Bài 8
Công tác tái xây dựng đền thờ (Ê-xơ-ra 3:1 – 6:22)
HIỆP NHẤT TÁI THIẾT: NỀN ĐỀN THỜ
Ê-xơ-ra 3:8-13
8 Năm thứ hai tháng hai, sau khi chúng đến đền của Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem, Xô-rô-ba-bên, con trai của Sa-anh-thi-ên, và Giê-sua, con của Giô-xa-đác, với các anh em khác của họ, là những thầy tế lễ, người Lê-vi, cùng hết thảy những người bị bắt làm phu tù được trở về Giê-ru-sa-lem, đều khởi làm công việc xây cất đền thờ; chúng đặt người Lê-vi, từ hai mươi tuổi trở lên, đặng cai quản công việc xây cất đền thờ của Đức Giê-hô-va. 9 Bấy giờ, Giê-sua, các con trai người và anh em người, Cát-mi-ên và các con trai người, con cháu Hô-đa-via và con cháu Hê-na-đát, là người Lê-vi, với con trai và anh em của họ, đều chỗi dậy đồng hiệp nhau như một, mà quản đốc những người làm việc trong nhà của Đức Chúa Trời. 10 Khi các thợ xây nền đền của Đức Giê-hô-va, thì có những thầy tế lễ đứng đó mặc áo lễ và cầm kèn, còn những người Lê-vi, con cháu A-sáp, đều cầm chập chỏa, đặng ngợi khen Đức Giê-hô-va y như các lễ phép của Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên, đã lập ra. 11 Chúng ca hát đối đáp mà ngợi khen cảm tạ Đức Giê-hô-va rằng: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là tốt lành, lòng thương xót của Ngài đối với Y-sơ-ra-ên còn đến đời đời! Cả dân sự đều kêu reo tiếng lớn, ngợi khen Đức Giê-hô-va, bởi vì người ta xây nền đền thờ của Đức Giê-hô-va. 12 Nhiều thầy tế lễ, người Lê-vi, trưởng tộc, tức là những người già cả đã thấy đền thờ trước, bèn khóc tiếng lớn trong khi người ta xây nền của đền mới tại trước mặt mình. Cũng có nhiều người khác lại la tiếng lớn vui mừng hớn hở; 13 nên người ta khó phân biệt tiếng vui mừng với tiếng khóc lóc; vì dân sự la lớn tiếng lên, và tiếng ấy vẳng vẳng nghe xa.
Giải Nghĩa
3:8. ‘Tháng hai năm thứ hai …’ là vào khoảng tháng 4 hay tháng 5, năm 536 T.C. Chính thức chấm dứt 70 năm bị lưu đày bắt đầu vào năm 605 TC. Thời gian tính từ thời điểm những người Do Thái hồi hương về đến Giê-ru-sa-lem vào tháng 7 của năm trước đó, một khoảng thời gian hơn nửa năm cần thiết để giúp họ và gia đình được ổn định. Đó cũng là thời gian để họ chuẩn bị xây cất đền thờ. Những người Do Thái lưu vong, đã mất thời gian để lập kế hoạch, vì đây là một dự án rất quan trọng đối với họ.
8-9. Địa điểm đền thờ bấy giờ đã được dọn sạch đủ để cho công việc xây dựng nền móng có thể bắt đầu. Xô-rô-ba-bên và Giê-sua, thầy tế lễ lãnh đạo dân sự, cũng như các thầy tế lễ và người Lê-vi trong nỗ lực chung, đây nói đến một sự hợp tác rất chặt chẽ trong tất cả mọi tầng lớp, từ thành phần lãnh đạo chính quyền, cho đến thành phần lãnh đạo tôn giáo, tất cả những người thuộc bang Lê-vi là những người được biệt riêng ra để phục vụ đền thờ, họ cùng nhau giám sát những người làm việc trong nhà của Đức Chúa Trời.
3:10. Mô tả quang cảnh xây nền của đền Đức Giê-hô-va, các thợ xây nền thì làm công việc của mình, trong khi đó các thầy tế lễ những người Lê-vi và con cháu A-sáp, thì dùng những khí cụ hòa lòng chung lời ca tiếng hát để ca ngợi Chúa.
3:11. ‘Họ ca hát đối đáp nhau, tôn vinh và cảm tạ Đức Giê-hô-va’. Vì họ nhận biết được điều Đức Giê-hô-va đã làm giữa vòng dân sự nên họ đã ca ngợi: “Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là tốt lành, lòng thương xót của Ngài đối với Y-sơ-ra-ên còn đến đời đời! Cả dân sự đều kêu reo tiếng lớn, ngợi khen Đức Giê-hô-va, bởi vì người ta xây nền đền thờ của Đức Giê-hô-va”.
3:12-13. “Nhiều thầy tế lễ, người Lê-vi, trưởng tộc, tức là những người già cả đã thấy đền thờ trước, bèn khóc tiếng lớn trong khi người ta xây nền của đền mới tại trước mặt mình. Cũng có nhiều người khác lại la tiếng lớn vui mừng hớn hở; nên người ta khó phân biệt tiếng vui mừng với tiếng khóc lóc; vì dân sự la lớn tiếng lên, và tiếng ấy vẳng vẳng nghe xa.” Mô tả phản ứng của con dân Chúa sau khi nền đền thờ được xây dựng lại. Có hai thành phần và hai phản ứng khác nhau:
- Thành phần thứ nhất: gồm ‘Nhiều thầy tế lễ, người Lê-vi, trưởng tộc là những người già cả đã thấy đền thờ trước’ kia, là những người đã còn sống sót sau thời kỳ lưu đày, là những người đã chứng kiến được đền thờ của Sa-lô-môn xây dựng trước đây.
- Thành phần thứ hai: là người trẻ hơn. Thế hệ này có lẽ là những người khi rời khỏi đất nước quê hương còn nhỏ tuổi hoặc đã được sinh ra ở tại xứ người, cho nên họ không biết gì hết về những quá khứ mà cha ông của họ đã trải nghiệm.
Những người lớn tuổi, già cả thì họ khóc lớn khi thấy nền của đền thờ mới được xây dựng, trong khi những người khác thì lại reo hò vì vui mừng. Tại sao những người già cả lại khóc khi thấy nền của đền thờ mới được xây dựng? Thay vì vui mừng họ lại khóc, vì họ là những người đã nhìn thấy đền thờ thật đẹp, nguy nga mà vua Sa-lô-môn xây dựng trước đây. Đền thờ được tái xây dựng lại không bằng, cho nên sự khóc lóc của họ là sự nuối tiếc; không chấp nhận hiện tại hay là khóc lóc về sự thất vọng, không được giống như ngày xưa.
Trong khi những người khác lại reo hò, vui mừng. Họ vui mừng vì thấy đền thờ của Đức Chúa Trời khi được xây dựng trên nền mới này với một tương lai được thờ phượng Đức Chúa Trời. Ước ao của những người xa quê hương đã không có cơ hội để thờ phượng Chúa qua việc giữ các luật lệ mà luật pháp của Đức Chúa Trời đòi buộc. Trước đây họ đã không vâng lời làm theo, như chúng ta đã nhắc đến tâm trạng của những người ngồi bên bờ sông ở tại Ba-by-lôn: đã nhớ lại trước đây được đến đền thờ Đức Chúa Trời, ca ngợi danh của Ngài. Bây giờ lại bị phân đôi bởi cái nhìn từ những quan điểm khác nhau.
Bài Học Ứng Dụng
Chúng ta thấy được không chỉ riêng dân sự Chúa xưa kia, mà Hội thánh của Chúa ngày hôm nay, cũng đối diện với những vấn đề tương tự là sự xung đột giữa hai thế hệ:
- a) Thế hệ của những người lớn đi trước và thế hệ tiếp nối đi sau thường xảy ra những sự xung đột vì bất đồng quan điểm; bất động ý kiến từ những cái nhìn. Những người lớn tuổi nhìn ngược dòng thời gian, nhớ lại những quá khứ mà mình đã có được trước đây, với những phước hạnh tuyệt vời với Đức Chúa Trời giờ không còn nữa. Cố gắng nắm giữ những truyền thống, những kỷ niệm, nhiều thứ khác nhau mà ngày nay thế hệ tiếp nối không trân quý như điều đáng phải có. Từ đó, đã tạo ra những sự buồn phiền, trách cứ. Hoặc là thế hệ đi trước đã không nhường chỗ cho thế hệ đi sau có những cảm thông với sự nâng đỡ, hướng dẫn để họ có thể tiếp nối công việc mà giữ lấy riêng cho mình.
- b) Trong khi đó, thì thế hệ tiếp nối lại xem thế hệ đi trước như là thủ cựu, cố chấp, không cởi mở để đón nhận những điều mới, không trân quý những kinh nghiệm mà họ đã có được và nhất là cũng thiếu kiên nhẫn để giúp đỡ cho thế hệ đi trước hội nhập được với những trào lưu, tiến bộ của khoa học.
Vì vậy, đã đưa đến những sự bất đồng ý kiến và cuối cùng đôi khi phải chia rẽ. Để giải quyết được vấn nạn, cả hai thế hệ cần phải có sự cảm thông, cần có sự hạ mình, khiêm nhường, chấp nhận nhau trong tình thương của Chúa và nhắm vào một mục đích: Xây dựng nhà của Đức Chúa Trời và mở mang vương quốc của Ngài. Cả hai thành phần cần phải nắm giữ điều trên và trước hết chính là Đấng Christ.
Hãy lắng nghe lời khuyên của sứ đồ Phao-lô, “Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-lip 2:1-8).
Nếu tất cả chúng ta đều nhắm vào mục đích như lời Chúa đã khuyên dạy, chắc chắn chúng ta sẽ hiệp một và đồng tâm, đồng lực với nhau để cùng nhau xây dựng và mở mang Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Nguyện xin Đức Thánh Linh dùng tình yêu thương, quyền năng của Ngài giúp chúng ta áp dụng lời Chúa trong nếp sống hàng ngày và trong sự phục vụ Chúa. Amen.
Câu Hỏi Áp Dụng
- Làm thế nào để tôi có thể đặt sự thờ phượng là thứ tự ưu tiên trong cuộc sống hằng ngày của mình, ngay cả giữa những thử thách và bận rộn?
- Trong những cách nào tôi có thể nổ lực trong mọi sinh hoạt hướng tới sự hiệp nhất và sự hợp tác với các tín nhân Đấng Christ khác trong việc hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời?
- Những tụ điểm hay phước hạnh nào trong cuộc sống của tôi có thể liên hoan để làm bằng chứng về sự thành tín của Đức Chúa Trời?
- Làm thế nào tôi có thể vinh danh các truyền thống và lịch sử đức tin của tôi trong khi nắm bắt lấy sự tăng trưởng và thay đổi?
- Khi đối diện với những trở ngại hoặc các chống đối trong hành trình thuộc linh của mình, hoặc có thể nuôi dưỡng sự đoàn kết trong Hội Thánh hoặc cộng đồng của mình, làm thế nào để tôi có thể kiên định trong đức tin và tin cậy vào kế hoạch của Đức Chúa Trời?
Nguyện xin Đức Thánh Linh dùng tình yêu thương và quyền năng của Ngài giúp chúng ta áp dụng Lời Chúa trong nếp sống hằng ngày và trong sự phục vụ Chúa. A-men.