà Chúa được kết quả tốt đẹp, mọi người cần đứng chung lại với nhau. Ở đây nói đến tinh thần hỗ tương hiệp một trong công tác phục vụ nhà Chúa mà tại đó, mọi người đều cần nhau mặc dầu những công tác của từng cá nhân mà Đức Chúa Trời giao phó khác nhau. Bởi thế, Đức Chúa Trời đã dùng hình ảnh sự liên hệ của các chi thể trong một thân thể với đầu để biểu tượng cho mối tương quan giữa Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài. Sự ban cho các ân tứ thuộc linh cho các con cái Chúa với mục đích hỗ tương lẫn nhau và xây dựng cho thân thể ngày càng ‘tầm thước vóc giạc trọn vẹn’ trong Đấng Christ. Do đó, chúng ta cần đầu phục Đấng Christ và bởi ơn Ngài, đầu phục nhau, nhất là đối với những người lãnh đạo thuộc linh của chúng ta. Phao-lô khuyên chúng ta như sau: “Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm. Hãy ở cho hòa thuận với nhau”. Và tác giả thư Hê-bơ-rơ cũng có lời khuyên tương tự: “Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ” Hê-bơ-rơ 13:7. Nếu con dân Chúa trong Hội Thánh tuân giữ và thể hiện tình thương cách cụ thể chân thành, chắc chắn các tôi tớ Chúa sẽ hăng hái và kết quả càng hơn trong trọng trách Chúa giao.
Câu hỏi áp dụng:
- Mức độ thuộc linh và tinh thần phục vụ nhà Chúa của bạn hôm nay như thế nào?
- Theo kinh nghiệm cá nhân, cách nào để bạn có thể nghe được tiếng Chúa đang phán dạy với mình? Có điều nào làm cản trở khiến bạn không thể nghe tiếng Chúa cách rõ ràng hay không?
- Tấm lòng quan tâm đến công việc nhà Chúa có đang sống động trong bạn hay không? Nếu có, bạn thể hiện tấm lòng quan tâm cho công việc Chúa cách cụ thể như thể nào?
- Theo bạn, phương cách nào là cách tốt nhất để chúng ta có thể bày tỏ sự khích lệ, gây dựng cho những anh chị em đang phục vụ Chúa trong Hội Thánh mình? Ghi nhận công khó trước Hội Thánh, tặng quà cuối năm, bữa ăn thông công, bảng lưu niệm,…