Bài 5
LÒNG NHIỆT THÀNH DÂNG HIẾN
ĐỂ TÁI THIẾT ĐỀN THỜ
Ê-xơ-ra 2: 68-70
68 Có nhiều trưởng tộc, khi đã đến đền thờ của Ðức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem, thì dâng những của lễ lạc ý cho nhà Ðức Chúa Trời, để xây cất nó lại chỗ cũ. 69 Tùy theo sức mình, chúng dâng vào kho của cuộc xây cất đến sáu mươi mốt ngàn đa-riếc vàng, năm ngàn min bạc, và một trăm bộ áo thấy tế lễ. 70 Vậy, những thầy tế lễ, người Lê-vi, mấy người dân, người ca hát, kẻ giữ cửa, những người phục dịch trong đền thờ, và cả dân Y-sơ-ra-ên, thảy đều ở trong bổn thành mình.
Giải Nghĩa
Đoạn 2 là văn kiện liệt kê danh sách tên, họ và quê quán của những người Do thái hồi hương. Họ là con cháu của dân tỉnh Giu-đa, bị Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, bắt dẫn qua làm phu tù tại Ba-by-lôn; những người bị lưu đày đó nay được trở về Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa, mỗi người về trong thành mình.
Trước khi học câu 68, chúng ta xem lại câu 64-67,
“Cả hội chúng đếm được bốn vạn hai ngàn ba trăm sáu mươi người, chẳng kể những tôi trai tớ gái; số chúng nó là bảy ngàn ba trăm ba mươi bảy. Cũng có hai trăm người nam nữ ca hát theo cùng họ nữa. Chúng có bảy trăm ba mươi sáu con ngựa, hai trăm bốn mươi lăm con la, bốn trăm ba mươi lăm con lạc đà, và sáu ngàn bảy trăm hai mươi con lừa” (Ê-xơ-ra 2: 64-67).
Những câu này cho thấy người Do thái hồi hương, sau thời gian dài sống ở xứ người, nay trở về lại quê hương với của cải và sự giàu sang. Tuy nhiên, họ mong mỏi được thờ phượng Đức Chúa Trời tại quê hương, mà trước đây họ xa vắng sự thờ phượng trong đền thờ Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy nghe tâm trạng của họ qua Thi Thiên 137, “Chúng tôi đương ngồi trên mé sông Ba-by-lôn, bèn nhớ lại Si-ôn, và khóc. Chúng tôi treo đàn cầm chúng tôi trên cây dương liễu của sông ấy. Vì ở đó những kẻ bắt chúng tôi làm phu tù. Có bảo chúng tôi hát xướng; kẻ cướp giựt chúng tôi có đòi chúng tôi hát mừng, mà rằng: Hãy hát cho chúng ta một bài ca của Si-ôn. Trên đất ngoại bang, Chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va? Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi! Nếu ta không nhớ đến ngươi, chẳng thích Giê-ru-sa-lem hơn sự vui vẻ nhất của ta, nguyện lưỡi ta dính nơi ổ gà!” (Thi thiên 137:1-6).
Chúng ta thấy được đời sống hạnh phúc không chỉ là mọi vật chất trên đời mà thôi, nhưng còn có những nhu cầu tâm hồn và tâm linh cần phải được thỏa nguyện nữa. Yếu tố quan trọng là đời sống tâm linh cần phải được sung mãn. Sự sung mãn đó chỉ có được qua mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời thông qua Đức Chúa Jêsus Christ, nhất là đối với dân sự của Chúa thể hiện qua sự thờ phượng Đức Chúa Trời tại đền thờ của Ngài.
2:68. “Có nhiều trưởng tộc, khi đã đến đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem, thì dâng những của lễ lạc ý cho nhà Đức Chúa Trời, để xây cất nó lại chỗ cũ”. Điều này chứng tỏ là mọi người đều rất nhiệt tình và chân thành, tự nguyện dâng hiến những tài vật (nhiều nhất có thể) tùy theo khả năng của mình; mặc dù số lượng của mỗi cá nhân khác nhau, nhưng mọi người đều đã dâng hiến cách rời rộng, vì công tác tái thiết đền thờ cần mọi nỗ lực với sự hợp tác của mọi người.
2:69. “Tùy theo sức mình, chúng dâng vào kho của cuộc xây cất đền sáu mươi mốt ngàn đa-riếc vàng, năm ngàn min bạc, và một trăm bộ áo thầy tế lễ”. Ở đây chúng ta được nghe nhắc đến vài đơn vị đo lường.
- Đa-riếc là tiền vàng, đơn vị đo lường của xứ Phe-rơ-sơ Mê-đi. 1 đa-riếc nặng khoảng 2/10 lượng; số vàng 500 kg này tính ra khoảng 61.000 đa-riếc hay tương đương với 1.100 cân Anh.
- Min hay Mina: 1 min hay mina nặng 1.2 cân Anh hay Pound. Như vậy số bạc lên đến gần 3 tấn đã được chiết tính từ 5.000 Mina.
- 100 bộ lễ phục cho các thầy tế lễ.
Cho nên tùy theo từng bản dịch Kinh Thánh khác nhau, đã chọn những đơn vị đo lường và đôi khi chúng ta thấy khó nghiên cứu; nhưng ít ra chúng ta cũng thấy được rằng, dân sự của Chúa trở về đã dâng hiến góp phần vào trong công tác tái xây dựng đền thờ với một số tiền rất lớn.
2:70. “Vậy, những thầy tế lễ, người Lê-vi, mấy người dân, người ca hát, kẻ giữ cửa, những người phục dịch trong đền thờ, và cả dân Y-sơ-ra-ên, thảy đều ở trong bổn thành mình”. Dân sự của Đức Chúa Trời trở về, không những định cư tại thành Giê-ru-sa-lem mà thôi, nhưng một số người khác cũng đã trở về nguyên quán của mình để bắt đầu một đời sống mới.
Bài Học Ứng Dụng
Tấm lòng của mỗi tín nhân Đấng Christ cần được biến đổi trước khi có thể góp phần vào sự dâng hiến cho Đức Chúa Trời, vì sự dâng hiến phản ánh tấm lòng biến đổi.
Bài học Thánh Kinh hôm nay cho thấy sự hào phóng của những người Do Thái hồi hương không chỉ đơn thuần là hoàn thành nghĩa vụ mà thôi, nhưng nó bắt đầu từ một tấm lòng đã được biến đổi, sau khi trải nghiệm hậu quả đau thương của sự bất tuân và lưu đày. Họ nhận ra tầm quan trọng của thứ tự ưu tiên cho công việc và sự thờ phượng Đức Chúa Trời của họ. Sự dâng hiến phải được đặt lên trên sự thoải mái và thuận tiện cá nhân. Như lời khuyên của sứ đồ Phao-lô, “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7).
Tinh thần dâng hiến cách rộng rãi và hy sinh, được những người Do Thái hồi hương không chỉ góp phần trong công tác sửa sang lại đền thờ và tường thành Giê-ru-sa-lem mà thôi, nhưng còn để phục hồi sự thờ phượng ở Giê-ru-sa-lem nữa. Đó chính là một tấm gương sáng cho tín nhân Đấng Christ ngày nay, cũng như tín nhân trong mọi thời đại noi theo. Những người Do Thái hồi hương hiểu rằng, khả năng dâng hiến cách rộng rãi của họ là kết quả của ân điển và sự chu cấp của Đức Chúa Trời. Họ đền đáp lại sự thành tín của Ngài bằng sự dâng hiến hy sinh, nhìn nhận rằng mọi điều họ có là thuộc về Đức Chúa Trời, và dâng hiến là dâng lại những gì đã nhận được từ nơi Ngài mà thôi. Vua Đa-vít đã cho tấm gương về tấm lòng biết ơn Chúa của một người nhận được những điều từ nơi Đức Chúa Trời và khả năng dâng hiến lại cho Ngài, khi vua cầu nguyện rằng, “Nhưng chúng tôi là ai, và dân sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa. Vì chúng tôi tại trước mặt Chúa vốn là kẻ lạ, và kẻ ở đậu như các tổ phụ chúng tôi; các ngày chúng tôi tại trên đất, khác nào cái bóng, không mong ở lâu được.” (I Sử ký 29:14-15).
Chúng ta có thể dâng hiến một cách vui lòng một khi chúng ta nhận biết rằng, Đức Chúa Trời là Đấng sở hữu tất cả mọi sự, và mọi sự đều thuộc về Ngài. Chúng ta chỉ là quản gia của Ngài, và những điều chúng ta dâng là dâng lại những điều mà chúng ta đã nhận được từ nơi Ngài mà thôi. Một khi lòng chúng ta hướng về Chúa với tấm lòng biết ơn, và nhận biết Ngài làm chủ cuộc đời của mình trong tất cả mọi sự, thì chúng ta có thể hầu việc Chúa một cách vui lòng, và dâng hiến cách rộng rãi như điều Ngài muốn, bên cạnh đó sự dâng hiến hy sinh là một hành động thờ phượng, đền đáp lại ân điển của Đức Chúa Trời, và bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với sự thành tín và chu cấp của Ngài; như lời khuyên của sứ đồ Phao-lô, “Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu” (II Cô-rinh-tô 8:9).
Qua bài học hôm nay, các trưởng tộc, các thầy tế lễ hay chủ gia đình đã đến đền thờ của Đức Giê-hô-va, dâng những của lễ lạc ý cho nhà Đức Chúa Trời. Họ đã vui lòng dâng hiến cách rời rộng, để góp phần tái xây dựng đền thờ. Đây là một tấm gương sáng mà chúng ta nên noi theo.
Trải qua bao năm tháng lưu đày nhọc nhằn, giờ đây họ đã có đầy đủ mọi sự, an toàn và thoải mái, họ có quyền cho mình được hưởng thụ và cũng dễ quên ơn Đức Chúa Trời. Nhưng trái lại, họ đã đáp ứng tiếng gọi của Chúa, chấp nhận thách thức, rời khỏi vùng an toàn, cùng với cả gia đình phục vụ Chúa. Họ không về tay không và không đến với Đức Chúa Trời bằng tay không; nhưng dâng cho Đức Chúa Trời một cách rộng rãi và vui long, vì biết mọi điều mình có là đến từ Chúa.
Ngày nay thái độ của chúng ta có xem tài vật mình có là của Đức Chúa Trời ban cho, hay tự phụ tự mãn cho rằng đây là những thành quả của chúng ta đạt được. Chúng ta có nhìn nhận ân sủng của Đức Chúa Trời đã ban cho mọi sự, với tấm lòng biết ơn, để vui lòng hầu việc Ngài hay không? Tin chắc rằng Ngài vui nhận những của lễ mà chúng ta dâng lên cho Ngài. Với tấm lòng biết ơn và tôn ngợi danh thánh của Ngài. Sứ đồ Phao-lô đã xác chứng điều này, “Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vị ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng. Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành” (II Cô-rinh-tô 9:6-8).
Câu Hỏi Áp Dụng
Điều gì thúc đẩy chúng ta dâng hiến cho công việc của Đức Chúa Trời và thái độ của chúng ta phù hợp với các nguyên tắc rộng lượng của Kinh Thánh như thế nào?
- Trong những phương diện nào chúng ta có thể hy sinh các nguồn tài nguyên như năng lực, thời giờ và tài năng của mình để mở mang vương quốc của Đức Chúa Trời và nhu cầu của những người khác?
- Làm thế nào chúng ta có thể ưu tiên các mục đích cho vương quốc Đức Chúa Trời hơn lợi ích cá nhân và đầu tư nguồn năng lực của mình vào kho tàng vĩnh cửu, thay vì những thú vui tạm thời của trần thế?
- Sự dâng hiến của chúng ta có phản ảnh tấm lòng thờ phượng và biết ơn đối với sự thành tín và sự chu cấp của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của chúng ta như thế nào?
- Chúng ta có sẵn lòng tin cậy Đức Chúa Trời với tài chính của chúng ta và bước ra trong đức tin. Chúng ta có tin rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp cho mọi nhu cầu của chúng ta khi chúng ta ưu tiên cho vương quốc của Ngài hay không?
Cầu xin Chúa giúp chúng ta áp dụng bài học này để có thể hầu việc Chúa, dâng hiến rời rộng với lòng biết ơn, vì chính Ngài là Chủ và chúng ta là những quản gia của Ngài. Hầu cho Danh Chúa được đồn ra, nhiều người biết đến Chúa, Vương Quốc của Ngài được mở rộng và Nước Ngài mau đến. A-men.