Tác giả: Rick Warren
“Hãy thông cảm, yêu mến nhau, có lòng thương xót và khiêm nhường” (1 Phi-e-rơ 3:8 NIV)
Bạn có muốn giữ sự hòa thuận trong gia đình và giảm thiểu số lượng xung đột trong các mối quan hệ của bạn không? Vậy thì hãy nhạy bén và đồng cảm với cách lời nói và hành động của bạn ảnh hưởng đến người khác.
Kinh Thánh nói, “Đừng bao giờ làm bất cứ điều gì có thể tổn thương đến người khác—người Do Thái, người Hy Lạp, hay hội thánh của Chúa” (1 Cô-rinh-tô 10:32 BD NCV).
Nguyên tắc nhạy cảm với lúc người khác bị xúc phạm này quan trọng hơn bao giờ hết, bởi vì dường như ngày nay ai cũng có vẻ tức giận vì một điều gì đó đã xảy ra cho họ. Tất cả chúng ta đều dễ dàng bị xúc phạm, và tất cả chúng ta đều dễ dàng xúc phạm người khác.
Giải pháp cho điều đó trong các mối quan hệ là đổ ân điển vào bất kỳ tình huống nào để bạn không dễ dàng bị xúc phạm—và rồi trở nên nhạy cảm về những điều làm tổn thương hay nản lòng người khác. Hãy tưởng tượng các mối quan hệ của bạn có thể thay đổi như thế nào chỉ bằng cách thực hiện hai điều đó!
Nhưng điều đó đòi hỏi bạn phải thừa nhận rằng mình thường không nhạy cảm với tác động của lời nói và hành động của mình. Bạn có thể thú nhận rằng đôi khi bạn thiếu nhạy cảm với vợ hay chồng của mình hoặc là bạn đã không đồng cảm với đồng nghiệp hay là bạn không quan tâm chu đáo như mình nghĩ không?
Thật dễ dàng để nhanh chóng nghĩ ra năm điều mà người khác làm xúc phạm đến bạn. Nhưng bạn có thể kể tên năm điều bạn làm xúc phạm đến người phối ngẫu, bạn bè, hay đồng nghiệp của bạn không? Nếu không, thì bạn luôn có thể hỏi họ. Họ sẽ vui vẻ, sẵn sàng nói cho bạn biết!
Nhạy cảm hơn cũng sẽ giúp bạn tuân theo Kinh Thánh trong một lãnh vực khác. Chúa Giê-xu nói trong Ma-thi-ơ 5:25, “Hãy nhanh chóng thỏa thuận vấn đề với người chống nghịch các con” (BD NIV). Đây là một nguyên tắc bạn cần trong mọi mối quan hệ của cuộc sống bạn.
Để giải quyết xung đột dễ dàng và nhanh chóng hơn, bạn cần làm hai điều. Thứ nhất, suy nghĩ trước khi nói. Thứ hai, tập trung nhiều vào việc lắng nghe hơn là việc phải nói ra cho được quan điểm của bạn.
Bản chất con người là nghĩ đến cách bạn bị xúc phạm trước hơn là cách lời nói và hành động của bạn ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Nhưng để giữ sự hòa thuận đòi hỏi bạn phải đồng cảm thay vì phòng vệ, thủ thế khi bạn làm tổn thương một người nào khác.
“Hãy thông cảm, yêu mến nhau, có lòng thương xót và khiêm nhường” (1 Phi-e-rơ 3:8 NIV).
Sự hòa thuận và đồng cảm sẽ luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn muốn có điều này, bạn phải có điều kia!
Dưới đây là những câu hỏi để bạn tự mình suy gẫm hay để thảo luận trong nhóm nhỏ:
– Điều nào quan trọng hơn đối với bạn—được hiểu hay hiểu được? Tại sao vậy?
– Suy nghĩ trước khi nói giúp bạn tránh hay giải quyết được xung đột như thế nào?
– Bạn có coi mình là một người đồng cảm không? Làm thế nào để bạn có thể học cách trở nên đồng cảm hơn?
Xin các bạn dành thì giờ cầu nguyện với Chúa về những điều bạn học được từ bài tĩnh nguyện hôm nay. Bạn có thể nói đơn giản, cụ thể với Chúa những gì bạn suy nghĩ hay bạn có thể cầu nguyện theo lời cầu nguyện sau:
“Kính lạy Chúa là Cha yêu thương của con. Con cảm ơn Chúa vì Chúa luôn muốn con được sống vui vẻ, hòa thuận trong mọi mối quan hệ của con. Xin giúp con bớt quan tâm đến chính mình nhưng quan tâm nhiều hơn đến người khác; giúp con tìm hiểu biết người khác hơn là được người khác hiểu mình; giúp con lắng nghe, suy nghĩ nhiều hơn là nói; giúp con nhạy bén với những ảnh hưởng của lời nói và hành động của mình trên người khác; giúp con thông cảm, hiểu biết, nhân từ, khiêm nhường, yêu thương hơn; giúp con giống Chúa Giê-xu yêu quý của con hơn. Con cảm ơn Chúa và cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. A-men.”