Giải Thích :
C.1: “Các kẻ thù nghịch” là những người Sa-ma-ri đang sống trong vùng tìm cách ngăn cản dân Do Thái trong việc tái xây dựng đền thờ của Đức Chúa Trời (xem thêm đoạn 5:3-17) – Họ không thuần chủng về phương diện thể chất vì họ là kết quả của hôn nhân dị chủng giữa hai chủng tộc sau năm 722 TC. Dựa theo sử liệu, Ê-sa-ha-đôn, vua A-sy-ri (khoảng 681 TC – 669 TC) đã bắt phần lớn dân Do Thái, những người bị chinh phục tại Pa-lét-tin đem sang Ba-by-lôn. Kế tiếp trong việc đô hộ, vua A-sy-ri đã đem những người trong vùng Ba-by-lôn sang định cư thế vào và sống giữa người Do Thái (C.3). Những người ngoại Do Thái nầy đã kết hôn với những phụ nữ Do Thái còn lại, họ sinh con cái trở nên một dân, được gọi là dân Sa-ma-ri.
C.2 “Vì chúng tôi tìm cầu Đức Chúa Trời của anh em, cũng như anh em”. Những người nầy tự xưng có cùng một niềm tin như những người Do Thái hồi hương và kể lể rằng cũng có những công tác tôn giáo chẳng khác gì dân Do Thái. Thật ra không phải vậy, họ không chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng cũng thờ lạy các thần khác nữa. Do đó, những người Do Thái hồi hương cần phải quyết định chọn lựa giữa việc chấp nhận đề nghị hợp tác của những kẻ chống nghịch hay khước từ đứng chung với họ.
C.3 “Các ngươi chẳng được phần chung với chúng ta . . .” Các nhà lãnh đạo Do Thái đã mạnh dạn khước từ không hợp tác với những người ngoại giáo, pha tạp. Nền tảng của sự khước từ là việc không thuần nhất trong sự thờ phượng. Nhóm người nầy có thể đã dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời nhưng cùng một lúc cũng thờ phượng những thần khác nữa (xem thêm II Các 17:29-35). Thờ lạy thần tượng ngoại bang đã là nguyên nhân chính đưa dân Giu-đa đến hậu quả bị lưu đày. Các nhà lãnh đạo Do Thái không muốn lặp lại bài học đầy đau thương nầy thêm lần nữa. Dầu vậy, họ dựa trên cơ sở chiếu chỉ của vua Si-ru (538 TC) để không nhận lời đề nghị giúp đỡ hay hợp tác với những kẻ thù nghịch.
- 4-5 “Dân của xứ xui cho dân Giu-đa ngã lòng nhát sợ” – Dân của xứ hay dân Sa-ma-ri đã trở nên kẻ thù nghịch tìm cách chống cự lại dân Do Thái hồi hương và chương trình tái thiết lập đền thờ Giê-ru-sa-lem trong nhiều năm kế tiếp. Người Sa-ma-ri nầy đã hối lộ cho những mưu sĩ hay những luật sư, là những người có thể để tranh biện cho họ tại tòa án Phe-rơ-sơ trong suốt thời gian 14 năm, từ thời trị vì của vua Si-ru cho đến đời vua Đa-ri-út (536 TC – 520 TC).
Ứng dụng:
- Thờ phượng Đức Chúa Trời và chỉ một mình Ngài mà thôi:
Sự thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ không thuần nhất khi có sự hợp tác của ngoại giáo. Điều răn đầu tiên của Đức Chúa Trời đã phán dạy: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Xuất 20:2) vẫn không thay đổi qua mọi thời đại và phương cách Đức Chúa Giê-xu chống trả sự tấn công cám dỗ của ma quỉ vẫn là nguyên tắc áp dụng hữu hiệu cho con dân Ngài trong mọi thời đại khi Chúa khẳng định: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Mat 4:10). Có như thế, chúng ta mới thoát khỏi sự kiểm soát và không ở dưới áp lực để làm theo những trói buộc của ma quỉ. Hơn thế nữa, một khi chúng ta nhượng bộ với thế gian thì chúng ta sẽ đánh mất sự vâng phục và niềm tin cậy tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời và không thể làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời cách trọn vẹn được.
- Không thoả hiệp với thế gian:
Từ chối không đứng chung với những người không cùng niềm tin hay ngay cả với những người tự xưng là Cơ Đốc nhân nhưng niềm tin không thuần nhất là điều cần thiết. Có như thế, chúng ta mới giữ được sự thờ phượng Đức Chúa Trời cách trọn vẹn và đẹp lòng Ngài. Thánh Kinh dạy rằng: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hòa hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta.” (II Cô 6:14-16). Do đó, khi thiết lập những mối quan hệ mà không có chung một niềm tin, chúng ta khó có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và hoàn thành những sứ mạng mà Ngài ủy thác.
- Chỉ thờ phượng và yêu mến Đức Chúa Trời:
Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng là “Đức Chúa Trời kỵ tà hay ghen tương” (Phục 4:24). Đức Chúa Trời muốn chúng ta thuộc về Ngài hoàn toàn bằng tấm lòng, tình yêu và cả những điều chú tâm của chúng ta cũng phải hướng trọn vẹn về Ngài. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi ghen tương: “Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nay ta sẽ đem những kẻ phu tù của Gia-cốp trở về; ta sẽ thương xót cả nhà Y-sơ-ra-ên, và vì danh thánh ta mà nổi ghen” (Êxê 39:25). Hãy đáp ứng tấm lòng của Đức Chúa Trời dành để cho chúng ta hôm nay bằng cách yêu mến và thờ phượng chỉ một mình Ngài mà thôi.
- Chọn lựa chỉ hầu việc một mình Đức Chúa Trời mà thôi:
Sự phục vụ Đức Chúa Trời là phản ảnh tấm lòng tôn thờ, kính yêu Đức Chúa Trời của mỗi chúng ta. Mục tiêu của đời sống của mỗi chúng ta là thờ phượng Đức Chúa Trời và làm vinh hiển danh Ngài. Do đó, sự phục vụ Đức Chúa Trời cần nhắm vào mục đích nầy. Thế nên, chúng ta không thể nào sử dụng người không xứng hiệp với niềm tin Cơ Đốc hay dùng những điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời để hoàn thành bất cứ công tác nào mà Ngài giao phó. Chúng ta không thể biện bạch rằng ‘cứu cánh biện minh cho phương tiện’ bằng cách chấp nhận mọi đề nghị hợp tác phục vụ nhà Chúa. Chấp nhận có nghĩa là cùng làm công việc Chúa với những người không đồng nhất trong niềm tin và cách thờ phượng vì họ còn thờ lạy những thần ngoại bang bên cạnh thờ lạy Đức Chúa Trời. Do đó, sự thờ phượng Đức Chúa Trời phải là nền tảng cho sự phục vụ Ngài. Nếu không, sự thờ phượng Đấng Chân Thần Duy Nhất sẽ không tinh tuyền và danh Ngài không được vinh hiển như đáng phải có mặc dầu những phương cách phục vụ Ngài có phong phú đến bao nhiêu đi chăng nữa.
Câu hỏi ứng dụng:
- Chúng ta có giữ lòng trọn vẹn trong sự thờ phượng, yêu mến và phụng sự Đức Chúa Trời hay không?
- Những điều gì có thể làm cho chúng ta bị lừa dối để thoả hiệp với thế gian và không làm theo Lời của Đức Chúa Trời?
- Tiêu chuẩn nào để dùng làm động lực thúc đẩy và đo lường công tác phục vụ nhà Chúa hôm nay của chúng ta?
4. Những gì chúng ta phục vụ Đức Chúa Trời hôm nay có phản ảnh từ tấm lòng thờ phượng Đức Chúa Trời cách phải lẽ và đẹp lòng Ngài hay không?