Giải thích:
1:5 “cả thảy những người nào Đức Chúa Trời cảm động lòng” cho chúng ta thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời trong chương trình và thánh ý tốt đẹp của Ngài. Đúng thời điểm để cho kế hoạch của Ngài trong việc tái xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem thì không những Ngài đã cảm động lòng của vua Si-ru để ban chiếu chỉ cho dân sự Đức Chúa Trời hồi hương nhưng Ngài cũng “cảm động” hay “khuấy động lòng, giục lòng, thúc đẩy tinh thần” khiến cho dân sự không những chỉ quan tâm, để ý đến mà thôi, nhưng còn thể hiện bằng hành động – “đi lên xây cất đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem”
1:6 “Các người lân cận chúng” gồm cả những người Do Thái và không Do Thái là những người còn ở lại Ba by lôn, không có ý đi lên Giê-ru-sa-lem thì Đức Chúa Trời cũng đã làm việc trong lòng của họ để cũng đóng góp vật chất, của cải cho công tác tái xây dựng đền thờ bên cạnh những vật đã chuẩn bị, biệt riêng ra dùng cho việc tế lễ. Chúng ta thấy việc tương tự đã xảy ra trong biến cố xuất Ai Cập, khi Đức Chúa Trời dùng Môi-se để giải phóng dân sự Ngài ra khỏi ách nô lệ, thì Đức Chúa Trời phán dạy họ trước khi ra khỏi Ai Cập thì “phải xin kẻ lân cận mình những đồ bằng bạc bằng vàng” (Xuất 11:2b) thì quả thật vậy, trong đêm Lễ Vuợt Qua, dân sự ra đi, thì “Đức Giê-hô-va làm cho dân sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho; và dân Y-sơ-ra-ên lột trần người Ê-díp-tô vậy.” (Xuất 12:36)
1:7 “những khí dụng của đền thờ Đức Giê hô va” được vua Si-ru trả lại. Vua Nê bu cát nết sa khi chiếm đánh Giê-ru-sa-lem vào khoảng 605-586 TC. Một số khí dụng bị phá hủy, một số khí dụng còn lại nầy đã bị tịch thâu và đem về Ba-by-lôn cùng với những người Do Thái bị bắt làm phu tù. Sự cố nầy đã được ghi lại trong II Các 24:1-7, 11-13; 25:8-17; II Sử 36:5-7, 9-10, 13-19; Đa 1:1-4. Những khí dụng của đền Đức Giê-hô-va đã bị vua Nê-bu-cát-nết-xa đem về để trong miễu người là “nhà của thần mình” tại Ba-by-lôn (II Sử 36:7) cho đến ngày vua Si-ru ra chiếu chỉ tái xây dựng đền thờ Giê-ru-sa lem thì vua cũng trả lại đúng theo lời tiên tri Giê-rê-mi rằng, “Những đồ ấy sẽ bị đem qua Ba-by-lôn, và để lại ở đó cho đến ngày ta thăm viếng chúng nó; bấy giờ ta sẽ đem những đồ ấy trở về, lại để trong chỗ nầy, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 27:22)
1:8 “Mít rê đát, người thủ quỹ” không cùng một nhân vật với Mít rê đát trong 4:7, đã được vua Si-ru truyền đem những khí cụ ra, đếm và giao lại cho Sết ba xa, quan trưởng của Giu-đa. Tên Sết-ba-xa chỉ được nhắc đến 2 lần (1:8-11 và 5:14-16) và liên quan đến chức tước triều đình. Có hai giả thuyết đưa ra liên quan đến Xô-rô-ba-bên như sau: (a) Sết-ba-xa cũng là Xô-rô-ba-bên vì tên Sết-ba-xa là tên của Xô-rô-ba-bên được gọi theo tiếng Canh đê và được biết đến tại đế quốc Phe rơ sơ. Hơn nữa, vì những hoạt động xây cất đền được ghi lại trong 5:2 và 16 cho thấy Sết-ba-xa và Xô-rô-ba-bên là một người , và (b) Sết-ba-xa và Xô-rô-ba-bên là hai nhân vật khác nhau hoàn toàn và Sết-ba-xa là người đã được vua Si-ry ủy thác cho trách nhiệm cai quản Giu-đa. “Quan trưởng Giu-đa” cho thấy Xô-rô-ba-bên không được xem là vua, nhưng là người thuộc dòng vua Đa vít cho đến Đấng Mê-si
1:9-11, dầu cho những khí dụng liệt kê chi tiết trong c.9 thành một bản danh sách với tổng số là 2.400 cái thì chỉ tượng trưng cho tất cả 5.400 cái trong câu 11, có thể đó chỉ là danh sách của những khí dụng lớn, quí giá và quan trọng mà thôi. Nhưng tất cả các khí dụng nầy đều được đem theo cùng 50.000 người (Ex 2:64-65) trong dịp hồi hương lần thứ nhất từ Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem, một hành trình mất khoảng 3-5 tháng.
Ứng dụng:
- Đức Chúa Trời là Đấng Tiếp Trợ:
Không những Ngài tiếp trợ mọi nhu cầu cá nhân cho con dân Ngài mà thôi, nhưng một khi Đức Chúa Trời ủy thác cho con dân Chúa một sứ mạng nào, thì Ngài cũng ban cho mọi nhu yếu để con dân Chúa có thể thực hiện và hoàn tất công tác mà Ngài giao phó, không chỉ những vật thể mà còn cả ân tứ, năng quyền để phục vụ Ngài. Chúng ta thấy ý muốn của Đức Chúa Trời là đền thờ Giê-ru-sa-lem cần được tái xây dựng thì Ngài đã chuẩn bị mọi phương tiện cho con dân Ngài từ những ảnh hưởng chính trị, nhân sự, tài vật… giống như một bài hát đã diễn tả ý nầy khi viết rằng, “Ngài ban ta thêm ơn, khi giao phó ta thêm trọng trách…” Đức Chúa Trời có quyền năng để sử dụng mọi phương cách tiếp trợ cho chúng ta như Ngài đã từng làm khi xưa, lúc dùng chim quạ để nuôi tiên tri Ê-li khi trời hạn hán (I Các 17:1-7); dầu không hết trong bình và bột không hết trong vò để người đàn bà goá Sa-rép-ta có thể chăm sóc cho tiên tri của Ngài (I Các17:8-16); Đức Chúa Giê-xu đã nhận lấy 5 cái bánh và 2 con cá để ban cho hơn 5.000 người ăn và còn dư 12 giỏ (Mat14:13-21), vượt hơn mọi điều chúng ta mong đợi và mơ ước. Hãy an nghỉ trong sự tiếp trợ chu cấp của Đức Chúa Trời. Ngài biết rõ sức lực, khả năng và tài nguyên mà chúng ta có khi giao phó cho chúng ta bất cứ một công tác nào. Hãy mạnh dạn đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và phục vụ Nhà Ngài cách trung tín, phần còn lại Đức Chúa Trời sẽ lo liệu và chu cấp cho chúng ta mọi điều.
- Những gì thuộc Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời:
Các khí dụng trong đền thờ đã được làm nên theo khuôn mẫu của Đức Chúa Trời và được biệt riêng ra thánh trong việc thờ phượng Ngài với mục đích tôn cao Danh Thánh Ngài. Nhưng vì phạm tội, con người không những đã vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng còn giữ lấy những gì thuộc về Đức Chúa Trời và sử dụng theo ý riêng, trong đó có tiền bạc, thời gian, khả năng và mọi điều mà chúng ta hiện đang có. Vì thế, Đức Chúa Trời đã buộc tội cho dân sự của Ngài là “ăn trộm” vì họ đã không đem 1/10 dâng vào kho của Đức Chúa Trời (Ma 3:1-12). Chúng ta quên mất rằng Đức Chúa Trời là Đấng Sở Hữu mọi sự và chúng ta chỉ là những quản gia của Ngài không hơn không kém. Thế nên, người Pha ri si thử Ngài khi hỏi “có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không?” thì Đức Chúa Giê-xu đã trả lời, Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Mat 22:21). Chúng ta đang giữ những gì thuộc về Đức Chúa Trời mà chúng ta cần phải hoàn trả. Một khi chúng ta trả lại cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ nhận lãnh những phước hạnh như Lời Ngài đã hứa (Ma 3: 10-12) Chúng ta muốn nhận được ơn phước thiêng thượng cách tràn đầy thì hãy làm theo nguyên tắc và sự dạy dỗ của Thánh Kinh hôm nay.
- Tái xây dựng đền thờ của Đức Giê-hô-va hay tái thiết lập mối liên hệ và sự thờ phượng Đức Chúa Trời:
Vua Sa-lô-môn đã xây đền thờ nguy nga tráng lệ với mọi khí dụng quí giá cho sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong vòng 7 năm. Mặc dầu vậy, Sa-lô-môn vẫn biết rằng không một đền thờ nào do tay người làm nên có thể chứa Chúa được (II Sử 6:18). Nhưng tại đền thờ, Đức Chúa Trời đã chọn để đặt Danh Ngài và nhắc nhở cho con người về giao ước mà Ngài thiết lập cùng. Do đó, để Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết sống mãi với con người thì con người phải tiếp tục trung tín và gìn giữ mối liên hệ mật thiết với Ngài. Tiếc thay, dân sự Chúa đã bội ước, xây lưng khỏi Đức Chúa Trời và thờ phượng tà thần, Đức Chúa Trời kiên nhẫn mong họ ăn năn quay về nhưng họ vẫn cứng lòng, nên sau nhiều lần cảnh giác thì Ngài đã cho phép xứ sở họ bị ngoại bang xâm chiếm và dân sự bị lưu đày. Nhưng Đức Chúa Trời đã thể hiện sự thương xót cả thể và sự thành tín lớn lao của Ngài, như lời cầu nguyện cung hiến đền thờ của vua Sa-lô-môn (II Sử 6:24-26). Chúng ta hôm nay dầu có đang sống xa cách Chúa và mối liên hệ giữa Chúa với chúng ta bị gãy đổ, nhưng nếu chúng ta biết rằng “thân thể mình là đền thờ của Đức Chúa Trời” (I Cô 3:16) bằng lòng ăn năn tội lỗi và quay trở lại cùng Đức Chúa Trời, Ngài sẽ tha thứ chúng ta và cho chúng ta tái thiết lập mối liên hệ và từ đó, sự thờ phượng Đức Chúa Trời của chúng ta mới thật sự đẹp lòng Ngài như lời khuyên của sứ đồ Phao-lô trong Rôm 12:1-2, “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”
Câu hỏi áp dụng:
- Bạn đã kinh nghiệm về sự chu cấp, tiếp trợ của Đức Chúa Trời như thế nào trong công tác phục vụ Nhà Ngài? Bạn đã đáp ứng trước sự kêu gọi và ủy thác trách của Chúa như thế nào?
- Điều nào làm cho Bạn e ngại, lưỡng lự khiến Bạn không dám dấn thân, đứng lên nhận lãnh trách nhiệm hầu việc Chúa?
- Điều nào “thuộc về Đức Chúa Trời” mà Bạn cần phải trả lại cho Ngài, như thời gian, khả năng, tài chánh, trách nhiệm nói về Chúa cho người khác, làm hoà thuận và ngay thẳng lại những mối quan hệ bị đổ vỡ . . . ?
4. Mối liên hệ của Bạn với Đức Chúa Trời như thế nào? nồng cháy, hâm hẩm hay lạnh nhạt? Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng lạnh nhạt hay hâm hẩm (Khải 3:15-16)? Bạn có sẵn sàng nhờ cậy Chúa để tái thiết lập mối quan hệ và sự thờ phượng với Đức Chúa Trời hôm nay không?