Bài 1
Hồi hương lần thứ nhất dưới thời Xô-rô-ba-bên (Ê-xơ-ra 1:1 – 6:22).
CHỈ DỤ HỒI HƯƠNG CỦA VUA SI-RU
Ê-xơ-ra 1:1- 4
1Năm thứ nhất đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ trị vì, Đức Giê-hô-va muốn làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, nên Ngài cảm động lòng Si-ru, vua Phe-rơ-sơ tuyên truyền trong khắp nước mình, và cũng ra sắc chỉ rằng: 2 Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. 3 Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, đặng cất lại đền thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vẫn ngự tại Giê-ru-sa-lem. Nguyện Đức Chúa Trời người ấy ở cùng người! 4 Hễ dân Giu-đa còn sót lại, mặc dầu ở đâu, thì bổn dân của nơi họ ở, phải tiếp trợ họ bằng bạc, vàng, của cải, súc vật, không kể những của lễ lạc hiến về đền của Đức Chúa Trời ở tại Giê-ru-sa-lem.
Giải Nghĩa
Phân đoạn Kinh Thánh Ê-xơ-ra 1:1-3 mà chúng ta học hôm nay tương tự với II Sử Ký 36:32-33. Cả 2 phân đoạn Kinh Thánh giống nhau nầy cho chúng ta biết bối cảnh lịch sử của dân Do Thái trước và sau khi bị lưu đày, cùng hoàn cảnh hồi hương của con dân Chúa liên quan đến dòng dõi Vua Đa-vít, chức tế lễ của A-rôn và sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền thánh.
Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương, đầy lòng nhân từ và thành tín trong việc giữ những Lời Hứa mà Ngài đã kết ước cùng con dân Chúa trong mọi thời đại. Nhưng bên cạnh đó, Đức Chúa Trời cũng là Đấng rất nghiêm túc trong việc ban thưởng phước hạnh dư dật, khi con người tuân giữ luật pháp và mệnh lệnh của Ngài, hoặc ngược lại, con người sẽ gánh lấy những hình án, khi chối bỏ và không tuân theo giới răn của Đức Chúa Trời ban hành.
Nhìn lại lịch sử của tuyển dân Do Thái, ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se truyền lại cho con dân Chúa Lời Hứa của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ ban những phước lành khi họ vâng giữ luật pháp, thờ phượng và phụng sự Đức Chúa Trời; một khi dân sự bội ước, xây bỏ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ gánh lấy rủa sả, kể cả việc bị ngoại xâm và bắt làm phu tù, lưu đày nơi xứ người. Nhưng dầu trong cảnh lưu đày, khi dân sự trở lại cùng Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ “đem những phu tù trở về, nhóm họp họ từ giữa các dân” bởi sự thương xót cả thể của Ngài (Phục Truyền 30:3).
Sách Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi đã ghi lại biến cố sau thời kỳ lưu đày mà dân Y-sơ-ra-ên đã bị Nê-bu-cát-nết-xa, vua Ba-by-lôn, bắt cả vua lẫn dân sự qua Ba-by-lôn làm phu tù. Đây là hậu quả xảy ra đúng theo Lời Đức Chúa Trời đã tuyên phán khi con dân Chúa đã bội ước, thờ phượng thần tượng ngoại bang thay vì Đức Chúa Trời, và họ đã làm điều ác trước mặt Ngài.
1:1. “Năm thứ nhất đời Si-ru” nhằm năm 538 T.C., vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ Mê-đi, trị vì từ năm 550-530 T.C., Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm Lời Ngài qua các Đấng tiên tri.
(a) Ngài đã dùng tiên tri Giê-rê-mi phán trước về sự suy sụp của đế quốc Ba-by-lôn bởi tay vua Si-ru thuộc đế quốc Phe-rơ-sơ Mê-đi rằng, “Khi bảy mươi năm ấy sẽ mãn, Ta sẽ phạt vua Ba-by-lôn và dân người, vì cớ tội ác chúng nó. Ta sẽ phạt xứ người Canh-đê và biến thành một nơi hoang vu đời đời (Giê-rê-mi 25:12).
(b) Đức Chúa Trời cũng dùng tiên tri Giê-rê-mi phán trước về sự hồi hương của những người Do Thái, sau 70 năm lưu đày bởi tay người Canh-đê, “Vả, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Khi bảy mươi năm sẽ mãn cho Ba-by-lôn, Ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất nầy” (Giê-rê-mi 29:10). Tiên tri Ê-sai cũng nói về vua Si-ru và việc tái xây dựng đền thờ rằng, “Nó là người chăn chiên của Ta; nó sẽ làm nên mọi sự Ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ được lập lại, và phán về đền thờ rằng: Nền ngươi sẽ lại lập” (Ê-sai 44:28).
Vậy nên, các lời tiên tri đã thực sự ứng nghiệm vào năm 538 T.C., khi Đức Chúa Trời cảm động lòng vua Si-ru ra sắc chỉ và công bố sứ mệnh mà Đức Chúa Trời ủy thác cho mình.
1:2-4. Đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên tình cờ xảy ra trong lịch sử dân Chúa, nhưng là một chứng cớ của sự tể trị và sự thành tín của Đức Chúa Trời khi Ngài thiết lập giao ước cùng Áp-ra-ham, “Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:1-3).
“Ngài cảm động lòng Si ru” cho thấy quyền năng tể trị của Đức Chúa Trời hành động trên con người. Thần Linh của Đức Chúa Trời đã vận hành và bắt phục lòng người làm theo ý muốn của Ngài. Đức Chúa Trời có thể làm được mọi sự không cần chúng ta nhúng tay vào, nhưng Ngài vui lòng sử dụng con người làm công cụ để thực hiện và hoàn tất chương trình của Ngài. Chính trong trường hợp của biến cố lịch sử này, thì Đức Chúa Trời cũng đã dùng bàn tay của vua ngoại bang – vua Si-ru, để hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời trên tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Thánh Kinh xác nhận cho chúng ta thấy rõ điều này, “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn” (Châm Ngôn 21:1).
Một sự kiện lịch sử khác minh chứng cho sự tể trị của Đức Chúa Trời trên lịch sử con người, qua lời tuyên bố của Đa-ni-ên rằng, “Ngợi khen danh Đức Chúa Trời đời đời vô cùng! Vì sự khôn ngoan và quyền năng đều thuộc về Ngài. Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan, và sự thông biết cho kẻ tỏ sáng. Chính Ngài tỏ ra những sự sâu xa kín nhiệm; Ngài biết những sự ở trong tối tăm, và sự sáng ở với Ngài” (Đa-ni-ên 2:20b-22).
“Vua Phe-rơ-sơ tuyên truyền trong khắp nước mình” đây là phương cách thông tin những quyết định của nhà vua, khi sai phái một sứ giả với chiếu chỉ trong tay đến từng địa phương, người này thường đến những nơi công cộng như nơi cổng thành, chỗ dân chúng tụ tập để thảo luận những vấn nạn xã hội, hay tập hợp mọi người lại một nơi bằng cách thổi kèn, sau đó, mới tuyên đọc chiếu chỉ của nhà vua.
“…cũng ra sắc chỉ” thường thì bên cạnh việc đọc cho mọi người nghe, thì những chiếu chỉ này cũng được viết ra để lưu giữ hồ sơ sau này.
Bài Học Ứng Dụng
1. Sự Thành Tín Của Đức Chúa Trời.
Bài học hôm nay xác định cho chúng ta sự thành tín của Đức Chúa Trời cho con dân của Ngài trong mọi thời đại vẫn trường tồn và Lời Hứa của Ngài vẫn y nguyên, không bị thay đổi theo thời gian và không gian, mặc dầu hoàn cảnh hay lòng người có đổi thay đi chăng nữa, Ngài vẫn thành tín.
Thánh Kinh xác chứng rằng, “Nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được” (II Ti-mô-thê 2:13). Hãy an nghỉ trong sự thành tín của Đức Chúa Trời và nắm giữ Lời Hứa của Ngài để bước đi cách mạnh mẽ trên con đường theo Chúa và phục vụ Ngài của chúng ta, vì biết rằng,“Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt; mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm” (Ca Thương 3: 22-23).
2. Sự Tể Trị Của Đức Chúa Trời.
Nhìn suốt lịch sử nhân loại, mọi biến cố xảy ra đều được Đức Chúa Trời cho phép, vì Ngài là Đấng cầm giữ và kiểm soát mọi việc; không có bất cứ một sự cố nào xảy ra trên thế giới này mà không qua sự hiểu biết của Ngài. Sự tể trị của Đức Chúa Trời giúp cho con dân Ngài tìm được sự tin cậy, bình an trước mọi nghịch cảnh và giông tố của cuộc đời; vì biết được Đấng đang nắm giữ tương lai mình, cho dầu chúng ta dường như không hiểu thấu được lý cớ của nó. Để khi con dân Chúa tin cậy tuyệt đối vào sự tể trị của Đức Chúa Trời trên cuộc đời cá nhân, thì sẽ tín thác trọn vẹn vào sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và tìm được sự bình an cùng sự an toàn tuyệt đối mà trần gian này không thể nào đem lại như Lời Ngài đã hứa, “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi; Ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).
3. Sự Hướng Dẫn Của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá muôn loài vạn vật, trong đó có loài người, nhưng Ngài cũng là Đấng Quan Phòng chăm sóc, dõi trông con người từng bước. Đức Chúa Trời dõi trông và hướng dẫn chúng ta bằng những cách sau đây:
a) Lời phán của Ngài trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời; nhờ Lời Ngài, chúng ta có thể biết được ý muốn tốt lành và trọn vẹn của Ngài cho cuộc đời của chúng ta, cũng như chúng ta biết cách sống thể nào để làm vui lòng Ngài.
b) Qua Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Thánh linh là Đấng đang ngự trong lòng những người tin nhận Chúa Cứu Thế Jêsus, Đức Thánh Linh soi sáng cho người tin Chúa hiểu biết được Lời Chúa, cáo trách tội lỗi và nhắc lại những Lời Hứa trong Thánh Kinh, cùng ban cho năng quyền để con dân Chúa áp dụng và làm theo Lời Ngài. Con người không thể dựa vào lương tâm để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời được, vì lương tâm con người đã bị tội lỗi làm băng hoại và không còn chính xác nữa; mặc dầu khi tạo dựng con người, Đức Chúa Trời đã dựng nên con người trong tình trạng tốt đẹp hoàn thiện, hoàn mỹ.
c) Đức Chúa Trời cũng dùng con người hoặc hoàn cảnh, sự cố xảy ra trong cuộc sống.
Để nhắc nhở và cảnh giác chúng ta những sai phạm, lỗi lầm, ngỏ hầu chúng ta ăn năn trở lại cùng Ngài cách trọn thành. Do đó, chúng ta cần bén nhạy trước tiếng nói của Chúa Thánh Linh và vâng lời, làm theo Lời Ngài cách tuyệt đối, không lần lữa hay biện bạch nữa.
Cầu xin Chúa giúp chúng ta áp dụng những điều này vào trong cuộc sống hằng ngày.
Câu Hỏi Áp Dụng
1. Xin đọc II Sử Ký 36:1-21 và tìm xem nguyên nhân nào đưa đến việc xâm lăng của Nê-bu-cát-nết-xa và đế quốc Ba-by-lôn, việc dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày qua Ba-by-lôn?
2. So sánh với Phục Truyền 28:63-68, thì Đức Chúa Trời có quá nghiêm khắc khi để cho dân sự của Ngài bị lưu đày hay không?
3. Việc Đức Chúa Trời dùng vua Si-ru để hoàn thành ý định của Ngài có làm cho bạn ngạc nhiên không? Chúng ta có thấy Đức Chúa Trời thể hiện sự thành tín của Ngài như thế nào?
4. Chúng ta kinh nghiệm gì về sự thành tín của Đức Chúa Trời trong cuộc sống hằng ngày?
5. Nhìn lại cuộc đời cá nhân, những sự việc xảy ra trong đời bạn là những chuyện ngẫu nhiên, tình cờ hay bạn nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời đang nắm giữ và hướng dẫn mỗi một chúng ta từng bước?
6. Hiểu biết về sự tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi việc, chúng ta sẽ có thái độ và phản ứng thế nào khi gặp những nghịch cảnh trong cuộc đời?
Cầu xin Đức Chúa Trời giúp mỗi một chúng ta tín thác vào sự tể trị và quan phòng của Đức Chúa Trời, trong cuộc sống hằng ngày trên con đường theo Chúa và phục vụ Ngài. A-men.
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.