Giải Thích:
c. 1-5. Một khoảng thời gian gần 60 năm giữa đoạn 6, mô tả vể biến cố khánh thành đền thờ được tái xây dựng dưới thời vua Đa ri út vào năm 515 TC và đoạn 7, đánh dấu việc hồi hương của E xơ ra vào năm 458 TC. Trong thời gian nầy thì câu chuyện của Ê xơ tê được ký thuật dưới đời vua Xét xe hay còn có tên là A suê ru, trị vì từ 486 TC – 465 TC. Vua Ạt ta xét xe –, lên ngôi vua của Đế quốc Phe rơ sơ sau khi vua cha là Xét xe I qua đời (E xơ ra 4:7), trị vì từ 465 TC – 423 TC. Vua Ạt ta xét xe là người đã cho phép E xơ ra hồi hương, trở về Giê ru sa lem vào năm 458 TC – vào năm thứ bảy trị vì của vua Ạt ta xét xe. Khoảng 80 năm sau lần hồi hương thứ nhất do Xô rô ba bên lãnh đạo.
E xơ ra thuộc dòng dõi thầy tế lễ thuộc dòng dõi A-rôn qua các tiền nhân đã từng là các thầy tế lễ thượng phẩm như Xa đốc (1 Các vua 2:35); Phi nê a (Dân số ký 25:10-13) và Ê lê a sa (Dân số ký 3:4). Bên cạnh đó, Sê ra gia là người chứng kiến sự sụp đổ của Giê ru sa lem, bị Nê bu cát nết xa giết (2 Các vua 25:18) và con trai là Giê hô xa đác bị bắt làm phu tù (1 Sử ký 6:5)
c. 6 – Hơn thế nữa, E xơ ra thuộc dòng dõi thầy tế lễ A rôn mà thôi, nhưng ông cũng là một văn sĩ. Theo nguyên nghĩa ông là ‘chuyên viên sao chép luật pháp của Đức Chúa Trời’ tức là người chuyên tâm trong việc sao chép cách cẩn thận và nghiên cứu luật pháp của Đức Chúa Trời cách kĩ lưỡng. Vai trò của E xơ ra cực kỳ quan trọng trong thời điểm phục quốc của Y sơ ra ên vì các nhà lãnh đạo không những trở về với luật pháp của Đức Chúa Trời nhưng cần phải hiểu biết để diễn giãi luật lệ Ngài cho dân chúng áp dụng nữa. Đây không phải là một công tác bình thường vì nhiều thay đổi trong mọi lãnh vực của cuộc sống hằng ngày mà con dân Chúa đối diện kể từ khi luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho Môi se. Sau thời gian lưu đày thì chức năng của người dạy luật pháp Đức Chúa Trời càng cao trọng vì dần dần thay thế chức vụ của người tiên tri và lần hồi hành xử chức vụ của thầy tế lễ cho dân sự nữa.
Trong suốt thời gian từ chuyến hồi hương lần thứ nhất đến nay thì E xơ ra vẫn còn ở tại Ba by lôn, có lẽ đã ghi chép lại những diễn biến đã xảy ra, nhưng nay, nhận thấy nhu cầu cấp bách nên ông đã xin phép vua cho hồi hương. Vì sao E xơ ra cần có nhà vua cho phép trở về Giê ra sa lem? Có thể là E xơ ra muốn đem nhiều người Do thái lưu đày hồi hương về Giê ru sa lem và chỉ dụ của nhà vua sẽ giúp cho bất kỳ ai muốn trở về thì đều có thể tham dự. Chỉ dụ của vua sẽ là giấy thông hành trong trường hợp họ gặp bất kỳ những sự chống đối nào trên hành trình về quê.
c. 7 Có nhiều người trong mọi thành phần tháp tùng hành trình trở về Giê ru sa lem của E xơ ra như các thầy tế lễ, và người Lê-vi, kẻ ca hát, người giữ cửa, và người Nê-thi-nim.
c. 8 – Đây là hành trình đầu tiên của E xơ ra và đoàn người hồi hương nầy phải mất bốn tháng mới về đến Giê ru sa lem. Họ bắt đầu hành trình khoảng 1,000 dặm Anh từ Ba by lôn về đến Giê ru sa lem. Họ đã rời Ba by lôn vào ngày mồng một tháng giêng (khoảng tháng Ba/Tư theo Tây lịch) và đến Giê ru sa lem vào mồng một tháng năm (tháng Bảy/Tám theo Tây lịch) nhằm năm thứ bảy .
c. 9, Cụm từ ‘tay nhân lành của Đức Chúa Trời phò trợ’ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn nầy và đoạn kế tiếp nhắc cho chúng ta thấy rằng sự tể trị và ân sủng của Đức Chúa Trời đứng đằng sau những việc làm của Ê-xơ-ra. Kết quả thành đạt được trong việc tái xây dựng đền thờ của Đức Chúa Trời dưới sự cai trị của đế quốc Mê đi-Phe rơ sơ cực thịnh thời bấy giờ đã không do tài năng hay công trình lãnh đạo của một số người nào đó, nhưng bàn tay của Đức Chúa Trời đã hành động để con dân Ngài có thể hoàn tất chương trình và ý định tốt lành của Ngài giao phó.
c. 10, Cụm từ ‘định chí tra xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo, và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật pháp và giới mạng.’ là mẫu mực và mục đích cuộc đời của E xơ ra. Đời sống ông được mô tả thể nào ông đã chuyên tâm học hỏi, nghiên cứu luật pháp của Đức Chúa Trời hầu có thể vâng phục áp dụng vào đời sống cá nhân của chính mình, trước khi mở miệng ra để dạy lại cho người khác. Từ liệu “định chí” hay “chuyên tâm” (Bản Dịch Mới) nói đến việc E xơ ra chuẩn bị và đem cả tấm lòng và trọn cả đời sống trong việc nghiên cứu luật pháp của Đức Chúa Trời. Cụm từ “giữ làm theo” hay “thực hành” là điều kế tiếp mà chúng ta thấy xảy ra trong đời sống của E xơ ra. Hay nói khác hơn, E xơ ra không chỉ thông hiểu luật pháp của Đức Chúa Trời bằng kiến thức, trí tuệ mà thôi, nhưng ông cũng kinh nghiệm thực dụng về luật pháp của Đức Chúa Trời trong đời sống của chính mình nữa. Điều cuối cùng, sau khi học hỏi nghiên cứu tường tận và đem áp dụng để có được kinh nghiệm bản thân, E xơ ra dạy dỗ hay truyền đạt luật lệ Chúa cho con dân sự Ngài cách hiệu quả.
Ứng Dụng:
1. Đức Chúa Trời quan tâm đến sự xây cất cơ sở đền thờ vật chất như giảng đường, nhà nguyện, phòng ốc Cơ Đốc Giáo Dục. . . nhưng Ngài càng quan tâm đến công tác xây dựng thân thể tín nhân là ‘đền thờ Thánh Linh ngự’ càng hơn. Sau khi Xô rô ba bên cùng đoàn người Do thái hồi hương đầu tiên trở về và hoàn tất công tác tái xây dựng đền thờ Giê ru sa lem cách tốt đẹp và lễ khánh thành đền thờ cách vinh hiển Danh Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời không dừng lại tại đó. Ngài đã cảm động lòng E xơ ra và sai phái ông trở về để tái xây dựng đời sống đức tin của dân sự Ngài trong việc học hỏi và thực hành luật pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ta hôm nay cũng cần thấy rõ được chương trình của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh của Ngài. Ngài vui lòng khi thấy con dân Chúa dâng hiến tài vật, công sức trong công tác xây dựng cơ sở vật chất Hội Thánh, nhưng Đức Chúa Trời còn vui lòng hơn khi nhìn thấy con dân Chúa năng nổ trong công tác xây dựng ‘đền thờ thân thể’ mình cách đẹp lòng Ngài. Xây dựng thân thể bằng cách học hỏi, trang bị Lời Chúa và áp dụng trong đời sống hằng ngày; đầu phục Thánh Linh của Đức Chúa Trời trong tiến trình thánh hóa và dâng đời sống là bài chứng sống cho Danh Ngài. Hãy nghe lời khuyên của Sứ đồ Phao lô, “Thưa anh chị em, vì thế tôi nài xin anh chị em, do lòng thương xót của Đức Chúa Trời, hãy dâng hiến chính mình như những sinh tế sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng hợp lẽ của anh chị em. Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Rô ma 12:1-2, bản Dịch Mới (BDM)) và vì chúng ta là những người được quyền năng Thánh Linh tái tạo đổi mới, nên chúng ta sống theo mục đích mới như sau, “Nếu anh chị em đã được đồng sống lại với Chúa Cứu Thế, hãy tìm kiếm những việc thiên thượng, là nơi Chúa Cứu Thế đang ngự bên phải Đức Chúa Trời. 2 Hãy tập trung tâm trí vào các việc thiên thượng, đừng lo nghĩ những việc trần gian, 3 Vì anh chị em đã chết, sự sống mình đã giấu kín với Chúa Cứu Thế trong Đức Chúa Trời. 4 Khi nào Chúa Cứu Thế, là sự sống của chúng ta, hiển hiện, lúc ấy anh chị em cũng sẽ hiển hiện với Ngài trong vinh quang.” (Cô lô se 3:1-4, BDM) Hãy tiếp tục nương cậy quyền năng Thánh Linh để Ngài tái thiết “đền thờ thân thể” cách tươi mới ngày càng hơn.
2. Hậu tự hay dòng dõi chúng ta tiếp tục tiến bước trong niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê xu và tiếp nối trong sự phục vụ Nhà Đức Chúa Trời thì cần phải bắt đầu nơi phụ huynh. Bài học hôm nay cho thấy đời sống mẫu mực của E xơ ra được Đức Chúa Trời đại dụng là do kết quả của một gia tộc trung tín theo Chúa và phụng sự Ngài. Sự trung tín theo Chúa và phục vụ Đức Chúa Trời không chỉ thể hiện qua lời nói suông của cha mẹ mà thôi, nhưng họ đã thực sự sống và thể hiện tấm gương trung tín hầu việc Chúa cho thế hệ tiếp nối noi theo nữa. Nhiều khi chúng ta không quan tâm đến việc làm gương mẩu cho con cái trong việc theo Chúa và phục vu Ngài trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nếu có chăng, cũng chỉ làm cho có lệ trong vài tiếng đồng hồ của ngày Chúa Nhật tại nhà thờ mà thôi. Những ngày còn lại trong tuần với những sinh hoạt hằng ngày tại nhà riêng, giữa công chúng hay nơi công sở, cơ xưởng, trường học. . . thì chúng ta hành xử như những người không có Chúa trong đời sống. Thế nên con cái chúng ta có thể nghe những lời chúng ta nói về Chúa hay khuyên bảo trong việc theo Chúa và sống cho Ngài, nhưng khi nhìn thấy nếp sống hằng ngày của chúng ta không phản ảnh cách trung thực như những lời chúng ta nói thì chúng thất vọng và khước từ niềm tin. Sự huấn luyện con cái sống theo Lời Chúa và học tập phục vụ Ngài không đợi khi chúng khôn lớn trưởng thành chúng ta mới khuyên dạy, nhưng cần thực hiện ngay khi chúng còn thơ ấu. Những lănh vực trong đời sống thuộc linh mà chúng ta có thể nhờ ơn Chúa sống và hướng dẫn con cái chúng ta như tấm lòng ham mến học hỏi Lời Chúa, tinh thần cầu nguyện, trung tín trong sự nhóm lại, tấm lòng rộng rãi trong sự dâng hiến, gương hy sinh yêu thương linh hồn tội nhân để chia sẻ Tin Mừng Cứu Rỗi cho những người chưa được cứu . . . Con cái chúng ta quan sát và thấy chúng ta thực hành hằng ngày, chúng sẽ vâng lời chúng ta khuyên bảo, bắt chước và làm theo.
3. Muốn ảnh hưởng về Chúa cho người khác thì trước hết chúng ta phải có kinh nghiệm về Ngài cách cá nhân, chứ không chỉ kiến thức về Ngài là đủ. E xơ ra có lòng lo tưởng đến dân sự Đức Chúa Trời trong việc sống và làm theo luật pháp của Ngài. Nhưng E xơ ra đã không dừng lại trong tinh thần quan tâm mà thôi. Nhưng ông đã dành trọn tấm lòng và cả cuộc đời trong việc học hỏi nghiên cứu luật pháp của Đức Chúa Trời; kế đến ông đem áp dụng vào trong đời sống cá nhân để thực nghiệm được năng quyền của luật pháp Đức Chúa Trời cho chính mình. Sau đó ông mới đem truyền dạy lại cho dân sự của Ngài. Có được như thế, E xơ ra đã hy sinh thời gian, công sức và ngay cả tài vật cho mục đích cao cả mà Đức Chúa Trời ủy thác cho cuộc đời mình. Chính vì thế ông đã được Đức Chúa Trời đại dụng. Hôm nay chúng ta mong ước cuộc đời chính mình được Đức Chúa Trời tận dụng thì chúng cũng không thể làm gì khác hơn mẫu mực mà chúng ta học hỏi được nơi đời sống của E xơ ra. Cụ thể hơn, nếu chúng ta muốn cho thân hữu của mình nghe biết về tình thương của Đức Chúa Trời để có thể tiếp nhận Chúa Giê xu Christ làm Cứu Chúa và Chủ cuộc đời, ngỏ hầu nhận được sự tha thứ tội lỗi, sự cứu rỗi và sự sống đời đời thì chúng ta không chỉ cầu nguyện suông cho người ấy mà thôi, nhưng trước hết, chúng ta cần phải kinh nghiệm về tình thương và sự tha thứ của Chúa Giê xu cách cá nhân. Sau đó, chúng ta mới nghĩ đến người khác chưa biết về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải hy sinh thời gian khép mình trong kỷ luật để chịu huấn luyện một phương pháp chứng đạo, dành thì giờ làm bạn với thân hữu, lắng nghe tâm tình, sẵn sàng giúp đở những nhu cầu cần thiết trong khả năng của mình, kiên nhẫn trình bày Phúc Âm và van nài mời gọi họ tiếp nhận Quà tặng Sự Sống Đời Đời. Sau cùng dành thời giờ chăm sóc và nuôi dưỡng tân tín hữu sau khi họ tiếp nhận Chúa Giê xu vào lòng trong tiến trình môn đệ hóa.
Câu Hỏi Áp Dụng:
1. Bạn kinh nghiệm về tiến trình tái xây dựng “đền thờ thân thể” của mình như thế nào từ ngày tin nhận Chúa đến nay? Có những gì thuộc về trần thế mà Bạn cần từ bỏ để theo đuổi những việc thiên thượng mà Đức Chúa Trời đang mong đợi trong đời sống bạn hôm nay thể theo Cô lô se 3:1-4.
2. Ê-xơ-ra là ai và gia tộc ông đã ảnh hưởng như thế nào trên cuộc đời và chức vụ của ông? Bạn đã chịu ảnh hưởng thuộc linh từ gia đình của mình như thế nào? Bạn có kế hoạch như thế nào trong việc gây ảnh hưởng thuộc linh cho con cái và gia đình của Bạn? Bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân cho các anh chị em tín hữu khác hay không?
3. Bàn tay của Đức Chúa Trời đã làm mới cuộc đời bạn và dẫn dắt bạn như thế nào? Bạn có bằng lòng khép mình trong kỷ luật để học tập trang bị cũng như áp dụng Lời Chúa cho chính cá nhân mình trước khi chia sẻ lại cho người khác hay chưa? Kế hoạch cá nhân của Bạn như thế nào xin chia sẻ với các anh chị em tín hữu khác để cùng cầu thay và chịu trách nhiệm lẫn nhau trong tiến trình trang bị nầy?