Kinh Thánh: E xơ ra 1:2-4
Giải thích:
Chỉ dụ của vua Si-ru truyền cho dân Chúa trở về quê hương để trùng tu lại đền thờ Giê ru sa lem – đây không chỉ là công tác tái xây dựng cơ sở vật thể, nhưng hơn thế nữa, dân Do thái được tái thiết lập sự thờ phượng Đức Chúa Trời. nơi Danh Chúa ngự và con dân Chúa thực hiện sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong sự dâng tế lễ, và cử hành những lễ nghi đúng theo luật pháp mà Đức Chúa Trời đã truyền cho dân sự Ngài qua Môi se.
1:2-4 Vua Si ru có được sự nhận biết về sự tể trị của Đức Chúa Trời và dân Do Thái lưu đày được ưu đãi có thể do ảnh hưởng của Đa ni ên. Dựa theo Josephus, là sử gia Do Thái thì Đa ni ên là thủ tướng của vua Si ru và có thể Đa ni ên đã nói lại cho Si ru lời tiên tri Ê sai đã phán từ hơn thế kỷ trước về chương trình và ý định của Đức Chúa Trời (Ê sai 44:28; 46:1-4). Do đó, Si ru nhận biết rằng mọi quyền lực của mình đến từ Đức Chúa Trời của dân Do Thái và cảm động vua thực hành để ứng nghiệm lời tiên tri của Ngài.
Danh hiệu ‘Giê hô va Đức Chúa Trời’ (trong Bản Dịch Mới ‘Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời trên trời cao’ là Đức Chúa Trời của dân Do Thái và đền thờ là trung tâm thờ phượng Ngài, nhưng sau khi Đền thờ Giê ru sa lem bị hủy phá, Đức Chúa Trời không còn được nhắc đến là ‘Đấng ngự giữa hai Chê ru bim’ (2 Sa. 6:2) Nên người Phe rơ sơ có thể hiểu rằng có ‘Đức Chúa Trời của dân Y sơ ra ên’ và Ngài cũng chỉ là một thần giữa các thần khác mà thôi. Nhưng khi dùng danh hiệu ‘Đức Chúa Trời trên trời cao’ hàm ý rằng Đức Chúa Trời không chỉ là một thần khác, nhưng Ngài còn là Chúa Tể nữa. Thật vậy, ‘Đức Chúa Trời của Y sơ ra ên’ đã được nhìn nhận là Đấng Chí Cao có thẩm quyền tối hậu trên thế giới và là Đấng Chủ Tể, quản cai và ban mọi quyền hành cho các vua cai trị vương quốc loài người (xem 5:12; 6:9-10; 7:12, 21, 23). Bởi vậy, vua Si ru dùng danh hiệu nầy cho thấy ảnh hưởng của các cận thần người Do Thái.
‘đã ban các nước thế gian thế gian cho ta’ – Lời xác nhận của vua Si ru về sự tể trị của Đức Chúa Trời đã ban cho vua đế quốc rộng lớn. Như chúng ta đã học biết trước đây, vua Si ru là một vua chư hầu đã chiến thắng đế quốc Ba by lôn và nay đã cai trị đế quốc rộng lớn là do Đức Chúa Trời trên trời cao ban cho. Một sự nhận thức rất chính xác về khả năng giới hạn của loài người đối với quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời Chí Cao là Đấng đang tể trị, cầm giữ mọi việc trong tay Ngài.
‘Chánh Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê ru sa lem’ có thể lời tuyên bố của vua Si ru từ địa vị của một người thờ đa thần cho nên nhìn nhận rằng ‘Đức Chúa Trời của dân Y sơ ra ên’ phải được thờ phượng tại Giê ru sa lem. Nhưng hơn thế nữa, khi nói đến sự tể trị của Đức Chúa Trời thì chúng ta cũng thấy rằng chính Ngài điều khiển, cảm động lòng người, ngay cả lòng vua, để thực hiện chương trình và ý định đời đời của Ngài. Vấn đề còn lại là con người dầu làm gì mặc lòng, có bằng lòng đầu phục sự tể trị của Đức Chúa Trời trên cuộc đời mình và vâng lời làm theo hay không? Và tên gọi ‘đền thờ Giê ru sa lem’ là nói đến đền thờ thứ nhì, sẽ được tái xây dựng sau khi những người lưu đày hồi hương dưới sự lãnh đạo của Xô rô ba bên.
1:3 … ‘phàm ai thuộc về dân sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem’ . . . Vua Si ru cho phép và kêu gọi những người dân Y sơ ra ên hồi hương để tái xây dựng đền thờ cho Đức Chúa Trời tại Giê ru sa lem, nơi được Đức Chúa Trời chọn để đặt Danh Ngài tại đó, như lời vua Sa lô môn đã cầu nguyện khi cung hiến đền thờ (2 Sử. 6:20). Vua Si ru cũng xác nhận một lần nữa, đối tượng và mục đích chính yếu là tái xây dựng đền thờ cho Giê hô va – Đấng không thay đổi vì Ngài vẫn là Đức Chúa Trời của Y sơ ra ên, Đấng vẫn ngự tại đền thờ Ngài.
1:4 Không những chỉ cho phép và kêu gọi dân Y sơ ra ên hưởng ứng chương trình hồi hương, vua Si ru còn truyền lệnh cho những người còn lại cũng phải có trách nhiệm trong việc tái xây dựng đền thờ vì: (a) Việc tái xây dựng đền thờ là công tác lớn lao và cần sự hợp tác của tất cả mọi người trong vòng dân Do Thái (Y sơ ra ên) lưu đày. Một số người có thể hồi hương làm công tác xây dựng nhưng những người không thể trở về cần phải tham gia bằng sự đóng góp tài vật; (b) Mục đích sự đóng góp không chỉ dùng vào công cuộc xây dựng đền thờ về phương diện cơ sở vật chất nhưng cũng góp phần vào việc tái lập sự thờ phượng Đức Chúa Trời qua việc dâng của tế lễ nữa.
Ứng dụng:
A. Nhận thức Đức Chúa Trời là Nguồn Cội của mọi thành đạt:
Đây là thái độ đúng đắn nhất của không riêng gì chúng ta là những con cái của Đức Chúa Trời mà còn là của mọi người cần phải có. Đây cũng là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc mà Đức Chúa Trời sẵn ban cho kẻ kính sợ Ngài. Bài học hôm nay cho chúng ta thấy rằng mọi thành công trên đời không thể đạt được do sức lực và tài năng riêng của con người, mặc dầu ngày nay vẫn có nhiều người khước từ ý niệm nầy, cho rằng những thành công đạt được là do bàn tay và khối óc của mình tạo nên, thái độ bàn tay ta có thể làm nên tất cả chỉ là những suy nghĩ nông cạn của tấm lòng kiêu ngạo trước mặt Chúa mà thôi. Vua Si ru, dầu không phải là người Do Thái, nhưng sau khi đạt được tuyệt đỉnh của danh vọng và quyền thế – chiến thắng đế quốc Ba by lôn và thành lập vương quốc Phe rơ sơ – cũng đã xác chứng rằng ‘Đức Chúa Trời Tối Cao đã ban các nước thế gian’ cho vua. Chúng ta hôm nay cũng cần đặt lại vấn đề, những gì mà chúng ta đương có trong tay đến từ đâu? Phải chăng do khả năng tài trí hay sức lực cá nhân đem lại, hay thành thật đủ để nhìn nhận rằng những điều chúng ta có thật sự đã vượt hơn giới hạn và khả năng hạn hẹp của chính mình làm nên?
B. Biết rõ đối tượng của sự thờ phượng:
Sự thờ phượng bao gồm việc bày tỏ lòng tôn kính, cảm tạ, biết ơn Chúa, điều đó được thể hiện bằng tình cảm và cả sự dâng hiến thì giờ, sức lực và tài vật cho Ngài. Nhiều người đã thực hiện sự thờ phượng với tấm lòng thành khẩn dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhưng liệu có biết rõ đối tượng mà mình đang thờ phượng là ai và có thể làm gì cho mình hay không? Chỉ khi nào một người nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời đã và đang hành động trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, người ấy mới có sự thờ phượng chuẩn xác. Đây là thái độ và hành động tương xứng mà con dân Chúa cần phải có trước sự ban cho của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể hiện sự tôn kính thờ phượng và phụng sự Chúa cách hết lòng hay không?
C. Công tác xây dựng Nhà Chúa cần sự hợp tác và đóng góp của tất cả mọi người:
Đây là công tác vĩ đại mà không thể thực hiện bởi một người hay chỉ một số người nào đó, nhưng cần tất cả mọi người. Sự nhận thức nầy sẽ đưa đến thái độ khiêm nhường, nhìn nhận rằng chúng ta cần nhau trong công tác mở mang Nước Trời và cần hiệp một mới có thể hoàn tất những công tác mà Chúa giao phó. Do đó, Chúa đã dùng sứ đồ Phao lô dạy chúng ta lẽ thật về Hội Thánh của Đức Chúa Trời – Đấng Christ là đầu và Hội Thánh là thân thể Ngài mà trong đó, mỗi tín nhân đều là một trong những chi thể trong thân thể ấy. Mỗi chi thể tuy có chức năng riêng biệt nhưng đều cần nhau, hỗ tương cho nhau, không ai quan trọng hơn ai. Mặc dầu mỗi chi thể có vai trò và trách nhiệm khác nhau nhưng cần phải được mạnh mẽ như nhau, vì và chu toàn công tác mà Đức Chúa Trời ủy thác, đem lại sự kết quả như Ngài hằng mong đợi.
Câu hỏi thảo luận:
1. Những gì mà chúng ta đương có trong tay do khả năng tài trí hay sức lực cá nhân đem lại hay từ nguồn cung ứng khác? Xin mô tả Nguồn cung ứng đó.
2. Chúng ta có thành thật đủ để nhìn nhận rằng những điều chúng ta có vượt hơn giới hạn và khả năng của chính mình làm nên hay không?
3. Chúng ta có thể hiện sự tôn kính, thờ phượng và phụng sự Chúa cách hết lòng hay không? Làm thế nào để biết mình thờ phượng Chúa cách hết lòng? Bạn thử đưa ra vài thí dụ cụ thể.
4. Phương cách thể hiện sự phục vụ Đức Chúa Trời của Bạn hiện nay như thế nào?
5. Bạn đang làm việc một mình hay hợp tác với những người cùng niềm tin nơi Chúa để thực hiện một công tác nào đó mà Chúa đã ủy thác? Vì sao bạn lại làm việc một mình?