Bài 7
Công tác tái xây dựng đền thờ (Ê-xơ-ra 3:1 – 6:22)
HIỆP NHẤT TÁI THIẾT: SỰ TẾ LỄ
Ê-xơ-ra 3:4-7
4 Chúng cũng giữ lễ lều tạm, y như đã chép, và dâng những của lễ thiêu ngày nầy kế ngày kia, theo số đã định cho mỗi ngày. 5 Sau ấy, chúng dâng những của lễ thiêu hằng hiến, luôn những của lễ về lễ trăng non và về các ngày lễ trọng thể biệt ra thánh cho Đức Giê-hô-va; lại dâng các của lễ của mỗi người lạc ý dâng cho Đức Giê-hô-va. 6 Từ ngày mồng một tháng bảy, chúng khởi dâng những của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va; nhưng chưa có xây nền đền thờ của Đức Giê-hô-va. 7 Chúng phân cấp tiền bạc cho thợ đẽo đá và cho thợ mộc, luôn những lương thực, rượu, và dầu cho dân Si-đôn và dân Ty-rơ, đặng sai họ đem gỗ bá hương từ Li-ban đến biển Gia-phô, tùy theo chiếu của Si-ru, vua Phe-rơ-sơ.
Giải Nghĩa
3:4. “Chúng cũng giữ lễ lều tạm, y như đã chép, và dâng những của lễ thiêu ngày nầy kế ngày kia, theo số đã định cho mỗi ngày”.
‘Chúng cũng giữ lễ lều tạm’, họ vẫn giữ và thực hiện Lễ Lều Tạm. Lễ Lều Tạm trong tiếng Do Thái là Sukkot kéo dài 8 ngày, từ 15 – 22 của tháng thứ 7. Đây là một lễ hội thu hoạch mùa màng, trong đó dân Y-sơ-ra-ên tưởng nhớ việc họ được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi nhà nô lệ Ai Cập, và thời gian họ lang thang trong đồng vắng với sự chu cấp của Ngài. Như lệnh truyền của Đức Chúa Trời trong Luật Pháp của Ngài đã dạy, “Hết thảy ai sanh trong dòng Y-sơ-ra-ên sẽ ở nơi trại trong bảy ngày, hầu cho dòng dõi các ngươi biết rằng khi Ta đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Ta cho họ ở trong những trại: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê-vi-ký 23:42-43). Trong việc giữ lễ, của lễ họ phải dâng cho Đức Chúa Trời theo luật Môi-se trong 7 ngày lễ hội, (Dân-số-ký 29:12-38).
‘Theo như đã định’ tất cả của lễ bao gồm: 71 con bò đực, 15 con cừu đực, 105 con cừu non và 7 con dê; đây là một sự hi sinh tài chánh lớn cho cộng đồng nhỏ “Hậu Lưu Đày” này.
3:5-6. “Sau ấy, chúng dâng những của lễ thiêu hằng hiến, luôn những của lễ về lễ trăng non và về các ngày lễ trọng thể biệt ra thánh cho Đức Giê-hô-va; lại dâng các của lễ của mỗi người lạc ý dâng cho Đức Giê-hô-va. Từ ngày mồng một tháng bảy, chúng khởi dâng những của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va; nhưng chưa có xây nền đền thờ của Đức Giê-hô-va.”
Tất cả những gì luật pháp và mạng lệnh của Đức Chúa Trời đòi buộc, họ đều vâng lời, thực hiện cách tuyệt đối. Họ làm theo Lời Chúa đã truyền cho dân Do Thái lưu đày, thực hiện và dâng hiến các của lễ, như luật định một cách vui lòng. Công việc kế tiếp là: mua sắm vật liệu xây dựng, cùng với việc trang trải những khoản chi tiêu, thanh toán tiền công cho những người dân Si-đôn và Ty-rơ. Đây là những người chặt những cây gỗ bá hương nổi tiếng của Li-ban, và thả các khúc gỗ xuống từ biển Li-ban đến biển Gia-phô, nằm ngay phía sau Tel Aviv ngày nay. Sau đó di chuyển bằng đường bộ đến Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra, thuê những người thợ cắt đá, tuy không nhiều như lúc Sa-lô-môn xây cất đền thờ đầu tiên, với 80 ngàn người, “Trong số đó người đặt bảy vạn người làm kẻ khiêng gánh, tám vạn người đẽo đá trên núi, và ba ngàn sáu trăm người đốc công, đặng sai khiến dân chúng làm việc” (II Sử-ký 2:18). Có thể vì một số đá từ đống đổ nát của đền thờ đầu tiên đã được tái sử dụng. Nhìn chung, dân Do Thái hồi hương đã cùng nhau thực hiện sự thờ phượng và phục vụ đền thờ Đức Chúa Trời trong tinh thần hiệp nhất và vui lòng.
Bài Học Ứng Dụng
Những người Do Thái hồi hương đã tôn trọng và tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời cách nghiêm túc. Những cụm từ “y như đã chép” và “theo như số đã định” nói lên tấm lòng vâng phục trọn vẹn của con dân Chúa đối với tính chất tuyệt đối của luật lệ Môi-se và điều răn của Đức Chúa Trời. Dầu trải qua bao thời gian, “vật đổi, sao dời” và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng Lời của Đức Chúa Trời vẫn còn y nguyên. Chính Đức Chúa Jêsus đã khẳng định, “Trời đất sẽ qua, nhưng Lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi” (Ma-thi-ơ 24:35). Chúng ta có thể đặt trọn lòng tin cậy vào Lời của Đức Chúa Trời vì, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan” (Thi-thiên 19:7). Tiên tri Ê-sai cũng đã xác chứng, “Mọi xác thịt giống như cỏ, nhan sắc nó như hoa ngoài đồng. Cỏ khô, hoa rụng, vì hơi Đức Giê-hô-va thổi qua. Phải, dân nầy khác nào cỏ ấy: cỏ khô, hoa rụng; nhưng Lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!” (Ê-sai 40: 6b-8).
Không riêng dân Do-Thái hồi hương nhưng với chúng ta là tín nhân Đấng Christ có thể đặt lòng tin trọn vẹn nơi Lời của Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Thành Tín với những gì mà Đức Chúa Trời đã phán dạy. Chúng ta đừng mặc cả hay biện bạch nữa, nhưng chỉ vâng lời làm theo “y như Lời Ngài đã phán”. Tin rằng, Đức Chúa Trời rất vui lòng thăm viếng, ban phước cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn thể Hội Thánh cách dư dật.
Những người Do Thái hồi hương trở về, đã dâng hiến các của lễ lên cho Đức Chúa Trời trong tinh thần vui vẻ và sẵn lòng. Họ thật sự học được bài học của sự bất tuân đã dẫn họ đến sự lưu đày trong suốt thời gian qua. Họ cũng nhận biết sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời, đã ban cho họ cơ hội để quay trở lại, trong mối liên hệ với Ngài. Vì vậy, dân sự Chúa cần phải trở lại sự vâng lời vô điều kiện đối với luật pháp của Môi-se.
Mỗi tín nhân phải bày tỏ tinh thần hiệp nhất với những tín hữu khác, khi mong đợi cùng hầu việc Chúa có hiệu quả.
Sự hiệp nhất hay “đồng một tâm tình” là điều kiện “ắt có và đủ” khi con dân Chúa ao ước thực hiện và hoàn tất bất cứ một công tác nào cho Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu không có tinh thần nầy, dầu cho có cố gắng đến đâu và dùng mọi nổ lực của con người để làm công việc Chúa, đều sẽ thất bại. Dù cho có kết quả đi chăng nữa thì cũng chỉ tạm thời, không trường tồn. Hiệp một ở đây không có nghĩa tất cả mọi người phải giống nhau, nhưng dầu khác biệt về cá tính hay khả năng, vì mỗi cá nhân tín hữu là những “chi thể” trong cùng một thân thể, mà chính Đấng Christ làm đầu. Cho nên, chúng ta phải hiệp nhất và đối xử nhau trong sự thành thật, như sự dạy dỗ của Sứ Đồ Phao-lô, “… nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương” (Ê-phê-sô 4:15-16).
Dầu có sự khác biệt nhau như vậy, nhưng tất cả mọi người đều có cùng một tâm tình và ý hướng trong công tác hầu việc Chúa. Sự hiệp một nầy đòi hỏi sự khiêm nhường và tinh thần tôn trọng người khác, mà chính Chúa Cứu Thế Giê-xu là tấm gương cho chúng ta noi theo. Sự hiệp một nầy nói lên tính chất đồng nhất trong mọi quyết định dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, Sứ đồ Phao-lô đã khuyên chúng ta như sau:“Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:1-3).
Tinh thần hiệp một đang có trong Hội Thánh chúng ta sinh hoạt hay không? Nếu chưa, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và chính mỗi chúng ta phải là những nhân tố, góp phần vào trong sự hiệp nhất ấy, để rồi cùng nhau trong tinh thần thờ phượng, phục vụ Chúa sẽ đem tình yêu của Chúa đến cho những người chưa biết Ngài và danh Chúa được tôn cao. A-men.
Câu Hỏi Áp Dụng
- Tinh thần hiệp một có thực sự xảy ra trong Hội Thánh nơi Bạn đang sinh hoạt hay không? Hãy kể ra vài thí dụ cụ thể những kết quả của Hội Thánh bạn gặt hái được nhờ vào tinh thần hiệp một của con dân Chúa. Điều gì làm mất đi tinh thần hiệp một của con dân Chúa ngày hôm nay?
- Bàn thờ Đức Chúa Trời ở trong lòng bạn đang ở trong tình trạng nào? Có còn được tiếp tục sử dụng hay bị hoang phế lâu rồi? Bạn thấy mình cần phải xây sửa lại hay không?
- Tinh thần dâng hiến của con dân Chúa như thế nào để Đức Chúa Trời vui nhậm? Bạn dâng hiến cho Ngài trong tinh thần nào: dâng cách miễn cưỡng vì bị bắt buộc hay với tấm lòng biết ơn nên vui vẻ lạc hiến? Của lễ nào bạn có thể dâng lên Đức Chúa Trời hằng ngày? Những khó khăn hay trở ngại nào mà bạn phải đối diện trong sự dâng hiến? Theo kinh nghiệm cá nhân, bạn làm sao để vượt qua những trở lực ấy?
Cầu xin Đức Chúa Trời vùa giúp để chúng ta biết rằng tất cả những điều mà chúng ta có được, đều nhận được từ Đức Chúa Trời, và dâng hiến cho Ngài là dâng những gì mà chúng ta nhận từ nơi Ngài, với tấm lòng biết ơn mà thôi. A-men.