Kinh Thánh: E-xơ-ra 6:1-12
Giải Thích
6:1-2, Theo lời tố tụng của thống đốc Tác-tê-nai những người chống đối việc tái xây dựng đền thờ, khi họ dâng sớ trình Đa-ri-út và yêu cầu vua phán quyết về công tác nầy như trong 5:17 “Vậy bây giờ, nếu đẹp ý vua, xin hãy tra khảo trong kho vua tại Ba-by-lôn, xem thử thật Si-ru có ra chiếu chỉ xây cất lại cái đền của Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem chăng. Đoạn, cầu vua giáng chiếu dạy chúng tôi ý vua về việc ấy.” Vua Đa-ri-út đã truyền lệnh tra khảo trong văn khố của nhà nước tại Ba-by-lôn, thật sự có chiếu chỉ của triều đình cho phép những người Do Thái hồi hương tái xây dựng đền thờ hay chăng? Họ không tìm được văn kiện nào tại Ba-by-lôn, nên họ đã đến thành Éc-ba-tan, tỉnh Mê-đi là nơi nghỉ mát của nhà vua và tìm được chỉ dụ của vua Si-ru. Qua khảo cổ học, nhiều văn kiện về các biến cố lịch sử hay việc mua bán đã ghi lại trên các bảng bằng đất sét và lau sậy đã tìm được tại vùng nầy mà hiện nay là nước Sy-ri. Một đại thư viện với hàng ngàn hồ sơ như thế cũng đã khám phá được tại Ebla thuộc Sy-ri.
6:3-5, Vua Đa-ri-út trả lời Tát-tê-nai bằng cách tóm lược lại nội dung văn kiện tìm được trong đó ghi chép lại chiếu chỉ của vua Si-ru như đã thấy trong 1:2-4:
a. Thời điểm và thẩm quyền của văn kiện: Năm đầu tiên của vua Si-ru truyền lệnh cho phép tái xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem với chỉ dụ rõ ràng.
b. Mục đích dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời. Ám chỉ đến nơi mà Đức Chúa Trời chọn để đặt Danh Ngài tại đó và dân sự đến thờ phượng Ngài, như trong luật pháp và mạng lệnh Đức Chúa Trời đã truyền qua Môi-se (Phục truyền 12:4-5, 11) và như lời hứa của Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của vua Sa-lô-môn khi trong Lễ Khánh thành đền thờ (I Các 9:2-3).
c. Công trình cần thực hiện chắc chắn với những chi tiết kích thước, vật liệu và vị trí xây dựng rõ ràng. “Sáu mươi thước” tương đương với 27m hay 90 feet cho bề cao và bề dài của đền thờ (theo đơn vị đo lường của thời Cựu Ước thì 1 thước (cubit) tương dương với 45cm hay 18 inches); xây lại trên nền đền thờ mà Sa-lô-môn đã xây dựng trước đây theo I Các 6:36, với chiều dài 60 thước, chiều rộng 20 thước và chiều cao là 30 thước; “ba hàng đá nguyên khối” – là nguyên nhân khiến Tác-tê-nai đặt nghi vấn trong 5:8 – nay lại tìm được câu trả lời là do chính thẩm quyền của vua ban hành và “một hàng đòn gỗ tay mới” cả hai đều mô tả bức tường bên trong của đền thờ theo như I Các 6:2-10.
d. Phí tổn xây cất được vua truyền cho ngân khố triều đình đài thọ.
e. Những khí dụng bằng vàng và bạc của đền thờ mà vua Nê-bu-cát-nết-xa đã tịch thu và mang về Ba-by-lôn, cần phải được hoàn trả và mang về tất cả, đặt lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem như nguyên cũ.
6:6-12, Vua Đa-ri-út dựa trên chỉ dụ của vua Si-ru, đã phán quyết và ban lệnh truyền cho Tát-tê-nai cùng các cộng sự viên trong tỉnh phía Tây sông, đòi buộc họ là những người chống đối phải tuân hành những điều sau:
a. Không được đến chỗ của dân Do Thái hồi hương và không được đụng đến công tác tái xây dựng đền thờ của Đức Chúa Trời. Hãy để yên cho các người lãnh đạo, các trưởng lão cùng cả dân sự làm công tác tái thiết đền thờ như nguyên cũ (c. 6-7)
b. Nào những thế thôi, vua Đa-ri-út lại còn truyền lệnh cho Tát-tê-nai và những cộng sự viên phải sử dụng số tiền “thu nhập của triều đình từ các phần công thuế trong tỉnh phía tây sông mà trả đầy đủ mọi chi phí cho các người này, để công việc khỏi bị đình trệ.” Không những phải chu cấp nhu cầu vật thể trong công tác xây dựng mà thôi, nhà vua lại còn liệt kê ra những nhu cần cấp thiết được dùng trong việc dâng tế lễ thờ phượng Đức Chúa Trời hằng ngày. Vì vua Đa-ri-út nhận biết tầm quan trọng tuyệt dối và cần thiết trong việc “thờ phượng Đức Chúa Trời phải lẽ” để khi dâng lễ vật “có mùi thơm” hay “lễ vật vừa ý” cho Đức Chúa Trời thì Ngài vui lòng nhậm của lễ và lời cầu nguyện cho vua cùng các vương tử được Đức Chúa Trời ban phước trường thọ (c. 8-10).
c. Bên cạnh đó, vua Đa-ri-út đảm bảo cho sự tùng phục thực hành mạng lệnh thì đã cho biết hình phạt cho những kẻ bất tuân trái mạng nhà vua. Những ai không chịu chấp hành nghiêm túc triệt để, sẽ bị xử tử, sau đó thây hay thân xác người ấy sẽ bị treo lên cây với mục đích làm gương cho kẻ khác và nhà cửa sẽ bị tiêu diệt. Trước đây, vua Nê-bu-cát-nết-sa cũng đã ra cấm lệnh tương tự cho mọi người không được “xúc phạm” đến Đức Chúa Trời, ai vi phạm thì “thân thể sẽ bị lăng trì và nhà cửa bị tịch thu” (xem Đa 2:5; 3:29) (c. 11).
d. Vua Đa-ri-út cũng nhận biết quyền năng của Danh Đức Chúa Trời là Đấng sẽ ngự tại đền thánh Ngài sẽ hành động đối cùng với vua hay dân tộc nào dám “giơ tay ra” chống cự cùng Đức Chúa Trời, phá hủy đền thờ Giê-ru-sa-lem nầy. Có lẽ Đa-ri-út đã học bài học lịch sử khi nhìn lại hậu quả mà Đức Chúa Trời dành cho vua Nê-bu-cát-nết-sa và Đế quốc Ba-by-lôn, thể nào từ một đế quốc cực thịnh song đã bị Ngài dùng bàn tay của Si-ru và đế quốc Ba Tư tiêu diệt. Mặc dầu, Nê-bu-cát-nết-sa đã nhận biết Đức Chúa Trời là ai, sau khi lập pho tượng theo như điềm chiêm bao đã được Đa-ni-ên giải bày và ba bạn Hê-bơ-rơ từ chối không chịu quì lạy trước pho trước ấy như vua đòi buộc. Do đó, mọi người cần phải tuân hành cách triệt để (c. 12).
Ứng dụng:
1. Đức Chúa Trời tể trị sẽ can thiệp cho chúng ta khi đối diện với áp bức:
Khi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời, yêu mến và phục vụ Ngài, thì chắc chắn chúng ta sẽ đối diện với những sự tấn công, hãm áp. Nhưng bài học hôm nay cho chúng ta thấy được sự tể trị và can thiệp của Đức Chúa Trời dành cho con dân của Ngài. Chúng ta không biết cách đối phó cùng kẻ thù nghịch mình như thể nào khi đứng trước một hoàn cảnh dường như không có lối thoát. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Đấng Tể Trị, Ngài đã biết và đã sắp sẵn mọi sự trước cho chúng ta rồi. Dân Do Thái hồi hương và bị chống đối khi làm công tác tái xây dựng đền thờ. Có lẽ họ không biết phải đối phó như thế nào trước tình huống nguy ngập dường ấy, nhưng họ đâu biết rằng, hơn 70 năm trước đó, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị vua Si-ru và thế lực của người để thực hiện ý định tốt lành của Ngài – cho dân sự Đức Chúa Trời được hồi hương và đền thờ của Ngài được tái xây dựng.
2. Yên lặng để nhìn thấy Đức Chúa Trời hành động khi đối diện với áp bức:
Điều khác mà chúng ta cần áp dụng khi đối phó, đương đầu với những chống đối, áp bức là tinh thần tin cậy và yên lặng để thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va hành động. Thông thường thì khi gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng ta thường chạy đôn chạy đáo để tìm ra phương hướng giải quyết. Một khi không có lối thoát, thì chúng ta nghi ngờ vào quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời và oán trách Ngài. Nhưng gương của Xô-rô-ba-bên, Giê sua và các trưởng lão cùng cả dân sự khi gặp sự chống đối thì đã yên lặng chờ đợi sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời;” (Thi 46:10a) Một trường hợp khác đã được Thánh Kinh ghi chép lại trong II Sử ký 20 về cuộc xâm lăng của dân Mô-áp và đồng minh từ Sy-ri cùng dân sự Đức Chúa Trời. Trước tình thế nghiêm trọng như thế, vua Giô-sa-phát cùng cả dân sự kiêng ăn, cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời và nhận được sự hướng dẫn điều phải làm theo phương cách giải cứu lạ lùng của Ngài, “hãy dàn ra, đứng yên lặng mà xem thấy sự giải cứu của Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi.” Thật sự không dễ cho chúng ta “yên lặng” đâu! Nhưng chúng ta có thể “yên lặng” và không hành động gì cả khi biết rõ Đấng mà chúng ta tin cậy phó thác cuộc đời của mình là ai. Để “biết rõ Ngài càng hơn”, chúng ta cần dành thì giờ cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa hằng ngày. Nhờ đó, mối liên hệ của chúng ta với Chúa càng mật thiết và đặt lòng tin cậy nơi Ngài sâu xa.
3. Đức Chúa Trời luôn chu cấp mọi nhu cần khi con dân Chúa đối diện với áp bức để chúng ta có thể hoàn tất công tác do Ngài ủy thác.
Dân sự của Đức Chúa Trời bị chống đối đến nỗi không thể tiếp tục công tác tái xây dựng đền thờ cho Ngài. Nhưng Đức Chúa Trời không chỉ giải quyết cho vấn đề áp bức mà thôi, nhưng còn tiếp trợ cho dân sự của Ngài đầy đủ vật thực và nguyên liệu dùng cho sự thờ phượng và hoàn tất công trình. Hơn ai hết, sứ đồ Phao-lô đã kinh nghiệm được sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời trong suốt cả chức vụ của mình, nhất là khi trãi qua mọi sự chống đối. Nên Phao-lô đã khẳng định rằng, “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành” (II Cô 9:8). Cũng cùng kinh nghiệm về sự chu cấp của Ngài, nên Phao-lô đã khích lệ con dân Chúa tại Phi-líp cũng như chúng ta ngày hôm nay, “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” (Phi líp 4:19)
Câu Hỏi Áp Dụng
1. Khi bạn hầu việc Đức Chúa Trời và gặp chống đối, bạn đã kinh nghiệm về sự giải cứu của Chúa như thể nào? Những điều xảy ra giúp bạn qua khỏi là do may mắn, khả năng riêng hay do bàn tay của Đức Chúa Trời dắt dẫn cuộc đời bạn? Hãy chia sẻ để chúng ta cùng nhau được khích lệ trong tiến trình theo Chúa và hầu việc Ngài hôm nay.
2. Bạn có lời khuyên như thế nào cho một anh chị em tín hữu hăng say hầu việc Chúa, nhưng khi đối diện sự bức hại đức tin và bị ngã lòng, muốn từ bỏ niềm tin vì chưa thấy sự giải cứu của Đức Chúa Trời? Yên lặng chờ đợi sự giải cứu của Đức Chúa Trời, cùng kiêng ăn cầu nguyện để thấy Ngài hành động mà không làm gì cả, như thế có phải chúng ta quá tiêu cực và thụ động không? Tại sao có, tại sao không?
3. Trên bước đường theo Chúa và phục vụ Ngài, bạn đã từng kinh nghiệm về sự tiếp trợ của Chúa như thể nào? Bạn có thể chia sẻ cho nhóm kinh nghiệm mà bạn trải qua về từng thể loại của sự tiếp trợ: vật chất, tài chánh, sức khoẻ, tinh thần, tình cảm?…