Kinh Thánh: E-xơ-ra 3:1-7
Giải thích:
c.1 Tháng Bảy là tháng đặc biệt và quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Do Thái vì có những “buổi nhóm hiệp thánh”
a. Ngày đầu tháng 7 là Lễ Thổi Kèn (Dân 29:1-6)
b. Ngày 10 tháng 7 là Đại Lễ Chuộc Tội (Dân 29:7-11)
c. Ngày 13 tháng 7 là Lễ Lều Tạm (Dân 12-38)
Dầu luật pháp của Đức Chúa Trời đã ấn định như vậy, nhưng những sự hội hiệp hằng năm nầy đã không thực hiện được trong suốt 70 năm lưu đày vừa qua. Giờ được hồi hương, họ lại được có cơ hội cùng nhau thực hiện sự thờ phượng Đức Chúa Trời theo đúng luật pháp của Ngài ban hành qua Môi-se.
“Dân sự hiệp lại như một người” nói lên tinh thần hiệp nhất của những người Do Thái hồi hương trong sự thờ phượng và phụng sự Đức-Giê-Hô-Va cùng thực thi và hoàn tất công tác mà Ngài giao phó. Sự hiệp nhất hay “đồng một tâm tình” là điều kiện ắt có ắt phải có và đủ khi con dân Chúa ao ước thực hiện và hoàn tất bất cứ một công tác nào cho Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu không có được tinh thần nầy, dầu cho có cố gắng đến đâu và dùng mọi nổ lực của con người để làm công việc Chúa, đều sẽ thất bại. Có kết quả đi chăng nữa thì cũng chỉ tạm thời, không trường tồn. Hiệp một ở đây không có nghĩa tất cả mọi người phải giống nhau, nhưng dầu có khác biệt về cá tính hay khả năng, vì mỗi cá nhân tín hữu là những “chi thể” trong cùng một thân thể mà chính Đấng Christ làm đầu (Ê-phê-sô 4:15). Dầu có sự khác biệt nhau như vậy, nhưng tất cả mọi người đều có cùng một tâm tình và ý hướng trong công tác hầu việc Chúa. Sự hiệp một nầy đòi hỏi sự khiêm nhường của chính cá nhân mình và tinh thần tôn trọng người khác, mà chính Chúa Cứu Thế Giê-xu là tấm gương cho chúng ta noi theo. Sự hiệp một nầy nói lên tính chất đồng nhất trong mọi quyết định dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, mà Sứ đồ Phao-lô đã khuyên chúng ta như sau, “Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 4:1-3).
- 2,3: ‘Giê-sua’ cũng cùng là một nhân vật với tên “Giê-hô-sua, con trai Giô-xa-đác” là thầy tế lễ cả đã được tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri nhắc đến (A-ghê 1:1; Xa 3:1), đã lãnh đạo trong việc cổ xúy các thầy tế lễ khác đứng lên “xây dựng lại bàn thờ Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”. Đây là việc tiên quyết trong việc tái xây dựng đền thờ và tái thiết lập mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Một người muốn thực hiện bất cứ công tác phục vụ nào đều phải được bắt đầu với sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Có thể bàn thờ của Đức Chúa Trời đã bị hủy phá, hư hại do chiến tranh gây nên… Nhưng hơn thế nữa, bàn thờ có thể đã bị quên lãng, hư hại vì con dân Chúa đã không được sử dụng trong một thời gian dài. Nên thầy tế lễ cả Giê-sua đã cùng với dân sự Chúa ưu tiên trước hết cho việc xây dựng lại bàn thờ để bắt đầu dâng tế lễ thờ phượng Đức Chúa Trời.
Dĩ nhiên ngày hôm nay chúng ta không thiết lập bàn thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng Thánh Kinh đã dạy “thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời” (I Cô. 3:16; 6:19). Thế nên, chúng ta cũng có “Bàn thờ Đức Chúa Trời” trong lòng của chúng ta nữa. Nhưng vấn đề chúng ta cần phải đặt lại là bàn thờ Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta đang ở trong tình trạng nào? Có còn được tiếp tục sử dụng hay bị hoang phế lâu rồi? Cần phải xây sửa trở lại hay không?
Mặc dầu “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24), có nghĩa là chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời bất cứ nơi nào vì Ngài là Đấng Vô Sở Bất Tại (hiện diện ở khắp mọi nơi). Nhưng tại sao phải xây dựng lại bàn thờ? Có phải có bàn thờ mới có thể thờ phượng Đức Chúa Trời được hay không? Thật ra điều cần thiết trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời bắt đầu từ tấm lòng của chúng ta, nhưng tấm lòng thờ phượng đó cần phải được thể hiện qua hành động, cụ thể là những của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời. Dân sự của Chúa ngày xưa đã được Đức Chúa Trời phán dạy rất chi tiết về từng của lễ dâng lên cho Ngài. Qua ý nghĩa và mục đích từng của tế lễ ấy, người dâng đã phản ảnh tấm lòng của mình dâng lên Đức Chúa Trời và Ngài vui nhậm.
Chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, trong sự tôn thờ Chúa, chúng ta cũng không đến với Ngài với bàn tay không nhưng dâng lên Chúa tấm lòng với của lễ lạc hiến bằng sự ca ngợi, thời gian, khả năng cùng tài vật của chúng ta nữa. Tin rằng Ngài vui nhận và biến đổi để trở nên hữu ích trong công tác mở mang Nước Trời để nhiều người được nghe đến Phúc Âm Cứu Rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu; tin nhận Ngài, nhận được sự tha thứ tội lỗi và sự cứu rỗi và Danh Đức Chúa Trời được vinh hiển. Do đó, của lễ đẹp lòng mà Đức Chúa Trời mong đợi nơi con dân Ngài là: (a) ca ngợi Danh Ngài, tác giả thơ Hê-bơ-rơ đã khuyên chúng ta như sau: “Vậy, hãy cậy Đức Chúa Giê-xu mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra.” (Hê-bơ-rơ 13:15); (b) đời sống tận hiến theo thánh ý Chúa. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta:“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” (Rô-ma 12:1-2).
- 3: “Dân của xứ” là những người ngoại Do Thái từ các quốc gia khác đã được các vua Ba-by-lôn và A-sy-ri đem vào định cư tại Giê-ru-sa-lem và vùng phụ cận trong vòng 70 năm. Những người nầy thấy sự trở về của những người Do Thái lưu đày là một sự đe dọa cho họ cho nên chúng ta không ngạc nhiện ngạc nhiên khi thấy họ có những phản ứng cách mạnh mẽ để làm cho lòng của những người Do Thái hồi hương bị rung động, không còn tin cậy Đức Chúa Trời nữa.
Thật vậy, những người Do Thái hồi hương đã sợ hãi vì bị dân bản xứ đàn ép, đe dọa. Nhưng dầu bị áp chế và sợ hãi đến như vậy, thì những người Do Thái hồi hương nầy vẫn “lập lại bàn thờ trên nền cũ nó và dâng tại đó của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va” theo như đã chép trong luật Môi-se. Tại đây dân sự của Đức Chúa Trời đã làm một sự chọn lựa. Hoặc vâng lời Đức Chúa Trời hoặc sợ loài người để không làm theo Lời Chúa. Những người Do Thái hồi hương đã chọn vâng lời Đức Chúa Trời. Sự vâng lời nầy có thể thực hiện được một khi: (a) có lòng tin quyết vào Đức Chúa Trời: Ngài là Đấng có thể bảo vệ khỏi mọi tấn công hãm áp của kẻ thù. Các sứ đồ xưa kia cũng đã khẳng định sự tin quyết vâng lời Đức Chúa Trời như vậy, “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta.” (Công vụ. 5:29); (b) tấm lòng vâng phục đi trước của lễ. Đức Chúa Trời mong đợi tinh thần vâng phục trước và trên hết. Nhiều người lầm tưởng rằng có thể “hối lộ” Đức Chúa Trời bằng những của lễ hay công tác nào đó để tiếp tục sống đời sống không đẹp lòng Đức Chúa Trời, khỏi nhìn nhận tội lỗi và ăn năn quay về cùng Ngài. Nhưng hiểu như thế là một sai lầm lớn về cái nhìn của Đức Chúa Trời đối cùng với tội lỗi. Thánh Kinh khẳng định rằng, “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa. 15:22) Do đó, tấm lòng ăn năn hối cải của chúng ta khi đến cùng Chúa là của lễ tốt nhất mà Ngài vui lòng nhậm lấy, “Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (Thi. 51:16-17). Vâng, sự vâng lời làm theo Lời của Đức Chúa Trời là điều kiện tiên quyết để Ngài nhậm những lễ vật mà chúng ta dâng lên cho Ngài.
- 4-7: Những người Do Thái hồi hương đã tôn trọng và tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời cách nghiêm túc. Những cụm từ “y như đã chép” và “theo như số đã định” nói lên tấm lòng vâng phục trọn vẹn của họ đối với tính chất tuyệt đối của luật lệ và điều răn của Đức Chúa Trời.
Dầu trải qua bao thời gian vật đổi sao dời và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng Lời của Đức Chúa Trời vẫn còn y nguyên. Chính Đức Chúa Giê-xu đã khẳng định: “Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.” (Ma-thi-ơ 24:35). Chúng ta có thể đặt trọn lòng tin cậy vào Lời của Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng Thành Tín, những gì mà Đức Chúa Trời đã phán dạy; chúng ta đừng mặc cả hay biện bạch nữa, nhưng chỉ vâng lời làm theo “y như Lời Ngài đã phán”. Tin rằng Đức Chúa Trời rất vui lòng thăm viếng cùng ban phước cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn thể Hội Thánh chúng ta cách dư dật.
Bên cạnh đó, những người Do thái hồi hương dâng hiến các của lễ lên cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong tinh thần vui vẻ và sẵn lòng. Điều đó cũng là tấm gương cho mọi Cơ đốc nhân học tập và sống đời tận hiến cho Chúa.
Câu hỏi ứng dụng:
- Đối với Bạn, a. 2 câu nói sau đây: “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời” và “Kinh Thánh có Lời của Đức Chúa Trời” thì câu nào chính xác nhất? b. Sự khác biệt giữa 2 cụm từ ‘là Lời Đức Chúa Trời” và “có Lời Đức Chúa Trời” như thế nào?
- Kinh Thánh đang vị trí như thế nào trong đời sống của Bạn? Sinh hoạt hằng ngày của Bạn có phản ảnh được vai trò của Kinh Thánh của đời sống Cơ đốc không?
- Tinh thần hiệp một có thực sự xảy ra trong Hội Thánh nơi Bạn đang sinh hoạt hay không? Hãy kể ra vài thí dụ cụ thể những kết quả của Hội Thánh bạn gặt hái được nhờ vào tinh thần hiệp một của con dân Chúa. Điều gì làm mất đi tinh thần hiệp một của con dân Chúa?
- Bàn thờ Đức Chúa Trời trong lòng Bạn đang ở trong tình trạng nào? Có còn được tiếp tục sử dụng hay bị hoang phế lâu rồi? Bạn thấy mình cần phải xây sửa lại hay không?
- Tinh thần dâng hiến của con dân Chúa như thế nào để Đức Chúa Trời vui nhậm? Bạn dâng hiến cho Ngài trong tinh thần nào? Dâng cách miễn cưỡng vì bị bắt buộc hay với tấm lòng biết ơn nên vui vẻ lạc hiến? Của lễ nào mà Bạn có thể dâng lên Đức Chúa Trời hằng ngày? Những khó khăn hay trở ngại nào mà Bạn phải đối diện trong sự dâng hiến? Theo kinh nghiệm cá nhân, Bạn làm sao để vượt qua những trở lực ấy?
- Theo Bạn, vâng lời Đức Chúa Trời trong cuộc sống hiện tại dễ hay khó? Bạn có thể đánh đổi sự vâng lời Chúa dạy bằng những công tác hầu việc Chúa của cá nhân mình hay không?