Kinh Thánh: E-xơ-ra 9:5-15
Bài học Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta gương mẫu về sự làm ngay thẳng những sai trật trong đời sống của người tín đồ Đấng Christ. Vì trên bước đường theo Chúa của mỗi chúng ta ai lại không tránh khỏi những vấp ngã, sai phạm, tội lỗi… nhưng vấn đề được đặt ra là giúp chúng ta biết cần phải làm gì một khi nhận thức được sự thất bại của mình.
Giải thích:
C.5, Như bài học trước, chúng ta thấy E-xơ-ra đã được thông báo rằng các thầy tế lễ, giới lãnh đạo cùng dân chúng đã kết sui gia với dân bản xứ. Hành động của họ đã vi phạm luật của Đức Chúa Trời vì họ liên hiệp với những dân tộc có những thói tục ghê tởm trước mặt Đức Chúa Trời. Mặc dầu Đức Chúa Trời đã cảnh giác dân sự của Ngài trước khi nhận lãnh đất hứa rằng không nên cưới gả với những dân tộc nầy, e rằng dân sự của Đức Chúa Trời sẽ bị lôi cuốn vào sự thờ phượng thần tượng ngoại bang là những tà thần mà Đức Chúa Trời nghiêm cấm. E-xơ-ra nhận biết được tình trạng tội lỗi của dân sự, mặc dầu không chính thức phạm tội cùng Đức Chúa Trời trong trường hợp nầy, nhưng E-xơ-ra đã đồng hóa mình với dân sự và bày tỏ lòng đau thương, ăn năn thống hối cùng Đức Chúa Trời bằng cách xé áo trong và áo tơi mình, nhổ tóc đầu và lông râu, rồi ngồi buồn bã. Mãi cho đến giờ dâng của lễ buổi chiều, E-xơ-ra bày tỏ tinh thần và tấm lòng đau thương, đau khổ vì tội lỗi qua hình ảnh ngồi ‘trong nơi khổ nhục’ với ‘áo trong và áo tơi xé rách’. Nhưng E-xơ-ra đã không dừng lại tại đó để chỉ hối tiếc cho sự việc xảy ra, mà E-xơ-ra đã bày tỏ tấm lòng hạ mình khiêm nhường trước Đức Chúa Trời thánh khiết bằng cách quì xuống, dâng lời cầu nguyện xưng tội cùng Đức Chúa Trời.
C.6-15, “Quỳ gối xuống và giơ tay ra hướng về Giê-hô-va Đức Chúa Trời” nói lên hành động hạ mình khiêm nhường của một người khi đến kêu xin cùng Đức Chúa Trời là đối tượng của đức tin mình. Dĩ nhiên, dầu chúng ta cầu nguyện trong tư thế nào thì Đức Chúa Trời đều dủ nghe vì cớ sự thương xót của Ngài, nhưng bày tỏ qua hành động bên ngoài biểu lộ thái độ của tấm lòng bên trong và qua đó tin rằng Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời dựa trên Lời hứa của Ngài mà chính vua Đa-vít đã kinh nghiệm được: “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” Thi 51:17.
C.6-7, “Ồ, Đức Chúa Trời tôi! Tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên Ngài, là Đức Chúa Trời tôi”, E-xơ-ra bày tỏ nỗi xấu hổ nội tâm trước mặt Đức Chúa Trời và sự nhục nhã trước dân chúng về tội lỗi mà dân Chúa đã vi phạm. Hình ảnh của một người phạm tội không phương chạy chữa khi đứng trước mặt Đức Chúa Trời Thánh Khiết, Công Chính.
“Vì gian ác chúng tôi đã thêm nhiều quá đầu chúng tôi, và tội chúng tôi cao lớn tận trời”. Trước hết E-xơ-ra thay mặt dân sự để xưng nhận tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời. Ông không biện bác cho việc làm của dân sự mà chính E-xơ-ra cũng đồng hóa mình trong tình trạng vi phạm tội lỗi cùng với Đức Chúa Trời. E-xơ-ra mô tả thực chất của sự gian ác của dân Chúa giống như vua Đa-vít khi xưa xưng nhận: “Vì sự gian ác tôi vượt qua đầu tôi; nó nặng quá cho tôi, khác nào một gánh nặng” (Thi 38:4).
Hơn thế nữa, khi dùng đại danh từ ‘chúng tôi’, E-xơ-ra cũng nhìn nhận sự nghiêm trọng và ảnh hưởng ghê gớm của tội lỗi, mặc dầu một số người phạm tội cũng gây thiệt hại đến cả tập thể. Lời cầu nguyện xưng tội của E-xơ-ra cũng tương tự như lời cầu nguyện xưng tội của Đa-ni-ên ( Đa. 9:1-20) và Nê-hê-mi (1:4-11).
C.7, E-xơ-ra nhìn nhận rằng việc dân sự phạm tội thỏa hiệp với dân ngoại giáo tại đây cũng không phải là điều mới xảy ra đâu. Nhìn về lịch sử của dân tộc thì mầm mống tội lỗi đã hoành hành từ thế hệ nầy sang thế hệ khác mà hậu quả của các sự phạm tội ấy thật quá nhiều, không thể đo lường. Nếu liệt kê ra thì cũng chỉ nhắc đến một số hậu quả tiêu biểu mà thôi, như “bị phó vào tay các vua những xứ, bị gươm, bị bắt làm phu tù, bị cướp giựt, và bị sỉ nhục, y như điều đó đã có ngày nay” (c.7b). Thật vậy, đây là điều ứng nghiệm mà Đức Chúa Trời đã dùng Giô-suê cảnh giác dân sự của Ngài khi nhận lãnh đất hứa (Phục 28:32-37).
C.8, Cho dầu những thất bại và gánh chịu hậu quả bởi sự phạm tội cùng Đức Chúa Trời như thế nào đi chăng nữa, thì E-xơ-ra cũng nhận biết về ân sủng diệu kỳ dành để cho chính mình và dân sự trong hoàn cảnh hiện tại. Thay vì bị Đức Chúa Trời tuyệt diệt tất cả, thì một số người trong dân sự Ngài được dành để cho ‘một cái đền’ hay ‘nơi tựa vững chắc trong nơi thánh’ (theo Bản Dịch Mới) mà chính họ không xứng đáng nhận lãnh. ‘Cái đền’ trong nguyên bản là ‘cái đinh’ đóng vào tường hay ‘cái nọc’ của một cái trại được đóng xuống đất, hình ảnh của những người du hành sau một ngày dài, đóng những cọc dựng trại, nói lên sự kết hợp vững chắc để an nghỉ và không hề bị lay chuyển, giống như lời hứa của Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-sai (Ê-sai 33:20).
Không những được ban cho sự an nghỉ trong Ngài, hay sự an ninh vững chắc cho bất kỳ ai nương cậy nơi Ngài, dân sự Chúa còn được ‘Đức Chúa Trời soi sáng con mắt’ – ý nói đến sự phục hưng, phục hồi sinh lực hay sự vui mừng mà một người ở trong tình trạng tuyệt vọng nhận được, như lời cầu nguyện xin được giúp đỡ trong thì hoạn nạn của tác giả Thi Thiên 13:3 rằng: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, xin hãy xem xét, nhậm lời tôi, Và làm cho mắt tôi được sáng, Kẻo tôi phải ngủ chết chăng;” và được trải nghiệm rõ ràng (Thi. 19:8).
C. 9, ‘Các vua Phe-rơ-sơ’ hay Ba Tư là những vua mà chúng ta đã nhắc nhở đến trong các bài học trước, đã góp phần trong chương trình cho những người Do Thái lưu đày được hồi hương và cho phép họ tái xây dựng đền thờ và tường thành Giê-ru-sa-lem. Tiêu biểu là vua Si-ru (539 -530 TCN) cho phép họ hồi hương (chương 1); Đa-ri-út (522 – 486 TCN) tái lập sắc chỉ của vua Si-ru (chương 6); vua Xét-xe (486 – 465 TCN) ban những đặc ân và che chở cho người Do Thái (Ê-xơ-tê 8-10); vua Ạt-ta-xét-xe I đã cấp giấy cho E-xơ-ra (chương 7) và cho Nê-hê-mi.
Sự hồi hương và công tác tái xây dựng những nơi đổ nát của Giê-ru-sa-lem đã được Đức Chúa Trời nói trước qua các tiên tri, như tiên tri Ê-sai (Ê sai 52:9), qua tiên tri Mi-chê (Mi-chê 7:1). Khi nhắc lại những điều nầy, E-xơ-ra không có ý kể lể những công khó mà chính mình và dân sự đã thực hiện cho Đức Chúa Trời đâu. Nhưng tại đây, E-xơ-ra đã nói lên từ địa vị của những người nhận được ơn lành của Đức Chúa Trời và chính Ngài ban ơn để có thể làm được những công tác to lớn, vượt hơn mọi điều kiện và khả năng có được. Chính Ngài tạo điều kiện cho dân Chúa có được mọi sự như ngày hôm nay.
C.10-12, “Bây giờ, hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! Sau những điều đó, chúng tôi sẽ nói làm sao? Vì chúng tôi đã lìa bỏ những điều răn”, E-xơ-ra nhìn nhận rằng chính mình và dân sự đã bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Đây không phải vì vô tình phạm tội nhưng là hành động cố ý mà dân sự không tìm đường chối cãi. Bởi vì qua các tiên tri, dân sự của Ngài đã hiểu biết luật pháp và giới mạng của Đức Chúa Trời liên quan đến việc dựng vợ gả chồng với người ngoại giáo cùng những hậu quả cặp theo nếu không tuân giữ lời Ngài. E-xơ-ra đã nhắc lại tổng hợp các cấm mạng của Đức Chúa Trời về vấn đề hôn nhân không đồng bộ trên phương diện đức tin.
C.13-15, E-xơ-ra không những xác chứng rằng Đức Chúa Trời là Đấng Công Chính trong việc hành phạt dân sự của Ngài, nhưng Ngài cũng là Đấng Thương Xót cho nên mới ‘ban cho chúng tôi được phần sót lại dường này’ hay ‘nhóm dân sót lại’ mà E-xơ-ra đang đại diện để van xin sự tha thứ của Ngài. E-xơ-ra lo sợ rằng việc làm của họ sẽ khiến cho Đức Chúa Trời nổi giận và thi hành án phạt trên dân sự Ngài nữa chăng? Nhưng nếu Đức Chúa Trời chọn lựa để đoán phạt thì cũng hợp lẽ mà thôi. Đứng trước Đức Chúa Trời thánh khiết thì không một ai xứng đáng để có thể ra mắt Ngài được. Dầu vậy, E-xơ-ra và dân Chúa với tội lỗi lớn lao như thế cũng chỉ đứng trước mặt Ngài với tấm lòng ngửa trông sự nhơn từ của Đức Chúa Trời thể hiện mà thôi.
Ứng dụng:
1. Thái độ và tinh thần cầu thay:
E-xơ-ra là tấm gương của tinh thần cầu thay cho chúng ta noi theo. Dầu chính E-xơ-ra đã không phạm tội lấy vợ ngoại giáo như các thầy tế lễ và dân Chúa, nhưng khi đến cùng Đức Chúa Trời để van xin sự tha thứ của Ngài, thì E-xơ-ra đã đồng hóa cùng dân sự trong tinh thần ăn năn nhìn nhận tội lỗi. Thái độ hạ mình, khiêm nhường nầy đòi hỏi nơi người cầu thay không chỉ đối cùng Đức Chúa Trời mà thôi, nhưng cũng thể hiện với anh chị em mình nữa. Khi có được tinh thần và thái độ nầy, chúng ta mới có thể cảm thương được tình trạng đau thương do tội lỗi gây nên trong anh chị em chúng ta và từ đó chúng ta mới hết lòng van xin sự thương xót của Đức Chúa Trời được. Hãy học nơi gương của Chúa Giê-xu: biết cảm thương và đắc thắng (Hê-bơ-rơ 4:15).
2. Xưng tội:
Thành thật xưng nhận tội lỗi trước khi mong đợi được phục hồi đời sống tâm linh. Đây là điều tiên quyết và thiết yếu cho sự tha thứ và phục hồi mà một người có thể nhận được từ nơi Đức Chúa Trời. Mặc dầu Đức Chúa Trời biết rất rõ về mọi tội lỗi mà chúng ta vi phạm cùng Ngài và chính Ngài cũng không cần thông tin của chúng ta, nhưng việc xưng nhận tội lỗi là điều ích lợi cho chúng ta vì qua việc xưng tội, chúng ta xác chứng về tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời trên cuộc đời chúng ta và qua đó, chúng ta đồng ý về những gì mà Đức Chúa Trời kể là tội, nhìn nhận sự thất bại của chính mình và van xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời như Lời Ngài đã phán hứa ở I Giăng 1:9 và tin cậy tuyệt đối vào quyền năng tha tội của huyết Chiên Con (1 Giăng 1:8b).
Xưng tội không chỉ có nghĩa là nhận thức về tội lỗi để xưng ra, nhưng còn bày tỏ tấm lòng ăn năn và muốn quay trở về lại cùng Đức Chúa Trời nữa. Một số người sau khi phạm tội thì bày tỏ sự hối tiếc là bị bắt quả tang hay ân hận vì mình đã phạm tội, nhưng thật sự không có tấm lòng ăn năn, như Chúa mong đợi. Do đó đời sống vẫn như cũ, không được đổi mới để sống và kết quả cho Ngài.
Xưng tội cũng còn có nghĩa là xác chứng về sự công chính của Đức Chúa Trời khi Ngài hình phạt tội lỗi. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình và Thánh Khiết, điều răn luật lệ của Ngài là tiêu chuẩn tuyệt đối cần tuân giữ cách nghiêm túc với những hậu quả đã được nói trước cách rõ ràng. Do đó, khi một người xưng nhận tội lỗi thì biết được những án phạt sẽ chịu cách đương nhiên. Thế nên, người ấy không thể làm chi khác hơn là khiêm cung hạ mình cầu xin sự thương xót lớn lao cùng ân huệ với sự tha thứ dồi dào của Đức Chúa Trời mà thôi.
3. Nguyên nhân và hậu quả:
Nhận biết căn nguyên, nguồn cội của những thất bại hiện tại: E-xơ-ra không tìm cách để biện minh cho tội lỗi của chính mình và dân Chúa, nhưng đầu phục và chấp nhận mọi điều đã xảy ra cho dân tộc mình mà không một lời oán trách Đức Chúa Trời. E-xơ-ra nhận thức rằng mình đang đối diện với một Đức Chúa Trời biết rõ mọi việc và mọi việc xảy ra theo đúng như Lời Ngài đã tuyên phán. Khi ra mắt Đức Chúa Trời và kêu cầu cùng Ngài, nếu chúng ta chấp nhận nguyên nhân và hậu quả như Lời Ngài tuyên phán, sẽ giúp chúng ta vững tin nơi Chúa và Lời Ngài càng hơn. Sự thành tín của Đức Chúa Trời và sự vững lập của Lời Ngài sẽ là nơi nương tựa của chúng ta trong mọi tình huống, hoàn cảnh của cuộc đời. Giô-suê đã khẳng định điều nầy cho dân Chúa sau khi đã nhận lãnh Đất Hứa (Giô 23:14-16).
4. Nhận biết phước lành nhiều hơn bất hạnh hay tai vạ:
E-xơ-ra cho chúng ta thấy quan điểm tích cực cần có cho tín hữu của mọi thời đại rằng cuộc đời chúng ta có nhiều phước hạnh hơn là tai họa bằng cách nhìn từ quan điểm của Đức Chúa Trời. Thường quan điểm của con người là nhìn thấy chính mình bằng niềm kiêu hãnh cho rằng bàn tay ta làm nên tất cả, chối bỏ và không cần đến sự hiện hữu của Đức Chúa Trời trong đời sống, tự cho mình có giá trị và đòi hỏi người khác phải tôn trọng. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là những ảo giác không hơn không kém. Ngược lại, khi nhìn từ quan điểm của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy mình không là gì cả và từ chỗ không là gì và không có gì, chúng ta nhìn thấy được tình yêu thương vô bờ và ân sủng tuyệt vời của Đức Chúa Trời dành cho cá nhân càng rõ hơn và nhận biết bởi tình yêu và ân điển của Chúa mà chúng ta còn đến ngày hôm nay.
Câu hỏi áp dụng:
1. Thái độ và tinh thần của E-xơ-ra khi biết được tình trạng tội lỗi của dân tộc mình như thế nào? Ông đã làm gì?
2. Thái độ và tinh thần của bạn đối với tín hữu trong Hội Thánh phạm tội như thế nào? Bạn lên án, gay gắt chỉ trích hay cảm thông và thương xót để cầu thay? Bạn có cảm thấy hãnh diện vì mình không thất bại như người khác hay không?
3. Bạn đến với Chúa trong sự cầu thay như thế nào? Có đồng cảm với người mình cầu thay để van xin sự thương xót của Chúa trên cuộc đời người ấy hay không?
4. Theo bạn, chúng ta có nhất thiết phải xưng tội cách chi tiết hay không? Nếu Đức Chúa Trời là Đấng biết hết mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta thì tại sao chúng ta phải xưng tội cách chi tiết?
5. Theo bạn, Hội Thánh cần thể hiện tình yêu thương, nên không buộc tín hữu phạm tội phải ăn năn tội lỗi và Hội Thánh chấp nhận người ấy vô điều kiện. Như thế có phải là tình yêu thương thật hay không dựa trên căn bản của Lời Chúa?
6. Làm thể nào để bạn có thể thật sự nhận biết ơn lành của Đức Chúa Trời trên cuộc đời của chính mình? Những ơn lành mà bạn nhận được là việc đương nhiên mà Chúa phải làm hay đó là do ân sủng và tình yêu thương vô biên của Ngài dành cho bạn? Những gì bạn đã làm cho Nhà Chúa là do nỗ lực và tài năng cá nhân hay do năng lực từ nơi Chúa? Nếu không, thì tinh thần phục vụ Nhà Chúa phải như thế nào mới chính đáng và đẹp lòng Chúa?