Tác giả: Rick Warren
“Vả, người tin theo đông lắm, cứ một lòng một ý cùng nhau. Chẳng ai kể của mình là của riêng; nhưng kể mọi vật là của chung cho nhau.” (Công Vụ 4:32)
Sự hiệp một cất bỏ sợ hãi và tạo ra sự mạnh dạn. Một hội thánh hiệp một mang lại cho mọi người trong hội thánh đó nhiều quyền năng và can đảm hơn là một hội thánh chia rẽ.
Bạn có thể thấy điều này trong Kinh Thánh sách Công Vụ đoạn 4. Phi-e-rơ và Giăng đã bị bắt bỏ tù sau khi họ thực hiện một phép lạ và giảng dạy trong Danh Chúa Giê-xu. Cuối cùng họ đã được thả ra và trở về với hội thánh. Đây là cách những người bạn tin Chúa của họ phản ứng lại với câu chuyện họ bị giam cầm, xét xử, và được thả ra: “Khi nghe điều này, họ đã hiệp một và lớn tiếng cầu nguyện với Chúa” (Công Vụ 4:24 BD GW).
Cầu nguyện chung với nhau hiệp một hội thánh. Sau lời cầu nguyện hiệp một của những người trong hội thánh đầu tiên này, tòa nhà nơi họ nhóm lại rúng động. Đó hẳn phải là một lời cầu nguyện thật mạnh mẽ! Tòa nhà rúng động, tất cả những người đó đều đầy dẫy Thánh Linh, và họ bắt đầu rao giảng sứ điệp của Chúa một cách dạn dĩ.
Sự sợ hãi, bất an, và lo lắng có phiền nhiễu đến bạn không? Bạn có muốn can đảm hơn không? Bạn có muốn dạn dĩ hơn không? Bạn có mong ước mình tự tin hơn trong việc chia sẻ đức tin của mình không?
Đây là cách để trở nên dạn dĩ hơn như một môn đồ của Chúa Giê-xu: Tập trung vào sự hiệp một của bạn với những Cơ-đốc-nhân khác. Kinh Thánh nói rằng, khi những người trong hội thánh đầu tiên hiệp một với nhau, họ trở nên dạn dĩ trong việc rao giảng Lời Chúa.
Sự chia rẽ tạo ra sợ hãi và hủy phá khải tượng. Một hội thánh chia rẽ là một hội thánh sợ hãi. Nhưng sự hiệp một cất bỏ sợ hãi. Điều đó giúp dân Chúa nhớ lại Tin Lành và những gì Chúa đã làm, và đem lại cho họ hy vọng.
Bạn có thể học một điều khác nữa từ những Cơ-đốc-nhân đầu tiên trong sách Công Vụ: Khi một hội thánh thật sự hiệp một như cách Chúa Cơ-đốc muốn, thì tất cả những nhu cầu của các tín hữu đều được đáp ứng.
Công Vụ 4:32 nói, “Tất cả những người tin Chúa đều đồng tâm hiệp ý với nhau. Và họ cảm thấy rằng những gì họ sở hữu không phải là của riêng họ, vì vậy họ đã chia sẻ tất cả những gì họ có” (BD NLT).
Họ đã chia sẻ mọi thứ họ có để không ai bị thiếu thốn. Công Vụ đoạn 2 nói rằng điều này rất ấn tượng với những người chưa tin Chúa ở Giê-ru-sa-lem. Hội thánh được cộng đồng ưu ái vì họ thấy cách những Cơ-đốc-nhân yêu thương và quan tâm đến nhau.
Sự hiệp một trong hội thánh của bạn—và trong thân thể lớn hơn của Chúa Cơ-đốc—sẽ có cùng một ảnh hưởng: Người ta sẽ nhìn thấy tình yêu thương của các bạn dành cho nhau và mục đích chung về Tin Lành của các bạn. Họ sẽ muốn biết điều gì đã tạo nên sự khác biệt. Và rồi bạn sẽ có sự dạn dĩ để chia sẻ với họ về Đấng làm cho các bạn hiệp một.
Dưới đây là những câu hỏi để bạn tự mình suy gẫm hay để thảo luận với các bạn khác trong nhóm nhỏ:
– Bạn hoàn thành nhiều hơn một mình hay trong một nhóm nhỏ có cùng động cơ và mục đích? Tại sao vậy?
– Vai trò của bạn trong việc khích lệ sự hiệp một trong hội thánh là gì?
– Tại sao sự hiệp một thu hút nhiều sự chú ý ngày hôm nay?
Xin bạn dành ít phút suy nghĩ về những điều bạn học được từ hội thánh đầu tiên qua bài tĩnh nguyện hôm nay và thưa với Chúa câu trả lời của bạn cho các câu hỏi trên. Bạn có thể tự mình nói đơn giản với Chúa những gì bạn suy nghĩ hay có thể cầu nguyện theo lời cầu nguyện sau:
“Kính lạy Chúa là Cha yêu thương của con. Sống trong xã hội đề cao sự tự do cá nhân và đeo đuổi chủ nghĩa vật chất, rất dễ để con sống với thái độ ‘sống chết mặc bay’ và không quan tâm đến người khác, ngay cả với những người trong gia đình và trong hội thánh. Con cảm ơn Chúa, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho con tấm gương của hội thánh đầu tiên và điều răn lớn hơn hết của Chúa: Mục đích của đời sống con là yêu mến Chúa và yêu thương những người lân cận. Xin Chúa cho con cùng với các anh chị em trong nhóm nhỏ cầu nguyện chung với nhau cho sự yêu thương, quan tâm, hiệp một của hội thánh để chúng con được tự tin và dạn dĩ trong việc chia sẻ tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa cho những người ở chung quanh mình. Con cảm ơn Chúa và cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. A-men.”