Kinh thánh: IICô-rinh-tô 4:16-18
Lời dẫn nhập: Năm mới, người Tây phương thường có những quyết tâm thay đổi để cho đời sống tốt hơn về mọi mặt: sức khỏe, mối liên hệ, công việc, ước mơ… Năm mới nầy những quyết tâm quý vị là gi? Đây là 5 top ten quyết tâm của người Mỹ trong năm 2022:
- Có thời gian gần gủi với gia đình, bạn hữu. (Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Gia đình ổn định thì mới có sức mạnh làm những việc khác. Đa số gia đình có vấn đề là vì không có thì giờ quan tâm, gần gủi, tâm tình. Gần gủi bạn hữu tốt, tin kính làm cho cuộc đời chúng ta hưng phấn, vui vẻ hơn!
- Tập thể dục (các bác sĩ cho chúng ta việc tập thể dục có ích cho sức khỏe!)
- Vui vẻ, sống yêu đời! Vì cuộc sống ngắn ngủi và không ai biết trước ngày mai sẽ thế nào. Qua đại dịch Covid19, nhắc chúng ta rằng:đời người thật ngắn ngủi, chóng qua.
- Tiếp tục học hỏi những điều mới có ích cho đời sống và tâm linh chúng ta vì cuộc sống luôn thay đổi.
- Giúp đỡ người khác. Đem lại niềm vui và hạnh phúc cho chính chúng ta.
Những quyết tâm trong năm mới của chính tôi là câu KT:
“Mau nghe, chậm nói, chậm giận!” (Gia cơ 1:22)
Và những quyết tâm thực hiện mỗi ngày là:
-Trước khi kết luận bất cứ vấn đề gì tôi phải tìm hiểu đủ các dữ kiện!
-Trước khi xét đoán một vấn đề tôi cần hiều lý do tại sao?
-Trước khi làm tổn thương người khác tôi sẽ đặt mình là người bị tổn thương.
-Trước khi nói bất cứ điều gì, tôi sẽ suy nghĩ thật cẫn thận.
Hôm nay chúng ta hãy xem quyết tâm của thánh Phao Lô là gì? Những điều nầy giúp ích cho chúng ta trong năm mới nầy.
I-TIẾP TỤC ĐỔI MỚI
“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn.” (C. 16)
Bề trong đổi mới có nghĩa là gì? Lời Kinh thánh trong Giê-rê-mi nói rằng: “Giê-rê-mi 17:9 “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” Khi tin Chúa, mời Chúa làm chủ cuộc đời, Đức Thánh Linh bắt đầu làm việc trong tấm lòng, chúng ta! Ngài bắt đầu “clean up” tấm lòng chúng ta với sự cộng tác của chúng ta (phần của chúng ta là phải có lòng mềm mại nghe, học lời Chúa, chịu trả giá làm theo lời Ngài!). Hãy xem cuộc đời của thánh Phao Lô trước khi ông gặp Chúa để chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của sự đổi mới! Chữ “renew” trong nguyên bản Hy Lạp là “Transformation” là hình ảnh của con sâu rọm trong tiến trình lột xác thành con bướm đẹp! Đời sống sứ đồ Phao Lô đã đổi mới thế nào từ khi ông thật sự gặp Chúa:
“Vả, anh em đã nghe lúc trước tôi theo giáo Giu-đa, cách cư xử của tôi là thể nào, tôi bắt bớ và phá tán Hội thánh của Đức Chúa Trời quá chừng.” (Galati 1:13). Đổi mới là nâng đỡ anh, chị, em và xây dựng HT của Chúa!
Trong thư ITi-mô-thê 1:13 “Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin.” Đổi mới là không nói, không làm điều phạm đến danh Chúa, HT Chúa, thân thể Chúa. Đổi mới là từ hung bạo trở nên hiền lành, nhân từ, hay thương xót!
Phao lô giải thích rõ về sự đổi mới trong thư gởi cho các tín hữu tại Cô-lô-se 3:8-10 “Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em. 9 Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, 10 mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn.”
Phao Lô kinh nghiệm sự đổi mới con người bên trong của ông, dầu người bề ngoài của ông từ ngày theo Chúa, phục vụ Chúa bị thương tích bởi những trận đòn, những lần bị đánh đập trong lao tù, dầm mưa, dãi nắng… Ông xác quyết rằng: Chúa có thể thay đổi, biến đổi mọi tấm lòng nếu biết nhờ cậy Ngài và ở trong Ngài. “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh tô 5:17)
Quyết tâm thứ 2 là
II-SUY NGHĨ TÍCH CỰC
“Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên.” (C. 17)
Cuộc sống không ai tránh được những khó khăn trong cuộc đời, nhưng khi gặp hoạn nạn, thử thách, khó khăn chúng ta suy nghĩ và phản ứng thế nào?
Phao-lô từng đương đầu với đau khổ, thử thách và hoạn nạn khi ông tích cực truyền giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời. Trong mọi ngịch cảnh, Phao lô luôn suy nghĩ tích cực, lời ông viết từ ngục tù “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại còn nói nữa hay vui mừng đi. 6 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. 7 Sự bình an của Đức Chúa Trời Vượt Quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:4-7)
Phao Lô biết rằng sự đau khổ, hoạn nạn của ông vốn có một chủ đích: ĐCT rèn luyện, thánh hóa cuộc đời ông. Hoạn nạn, thử thách mang đến những lợi ích sau đây:
- Hoạn nạn nhắc nhở ta rằng Chúa Giê-xu đã từng chịu khổ vì chúng ta.
- Hoạn nạn giữ chúng ta khỏi kiêu ngạo.
- Hoạn nạn khiến chúng ta thông cảm với những người chung quanh!
- Hoạn nạn chứng minh đâu là tình bạn thật, tình yêu thật và điều quan trọng nhất: chứng minh đức tin vững vàng, sự tin cậy chắc chắn của chúng ta nơi Chúa cho nhiều người khác được thấy.
- Hoạn nạn tạo cơ hội để Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng Ngài trong cuộc đời chúng ta. Hãy suy nghĩ lại những khi nào chúng ta kinh nghiệm sự an ủi, sự bình an, sự giải cứu, sự tiếp trợ, sự mở đường của Chúa?
Thánh Gia cơ giải thích điều nầy “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, 3 vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. 4 Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (Gia cơ 1: 2-4)
Thánh Phao Lô định nghĩa sự suy nghĩ tích cực là: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (Phi-líp 4:8)
Có một câu nói hay “Bạn không thể có đời sống tích cực trong khi vẫn nuôi dưỡng những suy nghĩ tiêu cực!” Và nếu một người có suy nghĩ tích cực thì có cái nhìn về cuộc sống như thế nầy: “Một ai đó đến với cuộc đời bạn mang lại cho bạn những phước hạnh và nếu không là phước hạnh thì cho bạn những bài học quý giá!” Vì vậy, không có gì phải phàn nàn, buồn giận, hận thù hay tiếc nuối cả!
Quyết tâm thứ 3 là
III-TÌM KIẾM NHỮNG ĐIỀU THUỘC VÈ NƯỚC TRỜI
“18 bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.”
Chữ “chăm – fix our eyes” sự tập trung cao độ! Một hình ảnh dễ hiểu: khi chúng ta lái xe. Đòi hỏi sự tập trung cao độ vì nếu sơ sẫy sẽ bị tai nạn ngay tức khắc! Tác giả thư Hê-bơ-rơ giải thích sự tập trung “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin,fixing our eyes on Jesus.”(Hê-bơ-rơ 12:1-2)
Sự chúng ta “chẳng chăm sự thấy được” là những điều gì? Kinh thánh cho chúng ta biết: “Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 2:10) Và trong I Giăng 2: 15-16 “ Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.”
Những sự chẳng chăm thấy được là gì? Lời Chúa trong I Phi-e-rơ 2: 22-24 chép: ” Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng; anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời. 2Vì, Mọi xác thịt ví như cỏ, Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, Nhưng lời Chúa còn lại đời đời.”
KẾT LUẬN
Năm mới có 3 điều mà lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta quyết tâm thực hiện:
- Quyết tâm tiếp tục đổi mới.
- Quyết tâm suy nghĩ tích cực.
- Quyết tâm tập trung vào sự đời đời.
Có câu nói hay “Nếu bạn có cơ hội về những việc tốt hãy bắt lấy. Nếu điều đó thay đổi bạn tốt hơn, giúp bạn vui vẻ hơn, phước hạnh hơn… hãy để điều đó thay đổi bạn!”
Lời Chúa phán cho chúng ta trong sách Ê-xê-chiên 36:26-27 như sau,“Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới và đặt một thần linh mới trong các ngươi; ta sẽ bỏ đi tấm lòng bằng đá khỏi xác thịt các ngươi và ban cho các ngươi tấm lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt thần ta trong các ngươi, khiến cho các ngươi đi theo các quy luật và cẩn thận làm theo các sắc luật của ta.” Hãy để quyền năng biến đổi của Đức Chúa Trời thay đổi đời sống mình .
Vâng hôm nay xin Chúa giúp mỗi chúng ta là cơ hội chúng ta được nghe lời Chúa. Hôm nay hãy để lời Chúa tiếp tục thay đổi cuộc đời chúng ta!
MS Nguyễn Duy Trung