Kinh Thánh: E-xơ-ra 8:1-36
Giải thích:
- 1-14: Liệt kê danh sách những người hồi hương với E-xơ-ra
Từ câu 2-14, danh sách các trưởng tộc và gia đình trở về Giê-ru-sa-lem. Mặc dầu trong danh sách nầy chỉ nhắc đến tên các người nam, tổng cộng là 1,496 nam đinh, nhưng chắc chắn cũng có các thành viên khác trong gia đình như phụ nữ và trẻ em, ước chừng lên đến con số 7,000 – 8,000 người. Cũng như trường hợp của đoàn người Do Thái hồi hương đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên, thì vẫn có một số đông người Do Thái lưu đày không trở về quê hương cùng với E-xơ-ra trong lần này. Họ đã ở lại Ba-by-lôn vì đã quen cuộc sống được ổn định, đầy đủ mọi tiện nghi nên không còn muốn dấn thân. Chính vì thế chỉ có một số ít người đáp ứng lời kêu gọi trở về cố quốc “trang điểm lại Đền thờ” của E-xơ-ra.
C.15-20: Nhóm họp và chuẩn bị tinh thần và tấm lòng cho hành trình hồi hương
C.15 – “Ta nhóm hiệp chúng gần bên sông chảy về A-ha-va”, một địa điểm được chọn gần bên sông hay kinh đào chảy vào sông Ơ-phơ-rát hoặc sông Tigris (còn có tên là sông Kê-ba đã được nhắc đến trong Ê-xê-chi-ên 1:1) để những người Do Thái tụ họp lại chuẩn bị cho hành trình hồi hương.
Ba ngày, có lẽ bắt đầu từ ngày 9 đến ngày 12 tháng Ni-san (tháng Giêng). Họ khởi hành vào ngày 12 cùng tháng (c. 31)
Tuyển mộ những người Lê-vi. E-xơ-ra khám phá trong số những người có tên hồi hương với ông thì không có một người Lê-vi nào cùng trở về Giê-ru-sa-lem với ông và đoàn người. Ngay cả trong lần hồi hương đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên, trong vòng hơn 4,000 thầy tế lễ trở về thì có 74 người Lê-vi cùng trở về mà thôi (2:39-42). Từ buổi ban đầu khi phân chia công tác và quyền lợi cho tuyển dân của Ngài, thì những người Lê-vi thuộc chi phái Lê-vi đã được Đức Chúa Trời biệt riêng ra để phụng sự đền tạm và hội mạc (Dân 1:47-54) và Đức Chúa Trời đã biệt riêng họ ra thánh để phục sự Ngài (Dân 8:5-26), nhưng có lẽ trong những năm tháng lưu đày, vấn đề tế lễ đã không được thực hiện nơi xứ người và cuộc sống ổn định, thoải mái, nên những người Lê-vi đã quên mất mục đích của cuộc đời và không tình nguyện hồi hương phụng sự trong đền thờ như điều đáng phải làm. Đó có thể là nguyên nhân mà E-xơ-ra đã không tìm thấy một người Lê-vi nào cả.
- 16-18 – E-xơ-ra đã hội họp các trưởng tộc và các giáo sư để bàn thảo phương cách chiêu mộ người Lê-vi về cùng. E-xơ-ra truyền cho các nhà lãnh đạo đến gặp và yêu cầu Y-đô, nhà lãnh đạo các người Nê-thi-nim “tại Ca-si-phia, phải dẫn cùng chúng ta những kẻ giúp việc nơi đền thờ của Đức Chúa Trời chúng ta”. Mặc dầu vẫn không xác định địa điểm chính xác của Ca-si-phia, nhưng có đề nghị địa danh nầy là thành phố Ctesipon bên dòng sông Tigris, gần Baghdad, Iran hiện nay. Kết quả cũng bởi ơn Đức Chúa Trời hướng dẫn, họ đã tìm được Sê-rê-bia, một người khôn ngoan với các con trai và anh em cả thảy được 18 người và Ha-sa-bia và Ê-sai, thuộc về dòng Mê-ra-ri, cùng các anh em và các con trai cả thảy được 20 người cùng 220 người Nê-thi-nim là những người phục dịch trong đền thờ. Do đó tổng số lên đến 258 người.
- 21-23 – Kiêng ăn và cầu nguyện cho việc chuẩn bị lên đường hồi hương.
- 21, E-xơ-ra và đoàn người hồ hương đã kiêng ăn cầu nguyện, bày tỏ tấm lòng hạ mình đầu phục Đức Chúa Trời cùng nương cậy tuyệt đối vào sự dẫn dắt và bảo vệ của Ngài trước khi khởi hành cho một hành trình đầy thách thức và nguy hiểm.
C.22, Vì để thuyết phục nhà vua cho phép hồi hương, E-xơ-ra đã mạnh dạn tuyên bố về quyền năng sức mạnh của Đức Chúa Trời và khả năng của Ngài sẽ bảo vệ đoàn người hồi hương cũng như cách Đức Chúa Trời hành xử cách nghiêm khắc cho những kẻ xây bỏ Ngài. Chính vì thế, khi nhận được phép của nhà vua cho trở về, E-xơ-ra đã bối rối hổ thẹn không dám xin sự hộ tống của triều đình trong hành trình từ Mê-sô-bô-ta-mi đến Pa-lét-tin. Con đường này phần lớn dùng cho việc thương mại dài khoảng 900 dặm nhưng thường bị đe dọa vì cướp bóc nên rất nguy hiểm cho đoàn người hồi hương, nhưng vì E-xơ-ra đã tuyên bố: “Tay của Đức Chúa Trời chúng tôi phù trợ mọi kẻ nào tìm kiếm Ngài; nhưng quyền năng và thạnh nộ Ngài kháng cự những kẻ nào lìa bỏ Ngài”. Thế nên việc duy nhất còn lại cho E-xơ-ra và đoàn người hồi hương là bày tỏ lòng nương cậy duy nhất vào sự bảo vệ của Đức Chúa Trời qua sự kiêng ăn cầu nguyện mà thôi.
- 23, Thật vậy, Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của E-xơ-ra và cả đoàn người hồi hương về đến Giê-ru-sa-lem bình an.
C.24-30 – Lễ vật dâng cho đền thờ
Trước khi khởi hành, E-xơ-ra đã giao phó các lễ vật cho các thầy tế lễ và người Lê-vi để đem về và bỏ vào kho của đền thờ. Trong câu 24, nhắc đến sự việc E-xơ-ra đã chọn ra giữa vòng các thầy tế lễ, “mười hai người trưởng, là Sê-rê-bia, Ha-sa-bia và mười người anh em họ” nhưng không phải tất cả mười hai người này đều là thầy tế lễ, nhưng trong số ấy cũng có những người Lê-vi dựa theo câu 18 và câu 30 xác nhận nhóm người nầy gồm có các thầy tế lễ và người Lê-vi, “sau khi đã kiểm soát lại sự cân nặng của bạc, vàng, và những khí dụng rồi, bèn thâu nhận đặng đem đến Giê-ru-sa-lem, trong đền thờ của Đức Chúa Trời chúng ta”.
Sự kiện mà E-xơ-ra giao phó số lễ vật cho các thầy tế lễ và các người Lê-vi mang để đem về Giê-ru-sa-lem, bỏ vào kho của đền thờ, không chỉ vì giá trị khổng lồ của số lễ vật nầy, vì một ta-lâng nặng khoảng 75 lbs nên 650 ta-lâng nặng khoảng 25 tấn bạc; 100 khí dụng bằng bạc nặng khoảng 3.4 tấn, hai mươi cái chén bằng vàng giá một ngàn đa-riếc hay khoảng 20 lbs cùng với các vật dụng bằng kim loại quí nữa hay tổng số lễ vật là “22 tấn bạc, 100 dụng cụ bạc nặng… 3.40 tấn vàng, 20 chén vàng trị giá 1.000 đa-riếc, và hai dụng cụ bằng đồng tốt bóng ngời, quý như vàng” (theo Kinh Thánh Bản Dịch Mới).
Nhưng hơn thế nữa, E-xơ-ra ủy thác cho họ đúng theo luật pháp của Đức Chúa Trời phán dạy là các thầy tế lễ coi sóc các vật thánh và các người Lê-vi khiêng các lễ vật ấy, rằng: “Chánh các người đã được biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va, và các khí dụng nầy cũng là thánh. Bạc và vàng nầy là lễ vật lạc ý dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi. Khá gìn giữ nó kỹ lưỡng cho đến chừng các ngươi cân lại trước mặt những thầy tế lễ cả, và người Lê-vi, cùng trước mặt các trưởng tộc của Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem, trong kho đền thờ của Đức Giê-hô-va” (c. 28-29) (cũng xemc(xem thêm Dân. 3:8, 31, 45).
- 31- 36 – Hành trình về đến Giê-ru-sa-lem an toàn và bày tỏ lòng biết ơn,
C.31, Ngày 12 tháng Giêng bắt đầu hành trình trở về Giê-ru-sa-lem. Mặc dầu trong E-xơ-ra 7:9 cho biết là E-xơ-ra và đoàn người hồi hương đã khởi hành vào ngày mồng một tháng Giêng. Sự khác biệt về thời điểm nầy có thể giải thích qua sự kiện họ đã đóng trại bên bờ sông 3 ngày. Trong thời gian nầy, E-xơ-ra đã khám phá không có người Lê-vi nào về cùng, nên trong 8 ngày đến, thì họ đã bỏ thời gian chiêu mộ các người Lê-vi (c. 15-20); kiêng ăn và cầu nguyện xin sự dẫn dắt bảo vệ của Đức Chúa Trời (21-23) và ủy thác các lễ vật dâng đền thờ cho các thầy tế lễ và người Lê-vi mang về Giê-ru-sa-lem (c. 24-30). Do đó, hành trình hồi hương về Giê-ru-sa-lem là bắt đầu vào ngày mồng một tháng Giêng khi họ rời bỏ nhà cửa ở tại Ba-by-lôn, nhưng chính thức rời bờ sông A-ha-va để lên đường vào ngày 12 tháng Giêng là như vậy.
- 32, Đến Giê-ru-sa-lem vào ngày 1 tháng Năm, như vậy hành trình mất khoảng 3 tháng rưỡi.
- 33-34, Sau 3 ngày nghỉ ngơi, ngày thứ tư họ kiểm soát xem thử các lễ vật có bị thất thoát trong hành trình hay chăng bằng cách “cân lại bạc, vàng, và những khí dụng trong đền của Đức Chúa Trời” và giao lại cho người có trách nhiệm bảo quản là Mê-rê-mốt, con trai U-ri, thầy tế lễ cách tỏ tường có các nhân chứng với sổ sách rõ ràng, “với người có Ê-lê-a-sa, con trai của Phi-nê-a, Giô-xa-báp, con trai Giê-sua, và Nô-a-đia, con trai Bin-nui, người Lê-vi”, đem để vào kho đền thờ và có ghi vào sổ.
- 35, Bày tỏ tấm lòng biết ơn Đức Chúa Trời bằng cách dâng của lễ thiêu cách nhiệt tâm cho Đức Chúa Trời qua số lễ vật là “mười hai con bò đực vì cả Y-sơ-ra-ên, chín mươi sáu con chiên đực, bảy mươi bảy con chiên con, và mười hai con dê đực để làm của lễ chuộc tội: cả thảy đều dâng lên làm của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va” (c.35). Chiếu theo luật pháp của Đức Chúa Trời thì các của lễ toàn thiêu cho Ngài, không giữ lại chi cả.
- 36, Họ giao lại sắc lệnh của nhà vua truyền cho các quan trấn và quan cai của triều đình bên nầy hỗ trợ dân sự của Đức Chúa Trời và công tác trang điểm đền thờ của Ngài trong thời gian tới.
Ứng dụng:
- Cần nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời phù trợ con dân Ngài trong mọi hoàn cảnh và khúc nôi của cuộc đời.
Phần lớn những người không tin nhận Đức Chúa Trời thì cho mọi việc xảy ra trong cuộc đời của họ là do may mắn hay rủi ro mà thôi. Nếu có chăng thì khái niệm có một đấng thiêng liêng nào đó phù trợ, hay các thần linh vùa giúp sau khi vui nhận các của lễ cúng bái mà họ đem đến. Nhưng không một ai có thể xác định phước hạnh hay những việc bất thường xảy ra đến từ đâu. Riêng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời khi đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu và có mối liên hệ cá nhân với Ngài, chúng ta không những biết rõ rằng, “Đức Chúa Trời chúng tôi phù hộ mọi người tìm cầu Ngài, nhưng cơn phẫn nộ mãnh liệt của Ngài giáng xuống mọi người từ bỏ Ngài” (c. 22, Bản Dịch Mới). Nhưng chúng ta còn tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Vô Sở Bất Năng (không điều gì mà Ngài không làm được); Đấng Vô Sở Bất Tại (Ngài hiện diện khắp mọi nơi) và là Đấng Vô Sở Bất Tri (không điều gì mà Ngài không biết). Chính vì thế, lòng tin cậy và tín thác cuộc đời của chúng ta trong bàn tay Thần Hựu của Đức Chúa Trời là điều được đảm bảo, không phải dựa vào đức tin của chúng ta, nhưng dựa trên nền tảng đối tượng đức tin của chúng ta là chính Ngài, Đấng Năng Quyền. Trong lịch sử của Hội Thánh Đức Chúa Trời qua nhiều thời đại thì Ngài cũng đã dùng những quyền hành thể chế của con người để làm thành ý định tốt lành cho con cái Ngài.
- Bởi đức tin, tuyên xưng những điều mà Đức Chúa Trời hứa ban thì chúng ta cũng hãy an tâm nương cậy, kiên nhẫn chờ đợi sự trả lời của Ngài.
Thời điểm của Đức Chúa Trời khác với thời điểm của chúng ta. Đức Chúa Trời sẽ kháng cự kẻ đối nghịch thế cho chúng ta và mở đường để chúng ta ra khỏi. Lời hứa của Đức Chúa Trời cho chúng ta được Chúa phán trong Ê-sai 55:8-13. Nhiều lúc chúng ta không kiên nhẫn đủ để chờ đợi ý Chúa tỏ bày cho một vấn đề nào đó, nhưng lại vội vàng thực hiện theo ý riêng và cuối cùng phải gánh chịu những hậu quả của việc làm mình thay vì nhận lãnh những phước hạnh của sự trông đợi Ngài. Chúng ta chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi sự trả lời của Đức Chúa Trời khi chúng ta biết rõ Ngài là ai. Nếu không, chúng ta sẽ bị hoàn cảnh chi phối và sự nghi ngờ sẽ chiếm lấy tâm trí của chúng ta, khiến cho đức tin của chúng ta bị lay động, như lời cảnh giác của Gia-cơ rằng: “Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa: 8 ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định” (Gia-cơ 1: 6-7). Hãy nhờ ơn Chúa thể hiện lòng tín thác của chúng ta nơi Đức Chúa Trời cách hoàn toàn bằng cách kiên nhẫn chờ đợi và chấp nhận câu trả lời của Ngài. Đôi khi, “không được” cũng là một sự trả lời của Chúa nữa, chứ không phải câu trả lời luôn luôn là “được”.
- Phục vụ Chúa cách thành tâm trung tín với những ân tứ thuộc linh mà Đức Thánh Linh ban cho.
Mỗi chúng ta là những chi thể trong thân thể Đấng Christ mà chính Đức Chúa Giê-xu Christ là Đầu. Cũng bởi Đấng Christ mà mỗi chi thể được liên hệ và ràng buộc với nhau trong thân thể Ngài (Ê-phê-sô 4:16) và ở dưới sự lãnh đạo của Đầu là Đấng Christ. Bởi thế, cùng một Thánh Linh thì Ngài ban cho mỗi tín hữu một hoặc những ân tứ cần thiết để “gây dựng thân thể Đấng Christ, …” (Ê-phê-sô 4:12b-13). Cho nên, trách nhiệm của mỗi một tín hữu trong Hội Thánh Chúa là khám phá ân tứ thuộc linh cùng trách nhiệm của chính mình trong thân thể Chúa và nhờ ơn sức Ngài tận dụng ân tứ ấy cho sự phát triển Hội Thánh. Tiếc thay, trong Hội Thánh Chúa có nhiều trường hợp không khai thác hay tận dụng ân tứ thuộc linh cách chính xác, nên không đem lại kết quả cho Nhà Chúa như điều đáng phải có.
- Tin và sống thể hiện niềm tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời.
Từ đức tin chuyển sang hành động là một tiến trình đòi hỏi không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng lời cầu nguyện, kiêng ăn và nài xin. Có lắm lúc trên bước đường theo Chúa và phục vụ Ngài, chúng ta phải đối diện với những trở ngại, thách thức mà dường như không có lối thoát theo quan điểm của con người. Chúng ta phải làm gì trong những trường hợp như thế? Ngã lòng và bỏ cuộc hay tìm đến với Chúa và nương cậy năng lực của Ngài để đắc thắng? Bày tỏ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời cách tuyệt đối sẽ nhận được sự đắc thắng. Hãy đứng cùng với Đức Chúa Trời trước mọi thách thức mà chúng ta đối diện trong cuộc sống hằng ngày, đừng rời bỏ khỏi sự thành tín của Đức Chúa Trời.
Kiêng ăn và cầu nguyện là những kỷ luật thuộc linh sẽ giúp cho chúng ta năng lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách mà chúng ta đối diện trên linh trình. Kiêng ăn và cầu nguyện là kiêng kỵ khỏi những đòi hỏi thể xác, cam kết, khép mình vào một sự chiến đấu thuộc linh, không để cho nhu cầu vật thể như đói, nhu cầu cần ăn hoặc những nhu cầu thể chất khác chi phối tâm trí mình, nhưng bằng năng lực của Chúa khắc phục những đòi hỏi thân xác nầy và chuyên tâm hướng lòng về Chúa để cầu nguyện, van xin sự cứu giúp của Đức Chúa Trời cho một vấn đề nào đó.
- Quản trị tài vật của Đức Chúa Trời đã ủy thác cho chúng ta với tấm lòng trọn vẹn, ngay thẳng, thành thật và trung tín.
Một lần nữa, E-xơ-ra đã cho chúng ta tấm gương sáng về việc quản trị tài vật của Đức Chúa Trời. Ông đã nhận thức về vai trò và trách nhiệm mà Đức Chúa Trời ủy thác trên các thầy tế lễ và người Lê-vi rằng: “Chánh các người đã được biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va, và các khí dụng nầy cũng là thánh. Bạc và vàng nầy là lễ vật lạc ý dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi. Khá gìn giữ nó kỹ lưỡng cho đến chừng các ngươi cân lại trước mặt những thầy tế lễ cả, và người Lê-vi, cùng trước mặt các trưởng tộc của Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem, trong kho đền thờ của Đức Giê-hô-va” (c. 28). Sự nhận thức nầy rất quan trọng và cần thiết trong đời sống của người Cơ Đốc vì sẽ bảo vệ tín hữu không vượt quá giới hạn và phạm vi trách nhiệm của mình trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, có được sự nhận thức như thế, chúng ta mới quản trị tài vật của Đức Chúa Trời cách ngay thẳng và tỏ tường, tránh được những nghi ngờ và hiểu lầm đáng tiếc.
Câu hỏi áp dụng:
- Bạn có nhận biết được “bàn tay của Đức Chúa Trời” đã và đang “phù trợ” chính cuộc đời mình trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất hay không? Nếu sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trên đời sống Bạn, thì Bạn cần phải có thái độ tích cực nào đối cùng Ngài?
- Bạn kinh nghiệm gì về sự nhậm lời cầu nguyện và giải cứu của Đức Chúa Trời? Bí quyết nào đã giúp Bạn có thể kiên nhẫn chờ đợi sự trả lời của Ngài? Thái độ và phản ứng của Bạn như thế nào khi nhận câu trả lời “không được” từ nơi Chúa cho điều Bạn cầu xin?
- Bạn có biết rõ về ân tứ thuộc linh mà Thánh Linh Chúa ban cho chính mình trong trách nhiệm gây dựng thân thể Chúa là Hội Thánh địa phương của mình hay không? Bạn đang tận hiến để phục vụ Nhà Chúa hay đang chôn giấu hoặc tìm kiếm những ân tứ thuộc linh khác theo quan điểm của chính mình?
- Bạn có từng kiêng ăn và cầu nguyện chưa? Bạn kinh nghiệm thế nào về sự linh nghiệm của việc kiêng ăn và cầu nguyện trong cuộc đời theo Chúa của mình?
- Sự khác biệt thế nào giữa hai quan điểm khi cho rằng những gì mà chúng ta đang có là sở hữu của cá nhân hay chúng ta chỉ là những quản gia đang quản trị tài vật mà Đức Chúa Trời ủy thác mà thôi. Theo cá nhân Bạn, Bạn chọn để sống theo quan điểm nào? Xin cho biết lý do nào Bạn chọn quan điểm ấy. Có gì sai trật khi một con cái Chúa cho rằng mọi vật là sở hữu của cá nhân mình?