Kinh Thánh: E xơ ra 2:1-70
Giải thích:
Đoạn 2 của sách Ê xơ ra là văn kiện liệt kê danh sách tên họ và quê quán của những người hồi hương là “con cháu các dân tỉnh Giu-đa bị Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, bắt dẫn qua Ba-by-lôn … những người bị đày đó trở lên Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa, mỗi người về trong thành mình” (c 1). Danh sách và và số liệu trong E xơ ra đoạn 2 tương đương với Nê hê mi 7:6-73. Dầu vậy, giữa hai danh sách nầy có những chi tiết không hoàn toàn giống nhau cho thấy những sai sót xảy ra trong tiến trình sao chép từ nguyên bản. Những người hồi hương được kiểm tra lại theo từng gia đình thuộc họ hàng nào và sinh quán thuộc bổn thành nào. Những ai xác chứng được gia tộc và sinh quán thì được định cư nơi bổn thành mình, tuy thế, vẫn có những người trở về nhưng không chứng minh được gia thế của mình như trường hợp của “những người ở Tên-Mê-la. Tên-Hạt-sa, Kê-rúp -A-đan, và Y-mê trở lên, không thể nói rõ gia tộc và phổ hệ mình, đặng chỉ rằng mình thuộc về dòng dõi Y-sơ-ra-ên hay chăng?” (c 59). Trong số đó có những người kê khai mình thuộc về dòng dõi thầy tế lễ, nhưng vì lý lịch không rõ ràng nên Nếu không thể xác minh được gia tộc hay phổ hệ, thì phải chờ đợi và bị cấm ăn những vật chí thánh “cho đến chừng nào có thầy tế lễ cậy U-rim và Thu-mim mà cầu hỏi Đức Chúa Trời.” (c 63).
- 2-20 Danh bộ những gia đình hồi hương định cư tại Giê ru sa lem – Tên và số liệu của gia đình hồi hương về Giê ru sa lem vì có lẽ trước đây, Giê ru sa lem là nơi họ đã sinh sống.
- 21-35 Danh bộ những gia đình hồi hương định cư những nơi khác tại Giu đa – Bên cạnh đó, một số người khác trở về quê quán của họ là những thành khác hơn là Giê ru sa lem.
- 36-42 Danh bộ các thầy tế lễ và người Lê vi – Số thầy tế lễ trở về là 4, 289 hay khoản 1/10 số người hồi hương. Nê 12:1-9 cho biết thêm những chi tiết về các thầy tế lễ. Người Lê vi là những người cũng đã được biệt riêng ra trong trách nhiệm phụ giúp các thầy tế lễ, dạy luật pháp hay phục vụ trong đền thờ (Nê 8:7-9). So với số thầy tế lễ trở về thì người Lê vi quá ít, mặc dầu trước đây, dưới thời của vua Đa vít, thì đã có lúc lên đến 24,000 người Lê vi phục vụ trong đền thờ và công tác thờ phượng (1 Sử. 23:4); Người ca hát là những người cũng thuộc dòng dõi Lê vi, có trách nhiệm trong công tác ca ngợi Đức Chúa Trời với các nhạc cụ (1 Sử 15:16). Lần hồi hương nầy chỉ có 128 người so với 4,000 người trong đền thờ dưới thời vua Sa lô môn (1 Sử 23:5); Người canh cửa cũng là những người Lê vi. Trong 1 Sử 26:1-19 cho thấy họ có trách nhiệm bảo vệ và ngăn chận những người không có trách nhiệm vào những nơi cấm trong đền thờ. Lần nầy, chỉ 139 người so với 4,000 trong thời vua Sa lô môn (1 Sử 23:5)
- 43-50 Danh bộ người Nê thi nim, những người phục dịch – là các người phục vụ đền thờ, họ là những con cháu thuộc dòng dõi của người Ga ba ôn. Họ đã dùng mưu chước làm như là dân ở thật xa, đi mất nhiều ngày đường mới đến được cùng Giô suê và xin được lập giao ước với dân Do thái để khỏi bị tàn diệt khi dân sự của Chúa chiếm lấy đất hứa. Nhưng sau đó, Giô suê khám phá đã bị người Ga ba ôn đánh lừa, nhưng vì giao ước nên không thể giết họ, họ bị rủa sả ‘không dứt làm tôi mọi, cứ đốn củi xách nước cho nhà của Đức Chúa Trời ta.” (Giô 9:23). Từ đó, người Ga ba ôn và dòng dõi tiếp tục được giao cho nhiệm vụ phụ giúp những người Lê vi trong công việc đền thờ, ‘làm kẻ đốn củi và xách nước cho hội chúng và cho bàn thờ của Đức Giê hô va” (Giô 9:27). Người Nê thi lim phục dịch trong đền thờ, khác hơn những chức dịch của các thầy tế lễ và những người Lê vi (Giê 9:27).
- 55-58 Danh bộ các con của tôi tớ Sa lô môn – được kể chung với người Nê thi nim và tổng số là 392 người. Các tôi tớ Sa lô môn có thể là những người dân sống trong vùng Ca na an như dân A mô rít, Hê tít, Phê rê sít, Hê vít và Giê bu sít. . . mà đã được mướn trong công việc xây cất đền thời dưới thời Sa lô môn (1 Các 5:13; Nê 7:60).
- 59-63 Danh bộ của những người chưa kiểm chứng gia phổ. Dầu chưa được kiểm chứng để minh xác họ là người chính gốc Do thái, nhưng những người nầy vẫn được phép hồi hương, riêng các thầy tế lễ thì không được giữ chức tế lễ, không được ăn những vật chí thánh và chờ đợi cầu vấn sự minh định từ nơi Đức Giê hô va (Dân 16:1-40).
- 64 Tổng số người hồi hương 42,360 nhưng nếu cộng chung lại danh bộ kể trên trong E xơ ra đoạn 2 thì chỉ có 29,818, trong khi đó, tổng cộng theo danh bộ trong Nê hê mi thì chỉ có 31,089 – gồm có 494 người trong danh sách của E xơ ra không được nhắc đến trong danh bộ của Nê hê mi, bên cạnh 1765 người mà Nê hê mi đề cập đến lại không có trong danh sách của E xơ ra. Sự sai biệt nầy có thể trong đó kể cả đàn bà nhưng không nêu danh tánh, bên cạnh có thêm những người thuộc các chi phái khác hơn là Giu đa và Bên gia min. Như vậy, số người trong danh bộ cộng với con số các tôi trai tớ gái là 7.337 (c 65) thì tổng số người hồi hương với Giê ru ba bên lên đến gần 50,000 người.
- 65 Người ca hát khác với người hát trong đền thờ – họ là những ‘ca sĩ’ hát trong những bữa tiệc hay các tang lễ (2 Sử 35:35; Truyền 2:7-8). Sự hiện diện của thành phần nầy cho thấy đời sống hưng thịnh của những người Do thái lưu đày khi ở Ba by lôn có phần trình diễn văn nghệ ‘vui nghe những người nam nữ ca xướng’ như trường hợp của Đa vít (2 Sam 19:35). Dầu là phu tù, nhưng họ không bị buộc làm những người nô lệ, họ chỉ không được phép trở về nguyên quán mà thôi.
- 66-67 Số súc vật được đoàn hồi hương đem về cùng – cho thấy của cải và sự giàu sang của những người hồi hương sau thời gian sống lưu đày.
- 69 khi đã đến đền thờ của Đức Giê hô va tại Giê ru sa lem – các trưởng tộc dâng những của lễ lạc ý gồm có vàng bạc và áo xống để xây dựng đền thờ. Đa riếc là tiền vàng – đơn vị đo lường của xứ Phe rơ xơ và nặng khoảng 2/10 ounces. Số vàng nầy tương đương với 1,100 lbs. Một min nặng 1.2 lbs như vậy số bạc lên đến 6,300 lbs.
- 70 Mọi người gồm đủ mọi thành phần đã hồi hương và ổn định tại quê quán của mình, khởi đầu cho một trang lịch sử mới nơi quê nhà, nhất là trong việc tái xây cất đền thờ cho Đức Giê hô va.
Ứng dụng:
- Vâng lời và thi hành luật pháp của Đức Chúa Trời cách nghiêm túc, mặc dầu hoàn cảnh sống như thế nào đi chăng nữa.
Đức Chúa Trời cho thấy sự thánh khiết tuyệt đối của Ngài cần con người đáp ứng cách triệt để qua sự vâng lời. Điều nầy áp dụng cho tất cả mọi người, không riêng gì trong trường hợp của các thầy tế lễ hay những người trong hàng ngũ lãnh đạo mà thôi. Đức Chúa Trời đã truyền phán: “Các ngươi hãy giữ làm theo những luật pháp ta: Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng làm cho các ngươi nên thánh.” (Lê 20:7-8). Một trong những điều con dân Ngài thể hiện sự vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời là sự biệt riêng ra thánh cho Ngài. Nếu điều nầy áp dụng triệt để cho dân sự của Đức Chúa Trời thì đối cùng các thầy tề lễ càng đòi buộc càng hơn. Việc những thầy tế lễ đã không xác chứng được gia phổ rằng mình thuộc về dòng dõi thầy tế lễ, ‘nên người ta kể họ là ô uế, và họ bị truất khỏi chức tế lễ. “Như vậy ngươi sẽ biệt riêng ra người Lê-vi với dân Y-sơ-ra-ên, và người Lê-vi sẽ thuộc về ta…và ta đã chọn lấy người Lê-vi thế cho mọi con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên. Bởi trong dân Y-sơ-ra-ên ta đã chọn người Lê-vi ban trọn cho A-rôn và các con trai người, đặng làm công việc của dân Y-sơ-ra-ên ở trong hội mạc, cùng làm lễ chuộc tội cho dân Y-sơ-ra-ên, hầu cho khi họ đến gần nơi thánh, chẳng có tai hại chi trong dân Y-sơ-ra-ên.” (Dân số ký 8:14,18-19). Quan tổng đốc cấm chúng ăn những vật chí thánh cho đến chừng nào có thầy tế lễ cậy U-rim và Thu-mim mà cầu hỏi Đức Chúa Trời.” (c 62-63) chứng tỏ những người hồi hương thể hiện sự tôn trọng và vâng lời luật pháp của Đức Chúa Trời cách nghiêm túc. Một khi chúng ta tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời và yêu mến Ngài, chúng ta sẽ vui lòng tuân giữ Lời Đức Chúa Trời cách hết lòng, không biện bạch hay mặc cả, trả giá … nhưng thực hành cách nghiêm túc. Chúng ta cũng cần phải xác định thái độ của chúng ta đối với Lời Chúa, có xem Kinh Thánh là ‘khuôn vàng thước ngọc’ là ‘kim chỉ nam’ cho cuộc đời mình hay không? Nếu có, thì chúng ta có thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng cách áp dụng và vâng giữ Lời Ngài trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta hay không? Đó chính là lý do mà Đức Chúa Giê-xu đã khẳng định mực độ dùng để đo lường lòng yêu mến Chúa của con dân Ngài, “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” (Giăng 14:15), và “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” (Giăng 13:34-35). Sứ đồ Giăng đã xác chứng rằng lòng yêu mến anh chị em tín hữu cũng phát sinh từ tấm lòng yêu mến Chúa qua sự vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, Ai tin Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, thì sanh bởi Đức Chúa Trời; và ai yêu Đức Chúa Trời là Đấng đã sanh ra, thì cũng yêu kẻ đã sanh ra bởi Ngài. Chúng ta biết mình yêu con cái Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ vẹn các điều răn Ngài. Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài.” (1 Giăng 5:1-3).
- Cả gia đình thờ phượng và phụng sự Đức Chúa Trời khi cha mẹ truyền đạt di sản thuộc linh cho con cái mình.
Chúng ta thấy những người hồi hương, khi họ đã đáp ứng lời Chúa gọi thì đã trở về theo từng gia đình để thực hiện công tác mà Đức Chúa Trời ủy thác. Làm sao cả gia đình có thể phụng sự Đức Chúa Trời được? Có lẽ trong suốt thời gian lưu đày, cho dầu không có đền thờ để thực hiện những nghi lễ thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng những người Do thái nầy, không những giữ vững đức tin của mình mà thôi, nhưng còn dạy đạo cho con cái mình nữa. Do đó, dầu vẫn phải lo kiếm sống nơi xứ người, họ vẫn đặt thứ tự ưu tiên trong vấn đề tâm linh của cả gia đình. Thế nên, cả gia đình giữ vững niềm tin vào Đức Chúa Trời và phục sự Chúa. Bạn đang đặt thứ tự ưu tiên vào vấn đề gì? Gia đình của Bạn gồm có cha mẹ con cái có cùng một niềm tin nơi Chúa Cứu Thế hay chưa?
- Đến đền thờ của Đức Giê hô va . . . thì dâng những của lễ lạc ý cho nhà Đức Chúa Trời.
Các trưởng tộc hay chủ gia đình, đã vui lòng dâng hiến cách rời rộng để góp phần xây dựng Nhà Chúa. Đây là tấm gương sáng mà chúng ta nên noi theo. Trãi qua bao nhiêu năm tháng lưu đày, nhọc nhằn trong cuộc sống, giờ đây họ có đầy đủ mọi sự, được an toàn và thoải mái thì những ngưòi nầy có quyền cho phép mình thụ hưởng và có thể cũng quên ơn huệ của Đức Chúa Trời thi thố trên cuộc đời mình. Nhưng ngược lại, họ đã đáp ứng tiếng gọi của Chúa, chấp nhận thách thức để rời khỏi vùng an toàn của mình, cả gia đình dấn thân phục vụ Chúa, bên cạnh đó, họ cũng không quên dâng hiến tài vật cho Đức Chúa Trời cách rộng rãi và vui lòng, vì biết rằng mọi điều mình có trong tay là đến từ Đức Chúa Trời. Thái độ của của Bạn đối với sự sản tài vật của mình như thế nào? Có cho rằng ‘bàn tay ta làm nên tất cả’ và tự hào về thành quả mà mình đạt được không? Hay nhìn nhận là do Đức Chúa Trời ban cho để bày tỏ lòng biết ơn Ngài qua sự dâng hiến cách rộng rãi và vui lòng. Chắc chắn Đức Chúa Trời vui nhậm những của lễ mà chúng ta dâng lên với tấm lòng biết ơn và tôn ngợi danh Ngài.
Câu hỏi áp dụng:
- Gia đình của Bạn gồm có cha mẹ, con cái có cùng một niềm tin nơi Chúa Cứu Thế hay chưa? Cả gia đình của Bạn vẫn còn giữ vững niềm tin vào Đức Chúa Trời và phục sự Chúa chứ?
- Bạn đang đặt thứ tự ưu tiên vào vấn đề gì? Nếu vấn đề tâm linh là quan trọng hàng đầu thì bạn có kế hoạch thực hiện như thế nào trong sinh hoạt Gia đình lễ bái, cùng đi thờ phượng Chúa, cùng tham dự những chương trình truyền giáo ngắn hạn . . . ?
- Thái độ của bạn đối với Lời Chúa, có xem Kinh Thánh là ‘khuôn vàng thước ngọc’ là ‘kim chỉ nam’ cho cuộc đời mình không? Nếu có, thì Bạn có thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng cách áp dụng và vâng giữ Lời Ngài trong cuộc sống hằng ngày của mình không?
- Thái độ của Bạn đối với gia tài, sự sản, tài vật của mình như thế nào? Có cho rằng ‘bàn tay ta làm nên tất cả’ và tự hào về thành quả mà mình đạt được không? Bạn có nhìn nhận tất cả đều do Đức Chúa Trời ban cho Bạn để Bạn làm người quản lý cho Ngài không?
- Bạn có bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời qua sự dâng hiến cách rộng rãi và vui lòng không? Hãy khám phá phước hạnh và lời hứa của Ngài dành ban cho những ai làm theo mạng lệnh của Ngài (Ma la chi 3:10).