Kế Hoạch Chống Đối Của Kẻ Thù
Kinh Thánh: E-xơ-ra 4:6-24
Giải Thích:
4:6, Vua A-suê-ru hay vua Xét-xe I (486-464 B.C.) nên nhóm từ “Nhằm đời A-suê-ru, vừa bắt đầu lên ngôi” là chỉ về thời điểm năm 486 B.C – những người địa phương chống đối công tác tái xây dựng đền thờ của người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem khi họ khước từ hợp tác với những người địa phương. Như bài học trước đã đề cập, những người chống đối nầy là dòng dõi của những người không thuần chủng là người Do Thái – họ là kết quả của hôn nhân dị chủng giữa hai chủng tộc sau năm 722 TC. Những người còn sót lại làm bản cáo trạng những người Do Thái hồi hương trong nổ lực làm nản lòng người Giu-đa trong việc xây cất Đền Thờ bằng cách dùng các mưu sĩ gây hoang mang và phá hoại dự án xây cất.
4:7, Thời kỳ vua Ạt-ta-xét-xe đệ I cai trị Phe-rơ-sơ (465 TC – 425 TC) thì Mít-rê-đát ‘đồng ý’ với Ta-bê-ên và các đồng liêu viết lá thư tố cáo thay vì Bít-lam (có nghĩa “trong tinh thần hòa bình”) là tên của một nhân vật trong nhóm. Lá thư được viết bằng chữ A-ram và dịch ra cho vua tiếng A-ram là ngôn ngữ được sử dụng đương thời (ghi chú: toàn kinh văn Cựu Ước được viết bằng tiếng Hi-bá-lai (Hê-bơ-rơ), riêng E-xơ-ra 4:8-6:18 và 7:12-26 cùng với Đa-ni-ên 2:4b-7:28 được viết bằng tiếng A-ram)
4:8-10, Liệt kê danh sách tên và địa vị của những người đứng lên đồng ý trong việc viết thư tố cáo. Ô-náp-ba còn có tên là A-shua-ba-ni-pha (Ashurbanipa) kế vị vua cha là Ê-sa Ha-đôn (Esarhaddon), làm vua A-sy-ri vào năm 669 TC. Vào khoảng 645 TC, đã bao vây thủ đô Su-sa và đem một số người sang Sa-ma-ri và một số nơi khác thuộc phía tây sông Cái hay sông Ơ-phơ-át.
4:11-16, Ghi lại nội dung bức thư cáo trạng những người Do Thái hồi hương với những lời vu cáo dựa trên quan điểm tiêu cực và sự diễn dịch riêng trên cùng một sự kiện là đền thờ được tái xây dựng. Họ viện lý do là việc tái xây dựng đền thờ là mầm móng cho việc nổi loạn, phản nghịch nhà vua như “nếu thành này được xây lại, vách thành được phục hồi, chúng nó sẽ không nạp cống, đóng thuế cho bệ hạ nữa; ngân khố triều đình sẽ suy giảm” (c.13) như những thế hệ trước đã từng làm. Bên cạnh đó, họ cũng đem những lời dua nịnh để lấy lòng vua, như “Vì chúng tôi hưởng lộc của triều đình, không thể khoanh tay đứng nhìn việc bệ hạ bị xúc phạm như vậy” (c.14) Cụm từ “hưởng lộc của triều đình” nguyên bản là “ăn muối của hoàng cung” để chứng tỏ họ là những người chịu ơn nhà vua và có lòng quan tâm đến sự tồn vong của triều đình.
4:17-22, Ghi lại chiếu chỉ của nhà vua không những ghi nhận những tố tụng, nhưng cũng đã điều nghiên thực hư thể nào, mặc dầu đã buộc tội quá đáng khi cho rằng “các vua lớn cai trị cả miền bên kia sông Cái”. Thực tế ngay cả dưới triều đại vua Đa-vít và Sa-lô-môn cai trị thì lãnh thổ Y-sơ-ra-ên cũng không rộng lớn đến thế. cùng cho thấy quyết định mà nhà vua đối phó với những người Do Thái hồi hương, bằng cách “ban lệnh chấm dứt việc xây cất cho đến khi có lệnh mới”.
4:23-24, Cho thấy những người chống đối vui mừng nhanh chóng thi hành lệnh vua như thế nào, công việc tái xây cất đền thờ đã bị đình chỉ trong thời gian dài cho đến năm thứ hai đời vua Đa-ri-út đệ I cai trị Ba-tư (522 TC – 486 TC).
Ứng dụng:
- Khi chúng ta phục vụ Đức Chúa Trời dưới bất cứ dạng thức nào, thì việc đối diện với những sự chống đối dường như là điều không thể nào tránh khỏi.
Nhìn về phương diện cạn cợt, chúng ta lầm tưởng rằng đây chỉ là kết quả của sự bất đồng quan điểm giữa con người với con người. Thật ra, chiều sâu của vấn đề thì sự chống đối nầy không chỉ xảy ra trong mối liên hệ giữa con người mà thôi, nhưng Sa-tan với quyền lực của sự tối tăm đang nắm giữ và điều động với mục đích phá hoại công việc của Đức Chúa Trời đang muốn thực hiện sự kiện đó giữa vòng dân sự Ngài. Do đó, chúng ta cần bén nhạy để nhận biết và nương cậy năng quyền của Thánh Linh để đương đầu với những sự tấn công của quyền lực tối tăm. Phao-lô đã khuyên tín hữu tại Hội Thánh Ê-phê-sô cũng như cho con dân Chúa trong mọi thời đại rằng, “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:11-12).
- Dùng ý riêng hay quan điểm thế gian diễn dịch công tác hầu việc Chúa chỉ đưa đến những hành động phá hoại công việc Nhà Chúa.
Dù cùng đứng chung trong một công tác phục vụ Chúa, nhưng nếu cứ cưu mang tinh thần ganh ghét, tị hiềm thì chỉ gây nên sự thiếu hiệp một trong Hội Thánh, và dẫn đến những thái độ chống đối, phê phán chỉ trích và bất phục người lãnh đạo. Do đó, mỗi khi chúng ta hầu việc Chúa trong bất cứ vai trò hay lãnh vực nào, chúng ta cần nhờ cậy Đức Thánh Linh kiểm điểm động cơ và mục đích phục vụ Chúa của chúng ta là gì? Có phải vì tinh thần và tấm lòng yêu mến Chúa, muốn tôn cao Danh Thánh của Ngài hay cho danh tiếng cá nhân? Thái độ và cái nhìn của chúng ta về công tác hầu việc Chúa của người khác cũng cần đặt dưới sự tể trị và kiểm soát của Thánh Linh để tránh đi những phê bình chỉ trích, nhưng thay vào đó tấm lòng vui mừng tạ ơn Chúa vì thấy anh chị em cùng đức tin đang hầu việc Đức Chúa Trời có nhiều kết quả.
- Có những lúc công tác phục vụ Nhà Chúa bị đình trệ do sự phá rối của Sa-tan và quyền lực tối tăm.
Hãy vững tin và tiếp tục tiến bước trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh. Đừng để cho tấm lòng yêu mến Chúa nồng cháy của chúng ta bị thế gian xen vào và làm cho nguội dần. Tiếp tục ngắm nhìn Chúa Cứu Thế là mục tiêu tối hậu của đời sống thuộc linh chúng ta và chờ đợi sự giải cứu của Đức Chúa Trời, như Lời Ngài khuyên dạy “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi 46:10a). Nhờ đó, chúng ta sẽ tiếp tục tăng trưởng trong Ngài ngay cả trong những lúc chúng ta chịu đựng và vượt qua mọi sự đối nghịch. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ đã khuyên chúng ta “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng” (Hêb 12:2-3).
Câu hỏi ứng dụng:
- Bạn có ngạc nhiên hay ngã lòng khi đối diện với những chống đối trong lúc phục vụ Chúa hay không? Thái độ và phản ứng của bạn như thế nào?
- Khi đối diện với những chống đối, bạn có xem đó là cơ hội để Thánh Linh Chúa kiểm điểm tấm lòng của mình, xem thử động cơ và mục đích hầu việc Đức Chúa Trời của cá nhân mình có đẹp lòng và trọn thành với Ngài hay không?
- Bạn đang có tinh thần và thái độ như thế nào đối với công tác hầu việc Chúa của người khác? Bạn có vui mừng về những kết quả người khác đạt được hay trong tinh thần chỉ trích phê bình và bất hợp tác?
- Bạn có “yên lặng và chờ đợi” sự giải cứu của Đức Chúa Trời khi đối diện với những chống đối hay tìm đủ mọi cách đối phó bằng sức riêng? Bạn có kinh nghiệm cá nhân nào về sự giải cứu của Đức Chúa Trời khi phục vụ Ngài mà bị chống đối hay không?