Bài 4
KIỂM KÊ DÂN SỐ KHI NGƯỜI DO THÁI HỒI HƯƠNG
Ê-xơ-ra 2:1-4, 64-70
1 Trong con cháu các dân tỉnh Giu-đa bị Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, bắt dẫn qua Ba-by-lôn, nầy những người bị đày đó trở lên Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa, mỗi người về trong thành mình, 2 có Xô-rô-ba-bên, Giê-sua, Nê-hê-mi, Sê-ra-gia, Rê-ê-la-gia, Mạc-đô-chê, Binh-san, Mít-bạt, Biết-vai, Rê-hum và Ba-a-na dẫn dắt. Vậy, nầy là sổ dựng những người nam của Y-sơ-ra-ên. 3 Họ Pha-rốt, hai ngàn một trăm bảy mươi hai; 4 họ Sê-pha-ti-a, ba trăm bảy mươi hai;
64 Cả hội chúng đếm được bốn vạn hai ngàn ba trăm sáu mươi người, 65 chẳng kể những tôi trai tớ gái; số chúng nó là bảy ngàn ba trăm ba mươi bảy. Cũng có hai trăm người nam nữ ca hát theo cùng họ nữa. 66 Chúng có bảy trăm ba mươi sáu con ngựa, hai trăm bốn mươi lăm con la, 67 bốn trăm ba mươi lăm con lạc đà, và sáu ngàn bảy trăm hai mươi con lừa. 68 Có nhiều trưởng tộc, khi đã đến đền thờ của Ðức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem, thì dâng những của lễ lạc ý cho nhà Ðức Chúa Trời, để xây cất nó lại chỗ cũ. 69 Tùy theo sức mình, chúng dâng vào kho của cuộc xây cất đến sáu mươi mốt ngàn đa-riếc vàng, năm ngàn min bạc, và một trăm bộ áo thấy tế lễ. 70 Vậy, những thầy tế lễ, người Lê-vi, mấy người dân, người ca hát, kẻ giữ cửa, những người phục dịch trong đền thờ, và cả dân Y-sơ-ra-ên, thảy đều ở trong bổn thành mình.
Giải Nghĩa
Chúng ta không đọc hết nguyên đoạn 2, vì đoạn 2 của sách Ê-xơ-ra là văn kiện liệt kê danh sách tên họ và quê quán của những người hồi hương là “con cháu các dân tỉnh Giu-đa bị Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, bắt dẫn qua Ba-by-lôn … nầy những người bị đày đó trở lên Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa, mỗi người về trong thành mình”.
2:1. Danh sách và và số liệu trong Ê-xơ-ra đoạn 2 tương đương với Nê-hê-mi 7:6-73. Dầu vậy, giữa hai danh sách nầy có những chi tiết không hoàn toàn giống nhau, cho thấy những sai sót xảy ra trong tiến trình sao chép từ nguyên bản. Những người hồi hương được kiểm tra lại, theo từng gia đình, thuộc họ hàng nào và sinh quán thuộc bổn thành nào. Những ai xác chứng được gia tộc và sinh quán thì được định cư nơi bổn thành mình, tuy thế, vẫn có những người trở về nhưng không chứng minh được gia thế của mình, như trường hợp của “những người ở Tên-Mê-la. Tên-Hạt-sa, Kê-rúp-A-đan, và Y-mê trở lên, không thể nói rõ gia tộc và phổ hệ mình, đặng chỉ rằng mình thuộc về dòng dõi Y-sơ-ra-ên hay chăng” (c.59). Trong số đó có những người kê khai mình thuộc về dòng dõi thầy tế lễ, nhưng vì lý lịch không rõ ràng, nên họ không thể xác minh được gia tộc hay phổ hệ, thì phải chờ đợi và bị cấm ăn những vật chí thánh, “Quan tổng đốc cấm chúng ăn những vật chí thánh cho đến chừng nào có thầy tế lễ cậy U-rim và Thu-mim mà cầu hỏi Đức Chúa Trời” (c.63).
2:2-20. Danh bộ những gia đình hồi hương, định cư tại Giê-ru-sa-lem. Tên và số liệu của gia đình hồi hương về Giê-ru-sa-lem, vì có lẽ trước đây, Giê-ru-sa-lem là nơi họ đã sinh sống.
2:21-35. Danh bộ những gia đình hồi hương, định cư những nơi khác tại Giu đa. Bên cạnh đó, một số người khác trở về quê quán của họ là những thành khác hơn là Giê-ru-sa-lem.
2:36-42. Danh bộ các thầy tế lễ và người Lê-vi. Số thầy tế lễ trở về là 4.289 hay khoảng 1/10 số người hồi hương. Bên cạnh đó, Nê-hê-mi 12:1-9 cho biết thêm những chi tiết về các thầy tế lễ.
Người Lê-vi là những người cũng đã được biệt riêng ra trong trách nhiệm phụ giúp các thầy tế lễ, dạy luật pháp hay phục vụ trong đền thờ (Nê-hê-mi 8:7-9). So với số thầy tế lễ trở về thì người Lê-vi quá ít, mặc dầu trước đây, dưới thời của vua Đa-vít, thì đã có lúc lên đến 24.000 người Lê-vi phục vụ trong đền thờ và công tác thờ phượng (I Sử ký 23:4).
Người ca hát là những người cũng thuộc dòng dõi Lê-vi, họ có trách nhiệm trong công tác ca ngợi Đức Chúa Trời với các nhạc cụ (I Sử ký 15:16). Lần hồi hương nầy chỉ có 128 người so với 4.000 người trong đền thờ dưới thời vua Sa-lô-môn (I Sử ký 23:5).
Người canh cửa cũng là những người Lê-vi. Trong I Sử 26:1-19 cho thấy họ có trách nhiệm bảo vệ và ngăn chận những người không có trách nhiệm vào những nơi cấm trong đền thờ. Lần nầy, chỉ 139 người so với 4.000 trong thời vua Sa-lô-môn (I Sử ký 23:5).
2:43-50. Danh bộ người Nê-thi-nim, những người phục dịch là các người phục vụ đền thờ, họ là những con cháu thuộc dòng dõi người Ga-ba-ôn. Họ đã dùng mưu chước làm như là dân ở thật xa, đi mất nhiều ngày đường mới đến được cùng Giô-suê và xin được lập giao ước với dân Do thái để khỏi bị tàn diệt, khi dân sự của Chúa chiếm lấy đất hứa. Nhưng sau đó, Giô-suê khám phá đã bị người Ga-ba-ôn đánh lừa, nhưng vì giao ước nên không thể giết họ, thế nên họ bị rủa sả ‘không dứt làm tôi mọi, cứ đốn củi và xách nước cho nhà của Đức Chúa Trời ta” (Giô-suê 9:23). Từ đó, người Ga-ba-ôn và dòng dõi tiếp tục, được giao cho nhiệm vụ phụ giúp những người Lê-vi trong công việc đền thờ, ‘…làm kẻ đốn củi và xách nước cho hội chúng và cho bàn thờ của Đức Giê-hô-va tại trong nơi Ngài chọn lựa: ấy là điều dân đó hãy còn làm đến ngày nay” (Giô-suê 9:27). Như thế, người Nê-thi-lim phục dịch trong đền thờ, khác hơn những chức dịch của các thầy tế lễ và những người Lê-vi.
2: 55-58. Danh bộ các con của tôi tớ Sa-lô-môn – được kể chung với người Nê-thi-nim và tổng số là 392 người. Các tôi tớ Sa-lô-môn có thể là những người dân sống trong vùng Ca-na-an như dân A-mô- rít, Hê-tít, Phê-rê-sít, Hê-vít và Giê-bu-sít. . . đã được mướn trong công việc xây cất đền thời dưới thời Sa-lô-môn, “Vua Sa-lô-môn chiêu mộ trong cả Y-sơ-ra-ên những người làm xâu, số là ba vạn người” (ICác Vua 5:13).
Bài Học Ứng Dụng
Tín nhân Đấng Christ cần sống và thi hành luật pháp Đức Chúa Trời cách nghiêm túc mặc dầu hoàn cảnh sống như thế nào đi chăng nữa.
Đức Chúa Trời cho thấy sự thánh khiết tuyệt đối của Ngài và con người cần đáp ứng cách triệt để qua sự vâng lời. Điều nầy áp dụng cho tất cả mọi người, không riêng gì trong trường hợp của các thầy tế lễ hay những người trong hàng ngũ lãnh đạo mà thôi. Đức Chúa Trời đã truyền phán. “Các ngươi hãy giữ làm theo những luật pháp Ta: Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng làm cho các ngươi nên thánh” (Lê vi ký 20:8).
Một trong những điều con dân Ngài thể hiện sự vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời là sự biệt riêng ra thánh cho Ngài. Nếu điều nầy áp dụng triệt để cho dân sự của Đức Chúa Trời, thì đối cùng các thầy tề lễ càng đòi buộc càng hơn. Thế nên, các biên sử gia phả trong Ê-xơ-ra 2, làm nổi bật quyền tể trị của Đức Chúa Trời, trong việc bảo tồn dòng dõi của dân sự Ngài và làm tròn các mục đích của Ngài. Lời hứa của Đức Chúa Trời rằng, Ngài sẽ bảo tồn dòng dõi của Đa-vít cùng đảm bảo sự liên tục của dòng dõi Đấng Mê-si-a. Đức Chúa Trời hứa với Đa-vít, “Khi các ngày ngươi đã mãn, và ngươi ngủ với các tổ phụ ngươi, thì Ta sẽ lập dòng giống ngươi kế vị ngươi, là dòng giống do ngươi sanh ra, và Ta sẽ khiến cho nước nó bền vững. Nó sẽ xây một đền thờ cho danh Ta, và Ta sẽ khiến cho ngôi cùng nước nó vững bền đời đời. Ta sẽ làm Cha nó, nó sẽ làm con Ta. Nếu nó phạm tội ác, tất Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi và thương vít loài người; nhưng Ta sẽ không rút ân điển Ta khỏi nó như Ta rút khỏi Sau-lơ, là kẻ Ta đã trừ diệt khỏi trước mặt ngươi. Như vậy, nhà ngươi và nước ngươi được vững bền trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi” ( II Sa-mu-ên 7:12-16).
Qua đó, chúng ta thấy rằng bất chấp dân Y-sơ-ra-ên phải đối diện, trải qua sự lưu đày và bị phân tán, thì Đức Chúa Trời vẫn thành tín với lời hứa của Ngài trong việc bảo tồn dòng dõi của dân sự Ngài, “Ta đã lập giao ước cùng kẻ được chọn của Ta, Ta đã thề cùng Đa-vít, kẻ tôi tớ Ta, mà rằng: Ta sẽ lập dòng dõi ngươi đến mãi mãi, và dựng ngôi ngươi lên cho vững bền đến đời đời” (Thi thiên 89:3-4).
Cho dầu dân sự Chúa bị tản lạc khắp nơi, thì Lời Hứa của Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-sai rằng, Ngài sẽ quy tụ dân Ngài từ tận cùng trái đất, “Đừng sợ, vì Ta ở cùng ngươi: Ta sẽ khiến dòng dõi ngươi đến từ phương đông, và nhóm họp ngươi từ phương tây. Ta sẽ bảo phương bắc rằng: Hãy buông ra! và bảo phương nam rằng: Chớ cầm lại làm chi! Hãy đem các con trai Ta về từ nơi xa, đem các con gái Ta về từ nơi đầu cùng đất, tức là những kẻ xưng bằng tên Ta, Ta đã dựng nên họ vì vinh quang Ta; Ta đã tạo thành và đã làm nên họ” (Ê-sai 43:5-7)
Bài học Thánh Kinh hôm nay, ghi chép gia phả dân sự hồi hương là minh chứng cho sự thành tín của Đức Chúa Trời, trong việc bảo tồn dòng dõi thánh của dân sự Ngài. Cuối cùng dẫn đến việc thực hiện lời hứa của Ngài, là sai Đấng Mê-si-a đến, để hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Ngài, bên cạnh đảm bảo tính liên tục của mối liên hệ giao ước của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài.
Việc những thầy tế lễ đã không xác chứng được gia phổ mình thuộc về dòng dõi thầy tế lễ hay không, nên người ta kể họ là ô uế, và họ bị truất khỏi chức tế lễ, “Như vậy ngươi sẽ biệt riêng ra người Lê-vi với dân Y-sơ-ra-ên, và người Lê-vi sẽ thuộc về Ta… và Ta đã chọn lấy người Lê-vi thế cho mọi con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên. Bởi trong dân Y-sơ-ra-ên Ta đã chọn người Lê-vi ban trọn cho A-rôn và các con trai người, đặng làm công việc của dân Y-sơ-ra-ên ở trong hội mạc, cùng làm lễ chuộc tội cho dân Y-sơ-ra-ên, hầu cho khi họ đến gần nơi thánh, chẳng có tai hại chi trong dân Y-sơ-ra-ên” (Dân số ký 8:14; 18-19).
“Quan tổng đốc cấm chúng ăn những vật chí thánh cho đến chừng nào có thầy tế lễ cậy U-rim và Thu-mim mà cầu hỏi Đức Chúa Trời” (c.62-63), chứng tỏ những người hồi hương thể hiện sự tôn trọng và vâng lời luật pháp của Đức Chúa Trời cách nghiêm túc. Một khi chúng ta tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời và yêu mến Ngài, chúng ta sẽ vui lòng tuân giữ Lời Đức Chúa Trời cách hết lòng, không biện bạch hay mặc cả, trả giá … nhưng thực hành cách nghiêm túc.
Chúng ta cũng cần phải xác định thái độ của chúng ta đối với Lời Chúa. Có xem Kinh Thánh là ‘khuôn vàng thước ngọc’, là ‘kim chỉ nam’ cho cuộc đời của mình hay không? Nếu có, thì chúng ta có thể hiện lòng yêu mến Chúa, bằng cách áp dụng và vâng giữ Lời Ngài cách tuyệt đối trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta hay không? Đó chính là lý do mà Đức Chúa Jêsus đã khẳng định mực độ dùng để đo lường lòng yêu mến Chúa của con dân Ngài, “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn Ta” (Giăng 14:15), và “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ Ta” (Giăng 13:34-35).
Sứ đồ Giăng đã xác chứng rằng, lòng yêu mến anh chị em tín hữu cũng phát sinh từ tấm lòng yêu mến Chúa, qua sự vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, “Ai tin Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, thì sanh bởi Đức Chúa Trời; và ai yêu Đức Chúa Trời là Đấng đã sanh ra, thì cũng yêu kẻ đã sanh ra bởi Ngài. Chúng ta biết mình yêu con cái Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ vẹn các điều răn Ngài. Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (I Giăng 5:1-3).
Một khi tín nhân Đấng Christ, nương cậy vào quyền năng của Chúa Thánh Linh để học hỏi Lời Đức Chúa Trời và áp dụng, vâng giữ làm theo Lời Ngài một cách tuyệt đối. Tin rằng khi vâng giữ và làm theo Lời Chúa, phát sinh từ tấm lòng yêu mến Lời của Ngài, chắc chắn sẽ trải nghiệm được phước hạnh mà vua Đa-vít đã xác chứng, “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng” (Thi thiên 1:1-3).
Câu Hỏi Áp Dụng
- Gia đình của chúng ta gồm có cha mẹ, con cái, đã có cùng một niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Jêsus hay chưa? Cả gia đình của chúng ta vẫn còn giữ vững niềm tin vào Đức Chúa Trời và phục sự Ngài chứ?
- Chúng ta đang đặt thứ tự ưu tiên vào vấn đề gì? Nếu vấn đề tâm linh là quan trọng hàng đầu, thì chúng ta có kế hoạch thực hiện như thế nào trong sinh hoạt gia đình lễ bái, cùng đi thờ phượng Chúa, cùng tham dự những chương trình truyền giáo ngắn hạn . v.v . ?
- Thái độ của chúng ta đối với Lời Chúa, có xem Kinh Thánh là ‘khuôn vàng thước ngọc’, là ‘kim chỉ nam’ cho cuộc đời mình không? Nếu có, thì chúng ta có thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng cách áp dụng và vâng giữ Lời Ngài trong cuộc sống hằng ngày của mình hay không?
- Thái độ của chúng ta đối với gia tài, sản nghiệp, tài vật của mình như thế nào? Có cho rằng ‘bàn tay ta làm nên tất cả’ và tự hào về thành quả mà mình đạt được hay không? Chúng ta có nhìn nhận tất cả đều do Đức Chúa Trời ban cho và Ngài đặt để chúng ta làm người quản lý cho Ngài không?
- Chúng ta có bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời qua sự dâng hiến cách rộng rãi và vui lòng không? Hãy khám phá phước hạnh và lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho những ai làm theo mạng lệnh của Ngài (Ma la chi 3:10).
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta không những chỉ biết thôi nhưng thật sự trải nghiệm được phước hạnh mà Chúa ban cho mỗi ngày. A-men.