Bài 2
Hồi hương lần thứ nhất dưới thời Xô-rô-ba-bên (Ê-xơ-ra 1:1 – 6:22)
VUA SI-RU CHO TÁI THIẾT ĐỀN THỜ GIÊ-RU-SA-LEM
Ê-xơ-ra 1:2-4
2Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, đặng cất lại đền thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vẫn ngự tại Giê-ru-sa-lem. Nguyện Đức Chúa Trời người ấy ở cùng người! Hễ dân Giu-đa còn sót lại, mặc dầu ở đâu, thì bổn dân của nơi họ ở, phải tiếp trợ họ bằng bạc, vàng, của cải, súc vật, không kể những của lễ lạc hiến về đền của Đức Chúa Trời ở tại Giê-ru-sa-lem.
Giải Nghĩa
1:1. “Năm thứ nhất đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ trị vì, Đức Giê-hô-va muốn làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, nên Ngài cảm động lòng Si-ru, vua Phe-rơ-sơ tuyên truyền trong khắp nước mình, và cũng ra sắc chỉ”. Chỉ dụ của vua Si-ru truyền cho dân Chúa trở về quê hương để trùng tu lại đền thờ Giê- ru- sa- lem – đây không chỉ là công tác tái xây dựng cơ sở vật chất, nhưng hơn thế nữa, dân Do Thái thiết lập lại sự thờ phượng Đức Chúa Trời, ở nơi Danh Chúa ngự và con dân Chúa thực hiện sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong sự dâng tế lễ, và cử hành những lễ nghi đúng theo luật pháp mà Đức Chúa Trời đã truyền cho dân sự Ngài qua Môi se.
1:2-3. “Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, đặng cất lại đền thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vẫn ngự tại Giê-ru-sa-lem. Nguyện Đức Chúa Trời người ấy ở cùng người!”. Vua Si-ru có được sự nhận biết về sự tể trị của Đức Chúa Trời và dân Do Thái lưu đày được ưu đãi có thể do ảnh hưởng của Đa-ni-ên.
Dựa theo Josephus, là sử gia Do Thái, thì Đa-ni-ên là thủ tướng của vua Si-ru và có thể Đa-ni-ên đã nói lại cho Si-ru lời tiên tri Ê-sai đã phán từ hơn thế kỷ trước về chương trình và ý định của Đức Chúa Trời, “phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của Ta; nó sẽ làm nên mọi sự Ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ được lập lại, và phán về đền thờ rằng: Nền ngươi sẽ lại lập” (Ê-sai 44:28) và “Bên cúi xuống; Nê-bô khom mình; tượng nó chở trên loài thú, trên súc vật. Những vật mà các ngươi vốn thường khiêng, đè nặng quá, làm cho súc vật mệt nhọc. Chúng nó cúi xuống, cùng nhau khom mình; đã chẳng cứu được gánh nặng của mình, và chính mình lại bị bắt làm phu tù. Hỡi nhà Gia-cốp, và hết thảy các ngươi là dân sót của nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe Ta, Ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ. Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, Ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải cứu các ngươi” (Ê-sai 46:1-4).
Do đó, Si-ru nhận biết rằng mọi quyền lực của mình đến từ Đức Chúa Trời của dân Do Thái và Ngài đã cảm động vua thực hành để ứng nghiệm lời tiên tri của Ngài.
Danh hiệu ‘Giê-hô-va Đức Chúa Trời’ (trong Bản Dịch Mới ‘Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời trên trời cao’ là Đức Chúa Trời của dân Do Thái và đền thờ là trung tâm thờ phượng Ngài; nhưng sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, Đức Chúa Trời không còn được nhắc đến là ‘Đấng ngự giữa hai Chê-ru-bin’ (II Sa-mu-ên 6:2). Nên người Phe-rơ-sơ có thể hiểu rằng có ‘Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên’ và Ngài cũng chỉ là một thần giữa các thần khác mà thôi. Nhưng khi dùng danh hiệu ‘Đức Chúa Trời trên trời cao’ hàm ý rằng, Đức Chúa Trời không chỉ là một thần khác, nhưng Ngài còn là Chúa Tể nữa.
Thật vậy, ‘Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên’ đã được nhìn nhận là Đấng Chí Cao có thẩm quyền tối hậu trên thế giới và là Đấng Chủ Tể, quản cai và ban mọi quyền hành cho các vua cai trị vương quốc loài người. “Song các tổ phụ chúng tôi chọc giận Đức Chúa Trời, nên Ngài phó chúng vào tay Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, là người Canh-đê; vua ấy phá hủy đền nầy và bắt dân sự đem qua Ba-by-lôn” (Ê-xơ-ra 5:12); “Phàm vật chi cần kíp, hoặc bò tơ đực, chiên đực hay là chiên con, để dùng làm của lễ thiêu dâng cho Đức Chúa trên trời; hoặc lúa mì, muối, rượu, hay là dầu, theo lời những thầy tế lễ ở tại Giê-ru-sa-lem khá giao cho họ mỗi ngày, chớ thiếu, hầu cho họ dâng những của lễ có mùi thơm cho Đức Chúa trên trời, và cầu nguyện cho sanh mạng của vua và của các vương tử” (Ê-xơ-ra 6:9-10).
“Ạt-ta-xét-xe, vua của các vua, gởi cho Ê-xơ-ra, thầy tế lễ và văn sĩ, thạo biết luật pháp của Đức Chúa trên trời. Nguyện ngươi được trọn bình an”.
“Vậy, ta là vua Ạt-ta-xét-xe ra chiếu chỉ truyền cho các quan cai kho ở bên phía kia sông rằng hễ vật gì Ê-xơ-ra, thầy tế lễ và văn sĩ, thạo biết luật pháp của Đức Chúa trên trời, sẽ cầu cùng các ngươi, các ngươi khá cần mẫn cung cấp cho”; “Phàm điều gì Đức Chúa trên trời truyền dạy về đền thờ của Ngài, khá làm cho cần mẫn, e sự tai họa giáng trên nước, trên vua, và trên các vương tử chăng” (Ê-xơ-ra 7:12, 21, 23).
Bởi vậy, vua Si-ru dùng danh hiệu nầy cho thấy ảnh hưởng của các cận thần người Do Thái.
1:2. ‘…đã ban các nước thế gian thế gian cho ta’ – Lời xác nhận của vua Si-ru về sự tể trị của Đức Chúa Trời đã ban cho vua đế quốc rộng lớn. Như chúng ta đã học biết trước đây, vua Si-ru là một vua chư hầu đã chiến thắng đế quốc Ba-by-lôn và nay đã cai trị đế quốc rộng lớn là do Đức Chúa Trời trên trời cao ban cho. Một sự nhận thức rất chính xác về khả năng giới hạn của loài người đối với quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời Chí Cao, là Đấng đang tể trị, cầm giữ mọi việc trong tay Ngài.
‘Chánh Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem’, có thể lời tuyên bố của vua Si-ru từ địa vị của một người thờ đa thần, cho nên nhìn nhận rằng, ‘Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên’ phải được thờ phượng tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng hơn thế nữa, khi nói đến sự tể trị của Đức Chúa Trời thì chúng ta cũng thấy rằng chính Ngài điều khiển, cảm động lòng người, ngay cả lòng vua, để thực hiện chương trình và ý định đời đời của Ngài. Vấn đề còn lại là con người dầu làm gì mặc lòng, có bằng lòng đầu phục sự tể trị của Đức Chúa Trời trên cuộc đời mình và vâng lời làm theo hay không? Và tên gọi ‘đền thờ Giê ru-sa-lem’ là nói đến đền thờ thứ nhì, sẽ được tái xây dựng sau khi những người lưu đày hồi hương dưới sự lãnh đạo của Xô rô ba bên.
1:3. ‘…phàm ai thuộc về dân sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem’, Vua Si-ru cho phép và kêu gọi những người dân Y-sơ-ra-ên hồi hương để tái xây dựng đền thờ cho Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem, nơi được Đức Chúa Trời chọn để đặt Danh Ngài tại đó, như lời vua Sa lô môn đã cầu nguyện khi cung hiến đền thờ, “Nguyện mắt Chúa ngày và đêm đoái xem nhà nầy, vì về nhà nầy Chúa đã phán rằng: Sẽ đặt danh Chúa tại đó. Khi tôi tớ Chúa hướng về nơi nầy mà cầu nguyện, xin Chúa dủ nghe” (II Sử-ký 6:20). Vua Si-ru cũng xác nhận một lần nữa, đối tượng và mục đích chính yếu là tái xây dựng đền thờ cho Giê-hô-va – Đấng không thay đổi vì Ngài vẫn là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Đấng vẫn ngự tại đền thờ Ngài.
1:4. “Hễ dân Giu-đa còn sót lại, mặc dầu ở đâu, thì bổn dân của nơi họ ở, phải tiếp trợ họ bằng bạc, vàng, của cải, súc vật, không kể những của lễ lạc hiến về đền của Đức Chúa Trời ở tại Giê-ru-sa-lem”. Không những chỉ cho phép và kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên hưởng ứng chương trình hồi hương, vua Si-ru còn truyền lệnh cho những người còn ở lại cũng phải có trách nhiệm trong việc tái xây dựng đền thờ vì:
a) Việc tái xây dựng đền thờ là công tác lớn lao và cần sự hợp tác của tất cả mọi người trong vòng dân Do Thái (Y-sơ-ra-ên) lưu đày. Một số người có thể hồi hương làm công tác xây dựng, nhưng những người không thể trở về cần phải tham gia bằng sự đóng góp tài vật.
b) Mục đích sự đóng góp không chỉ dùng vào công cuộc xây dựng đền thờ về phương diện cơ sở vật chất, nhưng cũng góp phần vào việc tái lập sự thờ phượng Đức Chúa Trời qua việc dâng của tế lễ nữa.
Bài Học Ứng Dụng:
1. Nhận Thức Đức Chúa Trời Là Nguồn Cội Của Mọi Thành Đạt
Đây là thái độ đúng đắn nhất, không riêng gì của chúng ta là những con cái của Đức Chúa Trời mà còn là của mọi người cần phải có. Đây cũng là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc mà Đức Chúa Trời sẵn ban cho kẻ kính sợ Ngài. Bài học hôm nay cho chúng ta thấy rằng, mọi thành công trên đời không thể đạt được do sức lực và tài năng riêng của con người, mặc dầu ngày nay vẫn có nhiều người khước từ ý niệm nầy, cho rằng những thành công đạt được là do bàn tay và khối óc của mình tạo nên, thái độ ‘bàn tay ta có thể làm nên tất cả’ chỉ là những suy nghĩ nông cạn của tấm lòng kiêu ngạo trước mặt Chúa mà thôi.
Vua Si-ru, dầu không phải là người Do Thái, nhưng sau khi đạt được tuyệt đỉnh của danh vọng và quyền thế, chiến thắng đế quốc Ba-by-lôn và thành lập vương quốc Phe-rơ-sơ – Mê-đi, cũng đã xác chứng rằng, ‘Đức Chúa Trời Tối Cao đã ban các nước thế gian’ cho vua. Chúng ta hôm nay cũng cần đặt lại vấn đề, những gì mà chúng ta đương có trong tay đến từ đâu? Phải chăng do khả năng tài trí hay sức lực cá nhân đem lại, hãy thành thật đủ để nhìn nhận rằng những điều chúng ta thật sự có, đã vượt hơn giới hạn và khả năng hạn hẹp của chính mình làm nên.
2. Biết Rõ Đối Tượng Của Sự Thờ Phượng
Sự thờ phượng bao gồm: việc bày tỏ lòng tôn kính, cảm tạ, biết ơn Chúa, điều đó được thể hiện bằng tình cảm và cả sự dâng hiến thì giờ, sức lực và tài vật cho Ngài. Nhiều người đã thực hiện sự thờ phượng với tấm lòng thành khẩn dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhưng liệu có biết rõ đối tượng mà mình đang thờ phượng là ai và có thể làm gì cho mình hay không?
Chỉ khi nào một người nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời đã và đang hành động trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, người ấy mới có sự thờ phượng chuẩn xác. Đây là thái độ và hành động tương xứng, mà con dân Chúa cần phải có trước sự ban cho của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể hiện sự tôn kính, thờ phượng và phụng sự Chúa cách hết lòng hay không?
3. Công Tác Xây Dựng Nhà Chúa Cần Có Sự Hợp Tác Và Đóng Góp Của Tất Cả Mọi Người
Đây là công tác vĩ đại mà không thể thực hiện bởi một người hay chỉ một số người nào đó, nhưng cần tất cả mọi người hợp tác.
Sự nhận thức nầy sẽ đưa đến thái độ khiêm nhường, nhìn nhận rằng chúng ta cần nhau trong công tác mở mang Nước Trời và cần hiệp một, mới có thể hoàn tất những công tác mà Chúa giao phó.
Do đó, Chúa đã dùng sứ đồ Phao lô dạy chúng ta lẽ thật về Hội Thánh của Đức Chúa Trời – Đấng Christ là đầu và Hội Thánh là thân thể Ngài, mà trong đó, mỗi tín nhân Đấng Christ đều là một trong những chi thể trong thân thể ấy. Mỗi chi thể tuy có chức năng riêng biệt nhưng đều cần nhau, hỗ tương cho nhau, không ai quan trọng hơn ai. Mặc dầu mỗi chi thể có vai trò và trách nhiệm khác nhau, nhưng cần phải được mạnh mẽ như nhau, vì nếu một chi thể yếu đi thì sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ chung của cả thân thể, (xem II Côr. 12:12-31; Ê phê sô 4:11-13, 16).
Tuy vậy, thực tế thì trong Hội Thánh Chúa vẫn thiếu sự hiệp một cần thiết:
o Vì tự tôn: có người cho rằng mình là tất cả nên không cần ai và không cần hợp tác với ai.
o Bên cạnh đó, có người sau những kinh nghiệm tổn thương, bị đụng chạm trong khi làm việc nên mang mặc cảm tự ti, đã tách mình ra khỏi tập thể và tự làm việc một mình để được yên thân.
Cả hai tự tôn và mặc cảm tự ti đều sai trật trước mặt Chúa, nên đều cần nhờ ơn Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn để sửa đổi. Thái độ đúng đắn nhất là nhận biết chính mình là ai trong Đấng Christ và thân thể Ngài, nhờ ơn sức Chúa trong mọi việc làm và cần nhau trong cuộc sống, hành xử đúng vai trò trách nhiệm, và chu toàn công tác mà Đức Chúa Trời ủy thác, đem lại kết quả như Ngài hằng mong đợi.
Cầu xin Chúa giúp chúng ta thực hành đúng chức năng của chính mình trong thân thể của Đấng Christ hôm nay. A-men.
Câu Hỏi Áp Dụng
1. Những gì chúng ta đương có trong tay do khả năng, tài trí hay sức lực cá nhân đem lại hay từ nguồn cung ứng khác? Xin mô tả nguồn cung ứng đó.
2. Chúng ta có thành thật đủ để nhìn nhận rằng những điều chúng ta có, vượt hơn giới hạn và khả năng của chính mình làm nên hay không?
3. Chúng ta có thể hiện sự tôn kính, thờ phượng và phụng sự Đức Chúa Trời cách hết lòng hay không? Làm thế nào để biết mình thờ phượng Đức Chúa Trời cách hết lòng? Bạn thử đưa ra vài thí dụ cụ thể.
4. Phương cách thể hiện sự phục vụ Đức Chúa Trời của bạn hiện nay như thế nào?
5. Bạn đang làm việc một mình hay hợp tác với những người cùng niềm tin nơi Chúa để thực hiện một công tác nào đó mà Đức Chúa Trời đã ủy thác? Vì sao bạn lại làm việc một mình?
Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để chúng ta nhận biết rằng, chúng ta là một chi thể trong thân thể Đấng Christ, nhờ ơn sức Thánh Linh, hiệp một với các chi thể khác cùng nhau xây dựng thân thể của Đấng Christ càng được vững mạnh càng hơn. A-men.